Tin thủy sản Tiếp sức cho người nuôi thủy sản ở Long Sơn

Tiếp sức cho người nuôi thủy sản ở Long Sơn

Tác giả ĐỖ HOÀNG NGỌC MINH, ngày đăng 12/07/2016

Tiếp sức cho người nuôi thủy sản ở Long Sơn

“Em bỏ bè lên bờ rồi chị ơi”! câu trả lời của anh Phạm Tấn Thảo, một trong những chủ bè nuôi tôm hùm lớn nhất ở xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) làm tôi thắt tim.

5 năm trước, tiếp nhận cơ sở từ cha là ông Phạm Văn Thông - một trong số ít những người nuôi tôm hùm có tiếng của “thành phố nổi” trên sông Chà Và ở xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) anh Thảo đầu tư 50 lồng nuôi, thả khoảng 15-20 ngàn con tôm giống, chi phí ban đầu lên đến gần 5 tỷ đồng.

Là người trẻ, ham nghề, mê làm ăn, anh Thảo xông xáo học hỏi, thử nghiệm để tìm ra phương pháp nuôi phù hợp nhất với loại con giống vốn rất khó tính và đắt tiền này, từ khâu chọn mua giống, thời điểm thả, mật độ thả, chọn loại thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của con tôm…

Đêm thức canh bè, canh nước, coi sóc việc cho tôm ăn, ngày anh Thảo xách xe máy chạy đi khắp các vựa, nhà hàng hải sản tươi sống, các khu du lịch trong tỉnh chào mời bán tôm, cá. Anh cũng đã từng thành công vào những năm 2012-2013 với những đợt xuất mỗi ngày từ 50 - 70kg tôm hùm loại 3 con/kg x 900.000 đồng theo đơn hàng của khách.

“Nhưng thời vàng son đó qua rồi chị. Giờ thì giá tôm giống tăng, giá thức ăn cho tôm tăng. Nguồn nước ô nhiễm từ đầu nguồn sông Dinh chưa cải thiện. Thỉnh thoảng nước đỏ quạch, hôi rình lại ào về, nhất là nửa đêm, tụi em trở tay không kịp, cá – tôm chết cả tấn.

Mà con tôm bây giờ phát triển không mạnh như trước, hay bị bệnh phù đầu, thúi mang, còi cọc, cứ lên tới 200-250gr/con là đứng lại, không lớn. Trong khi đó, thị trường lại ưng loại 300 - 350 gr/con. Hàng không bán được, không có tiền mua thực phẩm, sổ đỏ cứ đem “cắm” ngân hàng. Giờ thì em đâu có vốn nữa mà làm ăn”- Thảo nói một hơi.

Khảo sát thêm một số hộ chuyên nuôi các loại cá bớp, mú, chẽm, chim, nuôi hàu ở Long Sơn, hầu hết đều nói ra câu chuyện “làm ăn ngày càng khó” như anh Thảo kể.

Giờ đây, nhiều hộ nuôi tôm bỏ nghề, hoặc chuyển qua nuôi loại cá khác ít tốn kém hơn; thả cầm chừng, thả con giống với số lượng bằng 1/3 so với trước - để kịp xoay xở đồng vốn, lại vừa giảm thiểu khả năng rủi ro khi xảy ra sự cố nguồn nước ô nhiễm.

Không còn những mùa nhà nhà xuống giống, và hàng chục bè cùng xuất cá, tôm - thu về vài tỷ đồng mỗi lứa như trước nữa mà thay vào đó là sự lo âu, chạy vạy từng đồng vốn mua cá giống, cá mồi; khắc khoải đêm dài canh nước đục - nước trong.

Ngoài hệ thống bè đóng bằng gỗ, kết nối sử dụng thùng nhựa làm chỗ tựa cho bè nổi và hàng ngàn m2 lưới quây kín bên dưới lồng, tủ cấp đông, máy xay thức ăn cho cá, mỗi hộ còn phải tự mua lấy máy sục oxy hoặc dùng ghe máy đạp bè ra giữa lòng sông để ứng phó với những lúc nguồn nước bị ô nhiễm. Tất nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải tỏa được căn cơ vấn đề nguồn nước ô nhiễm.

Và cái phương pháp thả giống thăm dò, nuôi cầm chừng không thể nào đáp ứng được nhu cầu vốn rất ổn định và có xu hướng phát triển về tiêu thụ thủy sản cá tôm nuôi lồng mà khách du lịch đến BR-VT rất ưa chuộng. Nhiều nhà hàng hải sản nổi tiếng ở Vũng Tàu như Gành Hàu, Thành Phát, Vạn Chài cho hay, những ngày cao điểm cuối tuần, và nhất là trong dịp hè này thì họ phải ra tận Bình Thuận để lấy hàng mới đủ cung ứng.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng công nhận rằng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý công tác nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại khu vực này chưa tốt, còn chồng chéo; việc kiểm tra hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến hải sản khu vực Tân Hải (huyện Tân Thành) chưa thực sự nghiêm ngặt, đã có xảy ra tình trạng có kiểm tra thì dừng, không kiểm tra thì xả.

Ông Cường từng đề nghị: TP.Vũng Tàu cùng với Sở TN&MT, Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp thiết lập trong các hộ dân thành các tổ kiểm tra, giám sát, cảnh báo để xử lý nhanh trường hợp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều hộ dân và chính quyền xã Long Sơn thiết tha đề xuất: Không đợi đến khi xảy ra cá chết mới mổ lấy mẫu, xét nghiệm, tìm nguyên nhân… mà phải giải quyết dứt điểm đầu mối nguy hại cho công tác NTTS lồng bè bằng cách di dời các cơ sở chế biến hải sản Tân Hải ra khỏi khu vực hiện hữu, trả lại môi trường trong lành cho nguồn nước sông Dinh.

Về vốn làm ăn, ngư dân ở xã Long Sơn cũng đề đạt: Ngư dân các nơi được vay vốn đóng tàu vươn khơi, thì cũng hãy cho những hộ NTTS Long Sơn cơ chế vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư đóng lồng, mua con giống, thức ăn cho cá tôm… Có như vậy thì mới có hy vọng cứu vãn được phần nào tình trạng “bỏ bè lên bờ” như hiện nay.


Người nuôi sò huyết đang gặp khó Người nuôi sò huyết đang gặp khó Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải sản Thiếu vốn, khó bỏ việc... hủy diệt hải…