Tiêu thụ sắn trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh
Cây sắn là một trong những cây trồng có kim ngạch xuất khẩu cao trong ngành nông nghiệp, đứng thứ 4 sau cà phê, lúa và điều, và là mặt hàng thuộc nhóm 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Đến nay, diện tích trồng sắn cả nước đứng thứ 3 sau lúa và ngô, khoảng 551 nghìn ha. So với những năm trước đây, năng suất sắn đã được cải thiện, bình quân cả nước đạt 19 triệu tấn/ha. Sắn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung nhưng năng suất cao nhất vẫn là ở vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, quý I/2015, số lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,37 triệu tấn với giá trị 420 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 22,7% về giá trị cùng kỳ năm 2014. Dự báo tình hình tiêu thụ sắn, trong thời gian tới tiếp tục tăng do thị trường tiêu thụ sắn đang tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, sử dụng sắn để sản xuất ethanol. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Philippines liên tục tăng trong các năm 2011-2014.
Như vậy, với nhu cầu sử dụng sắn để sản xuất ethanol như hiện nay, tổng khối lượng sắn phục vụ xuất khẩu dự báo vẫn sẽ được duy trì ở mức cao. Những tín hiệu phát triển nêu trên cũng đặt cho chúng ta nhiều vấn đề nghiêm túc trong công tác chỉ đạo ngành sản xuất sắn phải bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn…đang là hạn chế lớn nhất của ngành dẫn đến phát triển thiếu bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trước mắt cần phải quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, không nên mở rộng diện tích trồng sắn quá mức. Tiếp đến là tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đảm bảo năng suất bình quân cả nước trên 30 tấn/ha.
Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất xăng sinh học - ethanol, giảm và tiến tới không xuất khẩu sắn lát (sắn thô) ra thị trường. Chính phủ cũng cần có cơ chế chính sách phù hợp về tài chính, khoa học công nghệ, khuyến nông và quảng bá thương hiệu ngành sắn để xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu sắn…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, tồn tại và hạn chế của ngành sắn thời gian qua chủ yếu là do yếu tố chủ quan. Việc trồng sắn phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường là do các cấp ban ngành liên quan, nhất là vai trò chính quyền ở địa phương chưa sâu sát, quyết liệt trong việc hướng dẫn người nông dân tuân thủ quy hoạch, thực hiện đúng quy trình trồng sắn. Cây sắn đã và đang chuyển từ cây lương thực xóa đói giảm nghèo sang cây trồng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là cây trồng đem lại cơ hội lớn để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối cần rà soát bổ sung vấn đề thiết bị cơ giới hóa ngành sắn. Đồng thời, yêu cầu Hiệp hội Xăng sinh học phối hợp với Hiệp hội sắn nghiên cứu đề xuất các chính sách cụ thể hơn nữa về chế biến sâu gồm chính sách về thương mại, tài chính tín dụng…. Về đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với sắn lát để khuyến khích chế biến trong nước, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, về lý thuyết đánh thuế xuất khẩu là đánh vào người nông dân chứ không phải đánh vào doanh nghiệp, vấn đề này cần phải xem xét và đưa ra mức thuế hợp lý theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mua sắn cho nông dân theo giá thị trường, nhưng có những ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào chế biến.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ