Tiêu Trúng Giá, Cà Phê - Điều Trầm Lắng
Quý I/2012 trôi qua với đầy sóng gió cho hàng loạt mặt hàng nông sản XK của nước ta, đặc biệt là mặt hàng điều và cà phê. Duy nhất chỉ hồ tiêu vẫn giữ được “phong độ” khi giá bán ngay từ đầu niên vụ mới 2012 đã cao gấp 30% so với cùng kỳ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…
LAO ĐAO VÌ “BÃO”
Có lẽ, quý I/2012 là khoảng thời gian nặng nề nhất đối với cả DN và nông dân trồng điều khi thị trường NK khá ảm đạm, giá bán giảm sâu khiến toàn ngành điều “méo mặt”.
Hoạt động kinh doanh XK càng khó khăn hơn khi một số DN trót “ôm” một lượng hàng điều thô giá cao tới 35 – 40 triệu đồng/tấn (tương đương giá thành nhân điều sau thành phẩm gần 8.000 USD/tấn) từ niên vụ 2011, trong khi đó giá nhân điều XK (FOB) loại tiêu chuẩn W320 mấy tháng qua giảm dưới giá thành vài trăm USD và so với thời “đỉnh cao” (quý III/2011) giảm tới trên 2.000 USD/tấn.
Về triển vọng những tháng tới, ông Nguyễn Văn Chiểu – Trưởng ban Xúc tiến thương mại của Hiệp hội Điều VN (Vinacas) khẳng định, trong quý II và quý III/2012, giá nhân điều sẽ dần khởi sắc và thị trường XK sẽ sôi động hơn khi các thị trường trọng điểm là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng để bù đắp lượng hàng tồn kho đang ở mức thấp.
Tuy nhiên, theo Vinacas, niên vụ 2012, các ngân hàng lo ngại về chuyện thanh khoản và vay mới của DN ngành điều nên đã đưa ra điều kiện vay hết sức khó khăn. Tại cuộc họp giao ban 3 tháng đầu năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, sẽ có ý kiến tới Chính phủ để gỡ khó khẩn cấp cho DN ngành điều liên quan đến vấn đề vay vốn, tín dụng.
Trong khi ngành điều “sốc” vì giá sụt giảm quá sâu, thì ngành cà phê cũng “uể oải” vì giá XK liên tục trong quý I/2012 luôn đứng ở mức dưới 2.000 USD/tấn (FOB), thấp hơn tới 500 USD/tấn so với đỉnh giá cách đây gần 1 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nông dân trồng cà phê phải chấp nhận bán thấp hơn cả chục triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Liên tiếp trong những tháng đầu năm, giá cà phê xô bán tại vườn không vượt qua nổi 40 triệu đồng/tấn, trong khi vào tháng 5/2011 giá đã lên trên 50 triệu đồng/tấn. Thị trường gặp khó, một số DN ngành cà phê cũng bắt đầu lâm cảnh nợ nần khi làm ăn thua lỗ kéo dài từ năm 2011 đến nay. Nhiều DN đến kỳ thanh khoản đã “trắng tay” khiến bị liệt vào danh sách “nợ khó đòi” và không thể tiếp cận thêm nguồn vốn.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), quý II/2012, thị trường cà phê sẽ có nhiều khởi sắc, đặc biệt là nguồn cung cà phê toàn cầu vụ này được dự báo giảm, không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cà phê của các nước. Ngoài ra, Vicofa cũng đã chủ động ký kết với các ngân hàng như Techcombank, Agribank… để kéo giãn thời gian vay vốn cho phù hợp với chu kỳ kinh doanh của DN, đồng thời các ngân hàng đều cam kết cung cấp thêm nguồn tài chính để DN và nông dân không phải rơi vào tình trạng thiếu tiền, phải bán tháo với giá rẻ và lợi nhuận phần lớn “chạy” vào túi của các tập đoàn cà phê lớn trên thế giới.
“VÀNG ĐEN” CÒN TĂNG GIÁ
Hồ hởi nhất vẫn là ngành hồ tiêu khi cả DN và nông dân đều liên tiếp làm ăn có lãi lớn nhờ giá XK trong quý I/2012 liên tục lập kỷ lục mới. Chính vì thế, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm XK đạt 24.000 tấn (giảm 7,5% về lượng) nhưng kim ngạch đạt 164 triệu USD (tăng 29,1% về trị giá). Giá tiêu XK trung bình lên tới 6.816 USD/tấn, tăng “khủng” tới 42,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán thượng đỉnh này đã kéo theo giá hồ tiêu xô nông dân bán tại vườn luôn đạt 135 – 140 triệu đồng/tấn (lãi tới 70% giá trị).
Có được điều này, theo Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) là do nông dân trồng hồ tiêu gần như không còn phụ thuộc vào đại lý, nhà đầu cơ mà đã biết trao đổi, thông tin cho nhau để không bán ồ ạt, tiến độ xuất hàng diễn ra đồng đều các tháng trong năm nhằm giữ hàng và tăng giá bán liên tục. Cách làm này đã khiến niên vụ qua, cả thế giới đã sôi sục vì mặt hàng hồ tiêu Việt Nam tăng gấp vài lần so với 2 – 3 năm trước.
Ngoài ra, toàn thế giới chỉ có 6 nước trồng hồ tiêu chủ chốt gồm Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Brazil và Srilanka niên vụ 2012 chỉ đạt khoảng 245.000 tấn cộng với khoảng 40.000 – 45.000 tấn hồ tiêu từ các nước khác, thì vẫn chưa đủ cung ứng cho nhu cầu trung bình 300.000 tấn hồ tiêu trên toàn thế giới. Vì thế VPA nhận định, giá hồ tiêu những tháng tới sẽ tiếp tục chiều hướng đi lên do yếu tố chênh lệch cung cầu giúp ngành hồ tiêu vững tâm lý, từ đó điều tiết bán hàng làm sao có lợi nhất.
Theo Vinacas, do thiếu hụt lao động ngày càng lớn nên lượng cung nhân điều thế giới năm 2012 được dự báo giảm, sẽ tác động tích cực đến giá bán nhân điều trong những tháng tới. Trong khi đó, Vicofa cũng khuyến cáo: Tại VN, lượng cà phê tồn kho cũng rất ít, vì thế cần phải hết sức cảnh giác với các thông tin từ các tổ chức, DN nước ngoài luôn rêu rao rằng cà phê VN trúng mùa, dư thừa nhằm kéo giá cà phê của VN xuống thấp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ