Tiêu thụ lúa gạo phải gắn với xây dựng thương hiệu
Bức tranh chung này liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có phần quan trọng từ thương hiệu hạt gạo Việt Nam.
Phóng viên Báo Ấp Bắc đã trao đổi với ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) liên quan câu chuyện xuất khẩu gạo và xây dựng thương hiệu gạo hiện nay.
Tiêu thụ lúa gạo gặp khó khăn do chưa xây dựng được thương hiệu gạo Quốc gia. Chờ tín hiệu lạc quan
Theo ông, xuất khẩu gạo thời gian gần đây có điểm sáng gì không?
- 8 tháng qua, tình hình tiêu thụ lúa gạo rất khó khăn do thị trường Trung Quốc giảm đáng kể, thị trường truyền thống là Philippines nhập khẩu rất hạn chế, Indonesia cũng như thế. Nhìn chung, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của Việt Nam giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm. Ngay cả các hợp đồng thương mại cũng trầm lắng, nên nhìn chung lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng qua đã giảm so với cùng kỳ.
Riêng đối với Tigifood, từ đầu năm đến nay lượng gạo mua vào chỉ đạt 135.000 tấn, đạt 56% kế hoạch, giảm hơn 10% so với cùng kỳ; tổng lượng gạo bán ra (cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa) gần 90.000 tấn, đạt trên 37% kế hoạch, giảm 31% so với cùng kỳ do hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại đều giảm.
Trong khi đó, nhiều nước bán gạo ra như: Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ... tạo nên áp lực cạnh tranh cũng rất lớn, cả về số lượng và giá cả.
Riêng giá gạo bán ra trong thời gian qua cũng tương đối thấp, tính bình quân giá gạo 5% tấm chỉ dao động từ 335 - 350 USD/tấn.
Việt Nam vừa trúng gói thầu cung ứng gạo cho Philippines với số lượng lớn sẽ “kích” thị trường lúa gạo Việt Nam?
- Ngày 17-9, Việt Nam trúng gói thầu cung ứng gạo cho Philippines với số lượng 750.000 tấn; trong đó 250.000 tấn được giao trong năm 2015 và số còn lại được gối đầu cho năm 2016.
Tuy nhiên, đây chỉ mới dừng lại là thông tin trúng thầu, hiện chưa được triển khai cho các doanh nghiệp xuất khẩu nên nhìn chung thị trường lúa gạo đến thời điểm này vẫn còn ổn định.
Ngay trên địa bàn tỉnh, sau hơn 1 tuần Việt Nam trúng thầu gạo, giá gạo vẫn chưa có biến động.
Chẳng hạn, gạo thành phẩm IR50404 có giá 7.800 đồng/kg, gạo OM 6976 có giá 8.200 đồng/kg, gạo OM 5451 là 9.500 đồng/kg...
Đặc biệt, sau khi trúng thầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã điều chỉnh giá sàn bán gạo 25% tấm tăng thêm 10 USD/tấn.
Đây là động thái kịp thời nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bán giá thấp, tránh trường hợp bán “vô tội vạ” dễ dẫn đến tình trạng hút gạo trong nước làm tăng thị trường bất thường, dễ làm rối loạn về giá.
Theo ông những tháng cuối năm tình hình kinh doanh lúa gạo sẽ diễn biến như thế nào?
- Tới đây, với những động thái của thị trường, tình hình kinh doanh lúa gạo được nhận định là có khả quan hơn.
Thứ nhất, thông tin từ hợp đồng cung ứng gạo cho Philippines mà Việt Nam vừa trúng thầu.
Thứ hai, hiện nay cũng có thông tin là Indonesia cũng sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo của Việt Nam, nhưng hiện chưa công bố số lượng chính xác lượng gạo cần nhập cũng như cụ thể về thời gian.
Thứ ba, thị trường Trung Quốc, thông thường trong những năm gần đây nhập khẩu (cả đường tiểu ngạch và chính ngạch) cũng xấp xỉ gần 50% lượng gạo Việt Nam, hiện nay cũng đang có dấu hiệu ấm lại, bởi những tháng đầu năm thị trường này có dấu hiệu trồi sụt, “lúc mở lúc đóng”.
Từ những dấu hiệu như thế, khả năng trong 3 tháng cuối năm 2015 thị trường lúa gạo sẽ khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung gạo hiện nay cũng tương đối cân bằng, do có nguồn từ vụ thu đông, hè thu chuyển sang và sắp đến là vụ đông xuân chuẩn bị xuống giống, nên giao dịch sẽ diễn ra bình thường, không xảy ra biến động bất thường.
Với nhận định tình hình như hiện nay, dự báo vụ đông xuân sắp tới tiêu thụ lúa gạo chắc khả quan hơn do có hợp đồng gối đầu từ năm 2015 chuyển sang.
Thương hiệu gạo còn là câu chuyện dài
Một hội thảo bàn về thương hiệu gạo vừa được tổ chức đã khơi lại thực trạng kinh doanh hạt gạo hiện nay?
- Đánh giá một cách rõ ràng về thương hiệu gạo mới lý giải được rằng vì sao Việt Nam xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, luôn ở thế bị động trong thời gian gần đây.
Bởi trước nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ dựa vào các hợp đồng tập trung sang Philippines hay Indonesia và chủ yếu dựa vào gạo có phẩm cấp trung bình, thấp không có thương hiệu; trong khi Thái Lan
Ngay cả Campuchia đã xây dựng thương hiệu gạo và tham gia vào phân khúc gạo trung và cao cấp. Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đã được đề cập rất lâu nhưng vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Như vậy, đâu là khó khăn nhất trong việc xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam hiện nay?
- Về phía doanh nghiệp nhận thấy, khó khăn đầu tiên vẫn là giống.
Nói đến thương hiệu phải nói đến tính ổn định của chất lượng hạt gạo. Muốn làm được điều này thì giống phải là khâu đầu tiên.
Thực tiễn sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện nay lại cho thấy, cứ sản xuất vài ba vụ thì giống bị thoái hóa, ngay cả giống Jasmine.
Trong khi Thái Lan, ngay cả Campuchia vẫn bảo tồn được nguồn gien gốc và công tác giống vẫn đi trước một bước. Việt Nam hiện có hàng chục giống lúa nhưng chỉ qua vài vụ sản xuất lại bị lai tạp.
Khó khăn thứ hai là tập quán, thói quen pha trộn đã ăn sâu vào việc kinh doanh gạo từ khi trồng đến khâu hàng xáo, tiêu thụ; trong khi các nước họ quản lý rất chặt chẽ, gạo nào ra gạo đó.
Do vậy, làm thương hiệu theo kiểu pha chế, thật giả lẫn lộn, không đảm bảo chất lượng gạo cần phải được thay đổi tư duy tận gốc.
Chưa kể sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện nay lại mang tính manh mún, nhỏ lẻ.
Theo ông, cần phải làm gì để xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam?
- Để rút ngắn thời gian, Nhà nước cần chọn một số chủng loại giống tiêu biểu như:
Gạo trắng, gạo thơm, gạo đặc sản, nếp... để hướng đến xuất khẩu.
Tiếp đó là cần xây dựng bộ tiêu chuẩn phù hợp để đánh giá; đồng thời xây dựng quy trình sản xuất chuẩn để tạo ra hạt gạo mang đúng thương hiệu Quốc gia.
Khi có bộ tiêu chuẩn đánh giá chung sẽ được công bố công khai và doanh nghiệp đăng ký thực hiện theo bộ tiêu chuẩn này.
Nếu doanh nghiệp nào thỏa mãn hết các điều kiện từ đầu vào đến đầu ra của hạt gạo, được đánh giá của một tổ chức độc lập, thì mới công nhận sản xuất gạo mang thương hiệu Quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
Tigifood thực hiện cánh đồng lớn quy mô 3.000 ha
Trong vụ đông xuân 2015 - 2016, Tigifood sẽ tập trung thực hiện chủ trương cánh đồng lớn trên phạm vi dự kiến là 3.000 ha.
Đây là quy mô cánh đồng lớn lớn nhất mà công ty thực hiện từ trước đến nay. Hiện nay, công ty đang tập trung triển khai xuống các địa phương.
Điểm nổi bật là trong số diện tích mà công ty dự kiến thực hiện cánh đồng lớn trong vụ đông xuân sắp tới là có đến 50% được áp dụng theo mô hình đầu tư trọn gói theo chuỗi từ giống, đến vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm và đây cũng là mục tiêu theo đuổi của công ty trong thời gian tới.
Điều đặc biệt trong việc thực hiện chủ trương cánh đồng lớn trong vụ đông xuân sắp tới là định hướng rõ rệt về giống, tập trung vào lúa Jasmine và Nàng hoa, theo đúng định hướng kinh doanh của Tigifood. Bước đầu chủ trương cánh đồng lớn trong vụ đông xuân 2015 - 2016 sắp tới cũng được sự đồng thuận của địa phương cũng như các tổ hợp tác.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ