Tiếp Tục Tạo Điều Kiện Tiêu Thụ Vải Thiều
Theo Bộ Công thương, đến nay, vụ vải thiều đã qua được hơn nửa chặng đường, và tình hình tiêu thụ vải trong nước cũng như XK là khả quan.
Ngay từ đầu mùa vụ, các bộ ngành hữu quan và chính quyền địa phương đã chủ động lên kế hoạch, triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ cũng như XK quả vải tươi.
Đa dạng hóa thị trường XK
Thống kê của Bộ Công thương, dự kiến năm 2014, tổng sản lượng vải thiều đạt khoảng 190 nghìn tấn, tăng 13,6% so với mùa vụ năm 2013, trong đó tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Hà, TX Chí Linh (Hải Dương) và các huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn (Bắc Giang).
Tiêu thụ trong nước bình quân chiếm 60% và XK chiếm khoảng 40% tổng sản lượng. Hiện nay, quả vải tại Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đã bắt đầu vào chính vụ thu hoạch.
Xác định XK vải thiều là khâu chủ lực trong tiêu thụ, ngay từ giữa tháng 6, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ GT-VT, Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy nhanh thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường dẫn đến khu vực cửa khẩu XK…
Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các phòng quản lý XNK khu vực bố trí bổ sung nhân lực làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ để tạo thuận lợi tối đa cho việc XK mặt hàng này, đặc biệt là trong thời điểm chính vụ.
Bên cạnh đó, để mở rộng, đa dạng hóa thị trường XK đối với các mặt hàng rau quả đặc sản của Việt Nam nói chung và quả vải thiều nói riêng, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường tiếp xúc với các DN cũng như cơ quan chức năng tại nước sở tại để tìm kiếm cơ hội giao dịch XK cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam, đẩy mạnh việc giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá rau quả đặc sản của Việt Nam vào các dịp lễ, tết cũng như các sự kiện quốc tế nhằm mang hình ảnh cũng như sản phẩm của nước ta tiến sâu hơn vào thị trường thế giới.
Điển hình là mới đây, ngày 20/6, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã triển khai giới thiệu, quảng bá và xúc tiến giao thương cho một số DN của Việt Nam chuyên kinh doanh chế biến, XK quả vải tươi cũng như các sản phẩm được chế biến từ quả vải tại “Tuần lễ các sản phẩm nông nghiệp” tổ chức tại Singapore.
Ngoài ra, để tăng thời gian bảo quản nhằm XK vải thiều sang các thị trường mới như Nhật Bản và châu Âu, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KHCN) nghiên cứu, áp dụng công nghệ CAS, giúp bảo quản vải hơn một năm với chất lượng tốt. Bảo quản thành công vải thiều sẽ góp phần tạo thuận lợi khi đưa vào thị trường Nhật Bản và châu Âu, gia tăng giá trị loại quả này.
Với các nỗ lực trên, tổng sản lượng quả vải tiêu thụ đến nay đã đạt hơn 62 nghìn tấn, trong đó, XK qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn 24,9 nghìn tấn, trị giá 13,8 triệu USD (XK qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai 15,4 nghìn tấn, tỉnh Lạng Sơn 9,6 nghìn tấn); giá trị XK bình quân dao động từ 8.500 đồng đến 18.000 đồng/kg.
Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 1,7 nghìn tấn quả vải tươi của Việt Nam được XK qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn sang thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Mở rộng thị trường nội địa
Ngoài chú trọng đa dạng hóa thị trường thế giới, các bộ, ngành đã chủ động phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng như Sở Công thương các tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... nhằm tăng cường hơn nữa việc tiêu thụ quả vải tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn các tỉnh, TP ở phía Bắc.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, thị trường nội địa giàu tiềm năng nhất là các tỉnh phía Nam. Do đó, để khơi thông và thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này tại các tỉnh, TP ở phía Nam, ngày 16/6/2014, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức Hội nghị vùng Đông - Tây Nam bộ.
“Tại Hội nghị, Sở Công thương các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ quả vải với 11 Sở Công thương các tỉnh, TP thuộc vùng Đông - Tây Nam bộ. UBND huyện Lục Ngạn, huyện Thanh Hà, TX Chí Linh đã kết hợp với các siêu thị, chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh nhằm tăng cường đưa quả vải tươi vào tiêu thụ tại địa bàn này”, ông Hải thông tin.
Do thực hiện tốt các thỏa thuận, tính đến nay sản lượng tiêu thụ quả vải tại 3 chợ đầu mối (chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn và chợ Thủ Đức tại TP Hồ Chí Minh) đã tăng gấp 2 lần, từ khoảng 700 tấn/ngày lên trên 1.300 tấn/ngày, trong đó chợ đầu mối Thủ Đức đã ký kết được hợp đồng thu mua quả vải trị giá 100 triệu đồng.
Các hệ thống siêu thị như Co-op Mart, Intimex, Vinatex, Ocean Mart, Big C, Lotte… cũng đã đưa quả vải vào bán tại chuỗi phân phối của hệ thống, đưa ra nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn để kích thích tiêu dùng của người dân trong nước.
“Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và XK mặt hàng này. Trong đó, tập trung nghiên cứu đưa mặt hàng quả vải và các sản phẩm được chế biến từ quả vải vào Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với quả vải thiều tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang nhằm gia tăng giá trị…”, ông Hải nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ