Tiêu Điểm Gieo Sạ - Xuân Khê Vực Phục, Nhân Nghĩa Thí Điểm Mô Hình
Những ngày xuân ấm áp này, ở Hà Nam, bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào khung thời vụ gieo cấy. Còn ít ngày nữa mới đến lịch gieo cấy bằng mạ, song hiện nay nhiều địa phương đã triển khai gieo sạ theo phương pháp cải tiến bằng nông cụ sạ hàng.
Trong chuyến đi này chúng tôi chọn hai xã làm tiêu điểm để phản ánh về gieo sạ đó là Xuân Khê và Nhân Nghĩa huyện Lý Nhân (Hà Nam), vì ở đây người dân và cán bộ xã đã cùng chung sức chung lòng, quyết tâm xây dựng mô hình gieo sạ tại vụ Xuân 2011.
Xã Xuân Khê (Lý Nhân) cách đây 4 năm đã sớm đưa gieo sạ vào sản xuất, song không thành công như mong đợi, cho nên mô hình này trong suốt những năm qua không được bà con áp dụng. Bí thư Đảng ủy xã – ông Nguyễn Văn Lâm kể lại: Vụ mùa năm 2007, theo chủ trương gieo sạ của tỉnh, xã đã triển khai xây dựng hơn 10ha gieo sạ, vừa là vụ thí điểm đầu tiên chưa có kinh nghiệm lại áp dụng ngay trong vụ Mùa gặp thiên tai và sâu bệnh, nên lúa bị táp lá đổ cây, năng suất thấp, khiến bà con nông dân chán nản không mặn mà với gieo sạ. Đến vụ Xuân năm 2011 này, từ những kinh nghiệm rút ra ở vụ Mùa 2007 và sự thành công liên tiếp trong gieo thẳng của tỉnh, chúng tôi cùng bà con quyết tâm xây dựng lại mô hình gieo sạ để làm tiền đề mở rộng diện tích cho các vụ sau ở địa phương.
Để vận động bà con tham gia, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ các mô hình “sống” ở các địa phương đã thành công trong gieo sạ, rồi tập huấn kỹ thuật gieo và chăm sóc, áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí ngâm hạt giống và hỗ trợ một phầng thuốc trừ cỏ, đặc biệt giao cho trưởng thôn có nhiệm vụ tổ chức ngâm thóc giống tập trung và xử lý hạt giống cho bà con, nhằm đảm bảo sự đồng đều mộng mạ.
Tại thôn Nam của xã, hai bác Liên, Bình mới đầu còn lóng ngóng kéo nông cụ sạ hàng, vì đây là lần đầu tiên cấy lúa theo cải tiến máy sạ, nhưng chỉ sau một lúc được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, hai bác đã thao tác thuần thục và rất phấn khởi bởi sự nhàn hạ từ máy sạ mang lại. Vụ Xuân này, xã Xuân Khê gieo cấy với 80% lúa lai gồm các giống nhị ưu 986, Syn6, HYT100, Thục hưng 6, còn 20% là lúa thuần chất lượng như HT6, SH2, TH6…
Tại thôn Nam của xã có khoảng 70 hộ tham gia gieo sạ với diện tích trên 6,4ha. Ông Sự (chủ nhiệm HTX Xuân Khê) cho biết: Chủ yếu các xã viên đã nhận thức được hiệu quả của gieo sạ, nên rất ủng hộ và phấn khởi nhiệt tình tham gia. Xã tập trung gieo cấy từ 14/2 dương lịch, tính đến 16/2 toàn xã đã gieo sạ lúa trên 21,6ha. Hiện nay toàn xã đã đầu tư 5 nông cụ gieo sạ được huy động hết công suất để đảm bảo tiến độ kết thúc gieo sạ vào 20/2 này.
Như vậy ở Xuân Khê sau 4 năm bỏ quên gieo sạ, đến nay theo guồng phát triển của cả tỉnh, lãnh đạo xã và bà con nông dân cũng đã thức tỉnh, mạnh dạn phục dựng lại mô hình gieo sạ vốn đã tiên phong thí điểm. Khác với Xuân Khê, xã Nhân Nghĩa cùng huyện thì đây là vụ đầu tiên xã làm mô hình gieo sạ. Bằng sự quyết tâm xây dựng, HTX đã hỗ trợ những hộ làm điểm 100% giống; thuốc BVTV; thuốc và công đánh chuột; bảo vệ ruộng đồng và một phần công cày bừa, nên đã thu hút được 29 hộ nông dân tham gia cùng trên cánh đồng.
Ngoài ra còn có một số hộ làm gieo sạ tự phát, điển hình như bác Vũ Văn Khoát ở thôn Đức Ngoại – xã Nhân Nghĩa vừa thảnh thơi kéo sạ vừa bộc bạch: Theo sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Hà Nam, gia đình đã tự phát gieo thẳng lúa bằng nông cụ sạ hàng đến nay là vụ thứ 4 và gieo sạ 100% diện tích 1,7 mẫu. Với gia đình bác, gieo sạ thật đơn giản, luôn kịp thời vụ, giảm công lao động mà năng suất lại cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ