Tiềm năng xuất khẩu lớn của cá điêu hồng
Nhiều địa phương trên cả nước trong đó có nhiều tỉnh ở phía Bắc đầu tư mạnh để khai thác tiềm năng này như Nam Định, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…
Làng bè ở Đồng bằng sông Cửu Long lãi cao nhờ cá điêu hồng
Hiện nay, giá cá điêu hồng nuôi bè ven sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang được các thương lái mua giá 35.500 - 36.500 đồng/kg, với giá này, nông dân có thể lãi từ 17 - 23 triệu đồng/bè sau 6 tháng nuôi cá.
Đây là mức lãi khá cao, giúp người nuôi yên tâm đầu tư tái sản xuất cho vụ cá điêu hồng nuôi bè sắp tới, sau thời gian giá cá liên tục giảm, khiến người nuôi cá điêu hồng làng bè lo lắng trước nguy cơ thua lỗ.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi mới 975 bè cá trong tổng số 1.336 bè cá đang neo đậu, chủ yếu là nuôi cá điêu hồng.
Số bè cá đã thu hoạch là 972 bè, với sản lượng cá thu hoạch 5.763 tấn. Chi phí nuôi cá điêu hồng trên bè hiện nay ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Tuy nhiên, với năng suất nuôi cá điêu hồng lồng bè bình quân trên 5 tấn/ha và giá bán cá hiện nay, người nuôi cá điêu hồng có thể lãi từ 17 - 23 triệu đồng/bè (tùy theo chất lượng cá giống và kỹ thuật nuôi).
Bình quân nông dân có từ ba đến năm bè, thì lợi nhuận đem lại từ nuôi cá điêu hồng trên bè sau 6 - 7 tháng đạt khoảng 100 triệu đồng.
Những năm gần đây, nông dân ươn cá giống và nuôi cá điêu hồng thương phẩm luôn phập phồng do giá cả đầu ra thất thường, có thời gian dài giá cá nằm ở mức thấp.
Do đó, để nghề nuôi cá bè phát triển bền vững hơn, các địa phương nuôi cá bè trong khu vực cần có sự chia sẻ thông tin, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng nuôi bè giữa các tỉnh và thị trường TP.HCM.
Chuyển đổi đất lúa sang nuôi thủy sản
Ở phía Bắc, từ năm 2003, xã Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định đã chuyển đổi 3ha đất lúa ở xóm 10 sang nuôi cá điêu hồng.
Ban đầu chỉ có 10 hộ tham gia, khi bắt tay vào thực hiện, các hộ dân gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá.
Nhưng sau khi được tập huấn chuyển giao kỹ thuật kịp thời, ngay năm đầu tiên thu hoạch đã cho hiệu quả cao hơn 3 - 4 lần so với cây lúa.
Hơn 10 năm triển khai mô hình nuôi cá điêu hồng, hiện nay toàn xã có khoảng 433 hộ nuôi thủy sản mở ra một triển vọng nuôi chuyên canh cá điêu hồng ở các tỉnh lân cận.
Các địa phương tiêu thụ cá điêu hồng Hải Châu chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa.
Hiện nay, nguồn cá giống chủ yếu được nhập từ Trung Quốc do cá giống của các doanh nghiệp Việt Nam ở miền Nam cung cấp không thích nghi được với thời tiết lạnh của miền Bắc nên cá thường không phát triển tốt, màu sắc không đẹp nên giá bán không cao.
Đây là một hạn chế trong việc phát triển nghề cá.
Nhận thức được việc nuôi thủy sản đơn lẻ thường gặp khó khăn do bị tác động bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh, thị trường, thức ăn…,
Từ 10 năm nay, câu lạc bộ (CLB) nuôi trồng thủy sản đã hình thành, liên kết các hộ nuôi thủy sản, hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi cá điêu hồng công nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, đối phó dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Riêng ở Hải Châu đã thu hút 33 hộ nuôi cá điêu hồng tham gia CLB.
Mô hình liên kết nuôi cá điêu hồng
Đồng Tháp có lợi thế tự nhiên rất lớn để phát triển cá điêu hồng, diện tích nuôi trong lồng, bè không ngừng tăng theo từng năm.
Năm 2006, toàn tỉnh có trên 800 bè đến năm 2014 tăng lên trên 1.000 bè.
Cũng như các tỉnh khác, cá điêu hồng chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa thông qua chợ đầu mối ở TP.HCM và hệ thống các chợ truyền thống trong nước.
Từ năm 2011 đến nay, Doanh nghiệp Hoàng Long (Đồng Tháp) đã xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng vào thị trường của gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2014, công ty này xuất được 500 tấn, trị giá gần 100.000 USD. Nhu cầu thị trường thế giới đối với cá rô phi và điêu hồng theo đánh giá có thể cao hơn cả cá tra.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh đã phê duyệt mô hình thí điểm liên kết tiêu thụ cá điêu hồng.
Mục tiêu chính của dự án này là nhằm xây dựng cơ chế liên kết giữa các thành viên trong chuỗi và kế hoạch sản xuất, nguyên tắc giao nhận sản phẩm, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, nâng cao uy tín thương hiệu.
Đặc biệt là khâu tiêu thụ hàng hóa trong chuỗi liên kết, đảm bảo ổn định việc tiêu thụ hàng thủy sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất thủy sản.
Năm 2014, mô hình thí điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng được thực hiện giữa Hợp tác xã sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) và Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Hoàng Long với quy mô 50 lồng bè của 21 hộ nông dân.
Chuỗi liên kết dọc giữa công ty và hợp tác xã sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng thực hiện theo phương thức liên kết căn cứ vào công suất cấp đông, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp mà thành viên tham gia trong chuỗi ở công đoạn trước đáp ứng 80% sản lượng “đầu vào” của công đoạn sau.
Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp Phan Kim Sa cho biết:
“Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ cá điêu hồng giữa doanh nghiệp và nông dân hướng tới loại bỏ dần khâu trung gian để tiến tới việc doanh nghiệp trực tiếp thu mua nông sản trong dân theo hợp đồng.
Tiếp theo, doanh nghiệp sẽ lo cả “đầu vào” cho nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản.
Mục tiêu chính mô hình hướng đến là tránh tình trạng “được mùa mất giá” từng diễn ra đối với hàng hóa nông sản.
Thêm nữa, thông qua mô hình, chúng tôi muốn thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc củng cố và tổ chức lại sản xuất hợp tác xã, sao cho hợp tác xã đủ mạnh để có đủ năng lực tự đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong sản xuất”.
Giám đốc Hợp tác xã Bình Thạnh Võ Tuấn Kiệt chia sẻ:
“Tham gia mô hình, xã viên rất phấn khởi, mong muốn có mối liên kết “đầu vào”, “đầu ra” ổn định, chắc chắn để người dân yên tâm sản xuất đảm bảo có lãi”.
Để hỗ trợ, ngoài cơ chế đặc biệt để “hút” doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân, tỉnh Đồng Tháp sẽ tạo cơ chế thu hút nông dân tham gia mô hình liên kết này như ngân hàng sẽ tăng định mức cho hợp tác xã vay với lãi suất ưu đãi; hợp tác xã thực hiện bảo hiểm sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng;
Liên minh hợp tác xã đầu tư hỗ trợ các dịch vụ công cho vùng nuôi trồng thủy sản và triển khai các khóa đào tạo cho các thành viên tham gia mô hình.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, để tạo mối liên kết trong tiêu thụ và nuôi trồng, giữa doanh nghiệp với nông dân trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cùng tồn tại phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hàng hóa nông sản bấp bênh như hiện nay, đề án thí điểm liên kết, tiêu thụ cá điêu hồng có thể coi là một giải pháp mang tính tổng thể, giải quyết những khó khăn, tháo gỡ vòng luẩn quẩn của quá trình phát triển nông thôn, thúc đẩy sự tăng trưởng về chất cho ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ