Tìm cách gỡ khó cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm 10,6%; hàng thủy sản cũng chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm tới 19,8% - mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Ngoài mặt hàng thủy sản, một số mặt hàng nông sản chính cũng có sự sụt giảm rất mạnh, như: Cà phê đạt 744 triệu USD, giảm rất mạnh - 36,4%, mặt hàng gạo cũng chỉ đạt 454 triệu USD, cũng giảm tới 29,9%...
Lý giải về sự sụt giảm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với mặt hàng thủy sản, thị trường Mỹ chiếm 18,62% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang phải chịu áp lực từ thuế chống bán phá giá của Bộ thương mại Mỹ đối với tôm và cá tra ở mức cao. Trong 2 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, tại thị trường châu Âu và Nhật Bản, do biến động tỷ giá đồng Euro, đồng Yên Nhật giảm mạnh cũng tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản, dẫn tới sự giảm mạnh cả về lượng và giá. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu đã giảm 10%, sang Nhật Bản giảm 14,5%.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phí vận tải cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu nói chung. Tuy giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng phí vận tải giảm không đáng kể, chỉ khoảng 3 - 4% do chi phí khác không giảm. Tuy giá xăng dầu giảm, nhưng cước phí và phụ phí tăng làm cho chi phí vận tải cho một container chuyển hàng sang Mỹ tăng từ khoảng 2.300 - 2.400 USD/container lên 2.900 USD.
Công tác quy hoạch từng ngành hàng vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hiện tượng cục bộ nhiều mặt hàng nông sản cung vượt cầu, đã tác động khá lớn đến khả năng tiêu thụ. Việc các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu được chế biến sâu chưa nhiều, giá trị gia tăng chưa cao nên phần nào cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Năng lực tài chính của không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn hạn chế, phải thực hiện vốn vay thương mại, nhất là ngoại tệ, nên đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm…
Để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành liên quan.
Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp rà soát để giải quyết vấn đề về vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp, nhất là ngoại tệ; Xem xét, nới lỏng điều kiện và thủ tục để tiếp cận vốn vay, mở rộng định mức vay, giãn thời gian trả nợ vay cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tập trung rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Ngoài ra, cần thành lập các trung tâm phân tích, hỗ trợ chi phí lấy mẫu trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dành một phần ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, xây dựng và giới thiệu thương hiệu ra thị trường thế giới;
Tăng cường các hoạt động với đối tác nước ngoài để tháo gỡ rào cản kỹ thuật xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Có những chế tài xử lý nghiêm khắc để các nhà sản xuất và xuất khẩu thực hiện nghiêm túc theo các tiêu chuẩn được ban hành.
Kiện toàn Ban chỉ đạo thương mại trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở đó, Văn phòng Ban chỉ đạo thường xuyên bám sát, tập hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy nâng cao hiệu quả thương mại phát triển nông nghiệp nông thôn.
Các cơ quan hữu quan cần có giải pháp khả thi để thực hiện việc rút ngắn giảm 50% thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thời gian xuất khẩu qua đường biển 78%, xuất khẩu qua đường hàng không 54% thành thực tiễn…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ