Mô hình kinh tế Tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh chổi rồng trên nhãn

Tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh chổi rồng trên nhãn

Ngày đăng 17/04/2015

Tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh chổi rồng trên nhãn

Chiến dịch lần này sẽ khó khăn hơn vì không có nguồn kinh phí hỗ trợ, do đó cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng và cả cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động cùng nhau dập dịch.

Diện tích nhiễm bệnh trung bình đến nặng vẫn còn cao

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, bệnh chổi rồng bắt đầu gây hại trên cây nhãn từ năm 2007. Thời điểm năm 2010, toàn tỉnh có trên 10.000ha nhãn tập trung chủ yếu ở huyện Long Hồ và Mang Thít, trong đó có 1.000ha nhiễm bệnh chổi rồng.

Đến đầu năm 2012 thì gần như toàn bộ diện tích trồng nhãn của tỉnh đều bị nhiễm bệnh (9.000ha) với nhiều mức độ khác nhau, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà vườn. Cũng trong năm này Vĩnh Long công bố dịch bệnh chổi rồng gây hại cây nhãn trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã kết hợp với Viện Cây ăn quả Miền Nam thực hiện đề tài nghiên cứu bệnh chổi rồng, đưa ra biện pháp phòng trị tạm thời và xây dựng nhiều mô hình phòng trị bệnh chổi rồng nhưng vẫn chưa quản lý được bệnh.

Công tác phòng chống bệnh chổi rồng còn gặp nhiều khó khăn do chưa xác định được tác nhân gây bệnh. Bệnh lây lan nhanh trên diện rộng thành dịch.

Từ năm 2012 - 2014, Chi cục BVTV đã thực hiện được 350 cuộc tập huấn với 11.440 lượt người tham dự, cấp phát 55.000 tờ bướm về biện pháp quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn, 36.500 tờ quy trình hướng dẫn phun thuốc và 15.300 quyển sổ tay hướng dẫn phòng trừ nhện lông nhung.

Xây dựng 7 mô hình trình diễn khắc phục bệnh chổi rồng trên cây nhãn nhằm tuyên truyền hiệu quả của quy trình quản lý bệnh chổi rồng để nông dân thấy được và làm theo.

Đánh giá của ngành chuyên môn, sau 3 năm phòng chống bệnh chổi rồng, diện tích nhiễm bệnh đã giảm nhưng diện tích nhiễm bệnh trung bình đến nặng vẫn còn cao.

Hiện tại tổng diện tích nhiễm bệnh 7.487ha, trong đó 2.525,9ha nhiễm nhẹ, 2.717,3ha nhiễm trung bình và 2.243,4ha nhiễm nặng. Một số nhà vườn đã đốn bỏ nhãn chuyển sang trồng cây khác. Đến nay, diện tích nhãn bị đốn bỏ khoảng 2.000ha.

Ngoài ra, bệnh chổi rồng trên chôm chôm đã xuất hiện và gây hại nhẹ với tỷ lệ dưới 30% trên 9,8ha chôm chôm đang giai đoạn ra hoa, mang trái tại các xã cù lao huyện Long Hồ. Chi cục BVTV đã tập huấn cho nông dân các biện pháp tổng hợp quản lý bệnh chổi rồng trên chôm chôm.

Hiện nay nguồn bệnh tiếp tục lây lan và phát triển. Nông dân cần được hỗ trợ về mặt kỹ thuật để khôi phục lại vườn nhãn và ngăn ngừa bệnh chổi rồng lây lan sang các vườn chôm chôm.

Cần sự góp sức của cả cộng đồng để dập dịch

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, mục tiêu chiến dịch năm nay nhằm tuyên truyền về tình hình dịch hại và các biện pháp phòng trị bệnh chổi rồng có hiệu quả tại các địa phương trồng nhãn tập trung của tỉnh.

Giảm thiểu thiệt hại do bệnh chổi rồng gây ra. Hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhằm giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất của cây nhãn. Phấn đấu đến cuối năm sẽ xây dựng thành công vùng nguyên liệu nhãn được Cục BVTV cấp mã code, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.

Bênh cạnh, ngành nông nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn có hiệu quả về quản lý dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn tại các vùng nhãn trọng điểm của tỉnh. Tiến tới xây dựng mô hình sản xuất nhãn 10ha chứng nhận VietGAP và xây dựng thương hiệu hàng hóa nhãn tiêu da bò Long Hồ.

Trên cơ sở các mô hình trình diễn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước tập huấn chuyển giao nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn, các chuyến xe “bác sĩ cây trồng”, ngành nông nghiệp sẽ thông tin chuyển giao cho người dân trồng nhãn trọng điểm của tỉnh các biện pháp phòng trị hiệu quả.

Chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng năm nay sẽ không có nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân dập dịch mà chỉ có một phần kinh phí sử dụng cho việc tập huấn. Bà Cao Thị Đẹp- Phó Phòng Nông nghiệp huyện Mang Thít cho rằng:

Chiến dịch không kèm theo chính sách hỗ trợ nhà vườn thì sẽ rất khó khăn, hiệu quả mang lại không cao. Do đó, cần xem xét vườn có khả năng phục hồi thì triển khai dập dịch, vườn nhiễm nặng nên khuyến cáo chuyển đổi trồng cây khác.

Đồng tình quan điểm trên, ông Dương Ái Đạo - Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm góp ý thêm: Cần có chính sách để nhà vườn vay vốn cải tạo, trẻ hóa vườn nhãn hoặc chuyển đổi cây trồng trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu nhà vườn có muốn giữ lại vườn nhãn hay không để có phương án phù hợp.

Theo Chi cục BVTV, nếu áp dụng đúng quản lý tổng hợp bệnh chổi rồng của Cục BVTV, có thể hiệu quả quản lý đạt đến 80%, năng suất đạt 9 tấn/ha, cá biệt 14 tấn/ha. Tuy nhiên do giá nhãn bấp bênh, thị trường tiêu thu không ổn định, thiếu nhân công cắt tỉa chăm sóc, chi phí phòng trị cao là những nguyên nhân khiến nhà vườn chưa thiết tha trong việc cải tạo lại vườn nhãn bị bệnh

Năm 2014, ông Nguyễn Tấn Thành (xã Chánh An - Mang Thít) có 1ha nhãn tiêu da bò tham gia mô hình quản lý tổng hợp bệnh chổi rồng. Kết quả, tổng chi phí khoảng 40 triệu đồng. Nhãn thu hoạch bán với giá 9.000 đ/kg, tổng thu nhập 128 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 85 triệu đồng. Để có được kết quả này ông Thành lưu ý cần áp dụng đúng quy trình, chú ý vệ sinh vườn, dinh dưỡng, phân, thuốc hợp lý. Cây nhãn khỏe thì khả năng phục hồi cao


Nghề trồng dưa hấu mong manh ranh giới được - mất Nghề trồng dưa hấu mong manh ranh giới… Người Hà Nội mua dưa hấu ủng hộ nông dân Quảng Nam Người Hà Nội mua dưa hấu ủng hộ…