Tin thủy sản Tiến hành phòng bệnh tổng hợp cho cá để cải thiện năng suất

Tiến hành phòng bệnh tổng hợp cho cá để cải thiện năng suất

Tác giả Thái Hà, ngày đăng 10/11/2017

Tiến hành phòng bệnh tổng hợp cho cá để cải thiện năng suất

Bệnh ở cá cũng xảy ra trong điều kiện môi trường không thuận lợi, cùng với sinh vật gây bệnh có sẵn trong môi trường cũng như cơ thể cá nên việc áp dụng kỹ thuật phòng bệnh cho cá là vô cùng cần thiết để cải thiện năng suất.

Tiến hành phòng bệnh cho cá bằng cách vệ sinh môi trường, chủ động tiêu diệt mầm bệnh. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Nông nghiệp Việt Nam, trước tiên người nông dân cần vệ sinh môi trường bằng cơ học hoặc bằng hóa dược. Trong quá trình nuôi cá thương phẩm thức ăn thừa và phân cá đã gây ô nhiễm môi trường nuôi, đặc biệt là thời gian cuối chu kỳ nuôi. Những sản phẩm khí độc như H2S, NH3 ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của cá nuôi nên cần vệ sinh môi trường bằng cơ học. 

Biện pháp cơ học là dùng hệ thống sục khí để tăng cường hàm lượng oxy hoà tan trong ao, đặc biệt là tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao. Thay nước sẽ làm các chất thải và khí độc thoát ra khỏi ao.

Vệ sinh môi trường bằng hoá dược nhanh hơn biện pháp cơ học. Vệ sinh môi trường nước nuôi cá thường xuyên bằng vôi bột (vôi nung để tả) tuỳ theo pH của nước ao. Có thể dùng 1 - 2 kg vôi/100 m3, định kỳ bón từ 2 lần/tháng. Đối với lồng nuôi cá thường xuyên treo túi vôi trong lồng, liều lượng 2 - 4 kg/túi/10 m3 lồng.

Dùng một số hoá dược có tính oxy hoá mạnh phun vào ao: Thuốc tím (KMnO4) nồng độ 2 - 5 gr/m3 hoặc Benzalkonium Chloride (BKC) nồng độ từ 0,1 - 0,5 gr/m3 để tham gia vào quá trình oxy hoá các khí độc (H2S, NH3) thành các vật chất đơn giản không độc. Khi nuôi cá rô phi năng suất cao có thể dùng một số chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nuôi cá.

Bên cạnh đó, người nuôi cá cần chủ động tiêu diệt các mầm bệnh ở cá. Trước khi đưa cá giống về ao nuôi, cần tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) với nồng độ 2 % trong 10 - 15 phút để tiêu diệt mầm bệnh. Phân chuồng dùng để bón cho ao cần được ủ kỹ với vôi bột khoảng 20 ngày trước khi bón với liều lượng 4 - 5 kg vôi/100 kg phân chuồng để diệt hết các vi khuẩn gây bệnh cho cá.

Với những ao có nuôi cá trắm cỏ, cần cho cá trắm cỏ ăn thuốc KN-04-12 do Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I sản xuất hoặc thuốc Tiên đắc do Trung Quốc sản xuất để phòng bệnh đốm đỏ, vào thời điểm tháng 3 - 5 và tháng 7 - 9 hàng năm, theo thông tin từ Trung tâm tin học và thông tin KHCN Bắc Giang. 

Trong quá trình nuôi cần bón vôi định kỳ 2 tuần 1 lần với liều lượng 2 - 3 kg vôi bột/100 m3 ao bằng cách hoà vôi bột vào nước rồi té đều khắp mặt ao vào buổi chiều tối hay sáng sớm. Nếu nuôi lồng thì cần phải treo túi vôi thường xuyên. Thường xuyên vệ sinh ao, vớt hết rong cỏ, thức ăn thừa và cọng rác của phân xanh. Kiểm tra ao thường xuyên nhất là các đợt mưa lớn hoặc thay đổi thời tiết. Phát hiện và xử lý bệnh ở cá kịp thời, không để phát triển lây lan thành dịch.

Tăng sức đề kháng cho cá cũng là cách phòng bệnh hữu hiệu. Cá giống đưa vào ao nuôi cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, cá béo khoẻ, không dị tật, không mắc bệnh hoặc không mang mầm bệnh, quy cỡ đạt tiêu chuẩn giống cấp III (có chiều dài thân từ 8 - 12 cm). Mật độ nuôi thích hợp (1,5 - 2 con/m2 ao), không nên thả quá dày. Cho cá ăn đủ chất và lượng, thức ăn không bị hư thối.


Nuôi cá trong lồng bè mùa bão, lũ: Cần chủ động ứng phó Nuôi cá trong lồng bè mùa bão, lũ:… Kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá ngựa cảnh mang lợi nhuận bất ngờ Kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá ngựa…