Tiếp sức cho cây chè Kỳ Thượng
Đoàn Đại sứ quán Canada kiểm tra tiến độ mô hình chuỗi sản phẩm chè tại xã Kỳ Thượng khi bắt đầu triển khai thực hiện tiêu chuẩn VietGap đầu năm 2015.
Sau 2 năm triển khai mô hình chuỗi sản phẩm chè tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, dự án đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả như: trồng mới 8 ha chè, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác trồng chè công nghiệp Kỳ Thượng và ký hợp đồng tiêu thụ 100% sản phẩm chè búp tươi với Xí nghiệp Chè 12/9.
Ông Trần Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết:
“Kỳ Thượng thuộc vùng trọng điểm sản xuất chè của Kỳ Anh với tổng diện tích gần 130 ha, trong đó, 40 ha đang ở thời kỳ thu hoạch.
Nằm trong kế hoạch xây dựng chuỗi sản phẩm chủ lực chè được triển khai năm 2014, đầu năm nay, chúng tôi được dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh thông báo đã đưa vào nội dung mục tiêu hoàn thành tiêu chuẩn VietGap đối với một phần diện tích chè đủ điều kiện thu hoạch. Đây là niềm vui lớn đối với bà con xã Kỳ Thượng, chúng tôi chờ rất lâu rồi”.
Một điều thuận lợi là khác với rau màu các loại, chỉ cần điều kiện đất và nước đã được khảo sát, đo thử cẩn thận một lần thì với những loại chè trồng sau cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn.
Chị Đặng Thị Thuận - cán bộ chủ trì triển khai mô hình chuỗi sản phẩm chè cho biết:
“Với sự chuẩn bị khá kỹ về kế hoạch và mọi điều kiện đảm bảo khác, chúng tôi hoàn toàn chủ động với nhiệm vụ giành tiêu chuẩn VietGap về cho cây chè Kỳ Thượng. Phần việc này nếu xong thì cơ bản chuỗi sản phẩm chè đã thành công trên 90%
. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên triển khai công tác này nên chúng tôi luôn phải cẩn thận, các phần việc phải đúng trình tự và hạn chế sai sót vì điều kiện thời gian rất eo hẹp”.
Chị Thuận cho biết thêm:
“Sau khi BQL dự án hợp đồng với một đơn vị tư vấn để hỗ trợ trong quá trình hoàn thành tiêu chuẩn VietGap, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền xã tổ chức khảo sát lại vùng trồng chè, xác định các yếu tố có khả năng gây ô nhiễm và những thiếu hụt cần khắc phục so với yêu cầu của VietGap.
Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật về sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cho bà con nông dân; đào tạo và cấp chứng chỉ cho 30 đánh giá viên nội bộ về VietGap;
Hướng dẫn cách ghi chép sổ sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, xác định các mối nguy trong quá trình sản xuất có thể ảnh hưởng đến chất lượng chè”.
Một nội dung cũng rất quan trọng là dự án đã hỗ trợ thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật và một số trang thiết bị phục vụ quá trình kiểm soát vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, toàn xã đã hình thành 9 nhóm hộ với sự tham gia của 230 hộ dân. Để đảm bảo tính khách quan và duy trì hoạt động nhóm hộ thường xuyên, thành viên các nhóm thống nhất bàn bạc, soạn thảo các quy chế giám sát cộng đồng.
Mỗi tháng, mỗi nhóm sẽ tổ chức họp 2 lần vào đầu và cuối tháng, nhờ đó, đã phát huy được tính tự chủ của mỗi hộ dân trong quá trình sản xuất.
Với mục tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng và giữ môi trường sống trong lành, có thể khẳng định việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap là hướng đi hoàn toàn đúng đắn để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm chè Kỳ Thượng lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ