Tiềm năng nuôi cá điêu hồng tại Honduras
"Với mô hình nuôi cá điêu hồng trong vèo, những vấn đề liên quan đến việc giảm lượng ôxy hòa tan đo được trong ao và mật độ thả quá dày đặc đã được giải quyết bằng máy sục khí cơ học trong tất cả các ao. Nhưng chủ trại cho rằng vẫn có thể tối ưu hóa khả năng sản xuất của ao và đã quyết định thử nghiệm công nghệ nuôi vèo trong ao (IPRS) để tăng sản lượng và lợi nhuận."
Honduras đang chứng tỏ tiềm năng lớn về nuôi cá điêu hồng trong vèo. Mô hình này đạt được những hiệu quả ngoài mong đợi, không chỉ năng suất cao mà mà còn hướng đến mục tiêu giảm tác động môi trường thông qua quản lý thức ăn và nước thải.
Hướng đi mới
Nuôi vèo trong ao là mô hình đã được áp dụng tại Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ và Ai Cập. Nhưng gần đây mới được thực hiện tại Mỹ Latinh, như Mexico và hiện giờ là Honduras. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Ngũ cốc Mỹ (USSEC), mô hình này còn nhằm giảm tác động lên môi trường thông qua quản lý thức ăn và nước thải.
Honduras nuôi cả cá rô phi và cá điêu hồng trong ao nước ngọt, nuôi vèo hoặc lồng trong ao chứa nước, hồ tự nhiên bằng nhiều hệ thống khác nhau. Hầu hết các hộ nuôi vừa và nhỏ lựa chọn cá điêu hồng vì nhu cầu tiêu thụ cao, được giá tại nhà hàng hoặc siêu thị nhờ bắt mắt hơn cá rô phi.
Một trong những hộ nuôi cá quy mô vừa, trang trại “Tilapia Blukalsa” tại Las Marias, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Cortes, Honduras xây dựng năm 2015 đã nhanh chóng gặp phải vấn đề liên quan đến mô hình sản xuất, chủ yếu do trang trại đặt tại khu vực có địa hình trũng thấp ở phần cuối lưu vực sông và chỉ sử dụng dòng nước trong lưu vực sông (chứa nước từ những trang trại ở vùng địa hình cao hơn). Mặc dù, sử dụng nước chứa chất hữu cơ tích tụ từ những trang trại này, nhưng không phát hiện thấy nitrite hoặc ammonia. Tuy nhiên, tổng kiềm của nước đo được là 22 mg/l, và được điều chỉnh lên 60 mg/l bằng đá vôi nông nghiệp. Nhiệt độ nước trong ao tại trại dao động 28 - 30°C.
Đi vào thực tế
Tháng 4/2018, các vèo đơn bằng bê tông đã được xây dựng trong một ao đất truyền thống rộng 0,36 ha với độ sâu trung bình 1,4 m. Vèo có kích thước (5x25x1,4) m, chứa 175 m³ nước và phần nổi 0,3 m đã được xây dựng bằng chất liệu bê tông, sàn cố định. Tổng diện tích khu vực nuôi của vèo là 125 m², tương đương 3,5% toàn bộ bề mặt của ao nuôi nhưng điều quan trọng nhất là vèo chỉ chiếm 1,1% tổng khối lượng toàn ao. Vèo được trang bị máy sục khí mã lực 60 Hz.
Ngoài ra, các ao cũng được trang bị máy sục khí kiểu bánh xe quạt nước của châu Á tại những vùng nước mở, giúp lưu thông nước quanh ao, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa các vật chất hữu cơ, dưỡng chất và thức ăn trong hệ sinh thái ao nuôi. Cuối tháng 6/2018, ao được hoàn tất hệ thống IPRS và đi vào thả nuôi thử nghiệm. Toàn bộ chi phí đầu tư vèo đơn lên đến 10.259 USD, gồm nguyên vật liệu (50,7%), nhân công (25,3%) và thiết bị khác (24%).
20.000 con cá điêu hồng non toàn đực trọng lượng trung bình 48 g/con đã được thả vào vèo. Mật độ ban đầu 114 cá/m³ vèo để đạt sinh khối 5,5 kg/m³. Ôxy hòa tan (DO) trong vèo được duy trì 3,5 mg/l; trong khi lượng ôxy hòa tan trong ao mở vượt ngưỡng bão hòa. Không phát hiện thấy nitrite trong pha nuôi tăng trưởng. Nồng độ ammonia không vượt 5 mg/l và pH được duy trì ở mức 7,5 - 8.
Cá trong vèo được cho ăn hàng ngày và liên tục đến khi no. Cá được cho ăn thức ăn công nghiệp với 38% protein thô suốt 30 ngày đầu tiên (chiếm 43% tổng khối lượng cho ăn), tiếp đến là 35% protein thô (28% tổng khối lượng cho ăn) và 32% protein thô (28,5% tổng khối lượng cho ăn) suốt quá trình thử nghiệm. Hai nhân viên sẽ cho cá ăn và vệ sinh vèo để duy trì dòng nước liên tục và chính xác. Lấy mẫu cá được thực hiện vào các ngày thứ 10, 21, 42, 49, 63 và 77. Thu hoạch từng phần diễn ra suốt quá trình thử nghiệm vào các ngày thứ 71, 85, 91 và 119.
Hiệu quả
Cá điêu hồng đạt trọng lượng trung bình 472,5 g/con sau 71 ngày nuôi. Số cá đạt thu hoạch lần đầu tiên vào ngày 71 chiếm tỷ lệ 26,6%, tương đương sinh khối 51,3%. Hai tuần sau, thu hoạch tiếp được 30%, nhưng trong trường hợp này, cá chỉ đạt cỡ 1/2 pound (260 g/con). Số cá còn lại được nuôi thêm trong 1 tháng và cuối cùng ở ngày nuôi thứ 119, được thu hoạch toàn phần.
Ngày 91 và 119, tổng 5.542 con cá được thu hoạch (27,7%), một nửa số cá này đạt trọng lượng 200 g/con và nửa còn lại đạt 100 g/con, chiếm 17,1% tổng sinh khối thu hoạch. Tổng sản lượng cuối cùng trong vèo ở thử nghiệm này là 4.893,6 kg (28 kg/m³), tỷ lệ sống 54%. Tỷ lệ biến đổi thức ăn ước tính là 1,53. So sánh với các kết quả trước, tiềm năng trong tăng sản lượng của mô hình nuôi cá điêu hồng trong vèo đạt 40,8 tấn/ha/năm, giả thiết một chu kỳ nuôi kéo dài 120 ngày. Điều này có nghĩa, nuôi cá trong vèo đạt sản lượng cao hơn ao đất truyền thống khoảng 33,5 tấn/ha/năm.
Tăng trưởng riêng (SGR) của nhóm cá đầu tiên thu hoạch tại SGR tương ứng 3,2%/ngày, nhưng đợt thu hoạch sau lại không cho thấy cá có dấu hiệu cải thiện tăng trưởng nào. SGR quan sát được trong nhóm cá thu hoạch đầu tiên cũng cao hơn không đáng kể so với SGR của nhóm cá rô phi sông Nile nuôi tại một hệ thống IPRS thử nghiệm ở Mexico.
Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mật độ có thể là nhân tố gây căng thẳng và ảnh hưởng đến tăng trưởng, tận dụng thức ăn ở cá do stress gây ra bởi sự canh tranh không gian sống và thức ăn giữa các con cá. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, những tác động xấu từ yếu tố mật độ đã được làm dịu bớt bằng việc loại bỏ sinh khối cá trong lần thu hoạch đầu tiên.
Nhiều dấu hiệu cho thấy, cá điêu hồng sẽ nhạy cảm hơn trước các thao tác bằng tay của con người khi lấy mẫu và thu hoạch từng phần. Những điều này đã tăng căng thẳng lên cá, dẫn đến năng suất sinh trưởng kém. Tuy vậy, những kết quả về mặt kinh tế lại vượt trội hơn hệ thống ao nuôi truyền thống. Sau 4 tháng, trại nuôi có thể cho thu hoạch với lợi nhuận và doanh thu cao hơn so nuôi cá trong ao đất truyền thống.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ