Tìm Cách Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra
Không đơn thuần là thi thố tài năng nghệ thuật, Hội thi nông dân nuôi cá tra giỏi vùng ĐBSCL diễn ra tại TP.Vị Thanh (Hậu Giang) vừa qua đã cho thấy thực trạng đời sống của người nuôi cá tra trong vùng gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn tiếp tục bám trụ với nghề. Minh chứng là các hộ đã thực hiện nhiều giải pháp liên kết trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hội thi nông dân nuôi cá tra giỏi lần này là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng nhằm động viên, khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp phong trào nuôi cá tra thế mạnh của vùng ĐBSCL sớm phục hồi trở lại.
Thả nuôi trong điều kiện bất lợi
Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, mặc dù phong trào nuôi cá tra, cá ba sa ở vùng ĐBSCL trong thời gian qua phát triển nhanh nhưng còn thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi mà người dân nuôi thâm canh nên phải đầu tư nguồn vốn lớn, lãi suất tín dụng cao đã làm cho giá thành tăng.
Giá cá tra thương phẩm lên xuống thất thường, tiêu thụ khó khăn làm cho người dân thua lỗ nặng dẫn đến treo ao, khiến nhà máy chế biến thiếu nguồn nguyên liệu phải ngừng hoạt động. Còn các cơ sở nuôi chưa chấp hành tốt các quy định xử lý môi trường ao nuôi và thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho cá làm ảnh hưởng đến chất lượng và mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm cá nguyên liệu.
Xét về góc độ chế biến và xuất khẩu, ông Thông lý giải: Vẫn còn một số đơn vị chế biến xuất khẩu kinh doanh không lành mạnh. Vì chạy theo lợi nhuận đã đưa phụ gia, tạp chất, nước đá vào trong cá tra phi lê, gây mất lòng tin đối với khách hàng và ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hậu quả là những năm gần đây, Chính phủ Ukraine ra quyết định đình chỉ nhập khẩu cá tra Việt Nam do nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn cho phép.
Mặt khác, nước ta thường phải đối diện với rào cản kỹ thuật và phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Kể từ năm 2002 đến nay, cá tra, cá ba sa đã 8 lần đối mặt với việc bị phía Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá. Điều này đã gây thiệt hại trực tiếp cho người nuôi, cũng như các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra trong nước.
Những trăn trở, lo toan đã được hàng chục nông dân đến từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long và Hậu Giang nêu lên một cách khái quát thông qua từng tiểu phẩm giới thiệu của mình. Qua đó, từng đội đã đi sâu vào phản ánh thực trạng đời sống của người nuôi cá tra vùng ĐBSCL nói chung đang đi vào “ngõ cụt”. Song, ý chí quyết tâm vươn lên bám trụ với nghề đầy tiềm năng nhưng không kém phần may rủi.
Thực tế là thời gian qua, không ít hộ nuôi cá tra trong vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên, thậm chí phá sản do giá thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh liên tục tăng cao. Trong khi chất lượng con giống chưa đảm bảo, giá cá nguyên liệu bán ra dưới giá thành, thị trường xuất khẩu thu hẹp và đòi hỏi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Đáng nói là khoản nợ vay ngân hàng chồng chất như xóa tan mọi hy vọng bám nghề của nhiều hộ nuôi cá tra.
Hướng vào mục tiêu phát triển bền vững
Bên cạnh phản ánh thực trạng khó khăn, bất ổn trong quá trình sản xuất của người dân thì kỹ thuật nuôi cá tra an toàn theo VietGAP và nông dân sản xuất cá tra đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, giải pháp phát triển ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra đạt hiệu quả cao và bền vững cũng được những hộ dân trực tiếp nuôi cá nêu lên.
Đặc biệt là xoáy sâu vào một trong những nhóm giải pháp quan trọng của Bộ NN&PTNT như phát triển thị trường và xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản; bảo vệ môi trường; cơ chế chính sách đối với người nuôi cá nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra của vùng ĐBSCL đạt 2,1-2,3 tỉ USD, thay vì xấp xỉ 1,75 tỉ USD (kể cả cá ba sa) như năm vừa rồi.
Năm 2012, diện tích nuôi cá tra của tỉnh Hậu Giang gần 200ha, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và TX.Ngã Bảy. Hiện toàn tỉnh có 4 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, với tổng công suất 40.000 tấn cá/năm. Trên địa bàn còn có 2 HTX tham gia liên kết trong sản xuất, diện tích vùng nuôi được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 15,8ha. Tuy nhiên, theo những hộ nuôi cá ở Hậu Giang th́ t́nh h́nh nuôi cá tra của người dân trong tỉnh còn nhiều bất cập do diện tích thả nuôi manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có đầu ra ổn định. Cho nên, cần phải tiến đến liên kết sản xuất thông qua xây dựng HTX nuôi cá tra nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn.
Đồng thời, gắn kết với quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP để bảo vệ môi trường, tạo ra vùng nguyên liệu có chất lượng đồng nhất, đảm bảo cung ứng thị trường xuất khẩu lâu dài cho doanh nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn, hội thi là một hoạt động giúp nâng cao sức sống của nghề nuôi cá tra thông qua việc ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Tạo điều kiện cho người nuôi cá vùng ĐBSCL nói chung, Hậu Giang nói riêng có cơ hội chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi mới. Đây còn là dịp để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, giúp cho nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp có cơ hội nhìn nhận, hoạch định lại cơ chế chính sách đối với nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra ngày càng phù hợp hơn trong tình hình hiện nay và thời gian tới.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nuôi và xuất khẩu cá tra đã trở thành một ngành quan trọng, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho hàng trăm ngàn hộ dân. Với hơn nửa triệu lao động là nông dân, công nhân góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL. Năm 2012, chỉ với diện tích nuôi gần 6.000ha (bằng 1% diện tích nuôi tôm), nhưng sản lượng thu hoạch cá tra, cá ba sa đạt trên 1.255.500 tấn (tăng gấp 50 lần so với năm 1998), đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 1,75 tỉ USD.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ