Tin thủy sản Tiền Giang: Tiềm năng phát triển nghề nuôi lươn không bùn

Tiền Giang: Tiềm năng phát triển nghề nuôi lươn không bùn

Tác giả Phương Dung, ngày đăng 25/08/2018

Tiền Giang: Tiềm năng phát triển nghề nuôi lươn không bùn

Nuôi lươn không bùn sử dụng giống nhân tạo và thức ăn viên là cách nuôi mới đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, phù hợp với các hộ có diện tích nhỏ và tận dụng thời gian nhàn rỗi, kiểm soát bệnh. Đây cũng là hướng đi được tỉnh Tiền Giang phát triển trong thời gian gần đây.

Sản xuất lươn giống bán nhân tạo. Ảnh: CTV

Việc nuôi lươn trước đây thường xuyên gặp khó khăn trong phát triển mô hình do con giống tự nhiên ngày càng cạn kiệt và không đảm bảo chất lượng; nuôi trên nền đáy bùn khó quản lý làm lươn dễ bị bệnh tỷ lệ sống thấp, chi phí sản xuất cao, trong quá trình nuôi thương phẩm sử dụng thức ăn tươi sống (thường là cá tạp) không chủ động được và không đảm bảo yêu cầu chất lượng làm lươn dễ bị lây nhiễm bệnh, từ nguồn thức ăn tươi sống này và làm cho môi trường nước nuôi dễ bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình.

Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã xây dựng các mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo, nuôi lươn không bùn từ giống nhân tạo bằng thức ăn viên, tổ chức lớp dạy nghề tại mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan. Với mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo đã giúp người nuôi chủ động được nguồn giống chất lượng trong quá trình nuôi: con giống nhân tạo cung cấp rất khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sử dụng được thức ăn viên, ít hao hụt khi nuôi, đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng và một phần số lượng theo nhu cầu của người nuôi. Với giống nhân tạo bằng thức ăn viên đã giúp tỷ lệ sống lươn nuôi được nâng lên và ổn định trong quá trình nuôi; sử dụng thức ăn viên giúp chủ động được nguồn thức ăn, tránh hủy diệt cá tự nhiên, hạ giá thành sản phẩm, môi trường nước tốt, ít bệnh; bạt nuôi không bùn giúp dễ chăm sóc quản lý và lươn ít bệnh.

Theo chia sẻ của các hộ dân, mô hình nuôi lươn này không cần diện tích đất nhiều, với mật độ nuôi thịt 150 con/m2, diện tích 30 m2 nuôi được khoảng 5.000 con lươn, ao xử lý nước khoảng vài trăm m2, có thể sử dụng nước sông, nước giếng khoan hoặc nước máy bơm lên hồ rồi cấp qua bạt nuôi lươn, cần đo ôxy trước khi cấp nước qua bạt nuôi lươn, trong quá trình nuôi định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước và trộn vào thức ăn cho lươn ăn; sau 9 tháng nuôi lươn thịt thu hoạch lợi nhuận trung bình 50 triệu đồng/10.000 con lươn; còn mô hình sản xuất lươn giống sau 6 tháng thực hiện lợi nhuận trên 30 triệu đồng/50 kg lươn bố mẹ (khoảng 120 cặp lươn bố mẹ).

Việc triển khai thực hiện các mô hình đã giúp nâng cao trình độ sản xuất của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sản xuất được giống nhân tạo; sử dụng giống nhân tạo chất lượng đã nâng cao tỷ lệ sống; nuôi trên bạt không bùn giúp giảm bệnh, dễ chăm sóc, quản lý; tạo thói quen sử dụng chế phẩm sinh học; sử dụng thức ăn viên trong quá trình ương nuôi lươn giúp người nuôi dễ chủ động với nguồn thức ăn giúp giảm đánh bắt cá tạp, góp phần hạn chế bệnh và giảm ô nhiễm môi trường và giảm hệ số thức ăn. Ngoài ra, mô hình đã giúp tận dụng thời gian nhàn rỗi, tạo công ăn việc làm cho nông dân. 

>> Ông Đặng Văn Hai ngụ ấp 9B, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ, năm 2017, ông xuất bán 6.000 lươn giống; năm 2018, dự kiến là 20.000 lươn giống, thu hơn 80 triệu đồng. Hiện, trên thị trường, lươn loại 1 có giá 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lãi khoảng 80.000 đồng/kg.


Cà Mau: Nhân rộng mô hình nuôi cua bán thâm canh hai giai đoạn Cà Mau: Nhân rộng mô hình nuôi cua… Kỹ thuật nuôi thương phẩm bào ngư Kỹ thuật nuôi thương phẩm bào ngư