Tìm đầu ra cho nghề chăn nuôi động vật hoang dã
Anh Trần Văn Sự, thôn 10, xã Trung Hà (Yên Lạc) nuôi đàn dê 50 con với mong muốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 540 cơ sở, trại nuôi động vật hoang dã với 342.800 cá thể.
Trong đó, có 520 cơ sở trại nuôi rắn, còn lại là các cơ sở nuôi lợn rừng, nhím, dúi… Được biết, con số này vào thời điểm năm 2013 là 890 cơ sở gây nuôi, trong đó, có 734 cơ sở nuôi rắn hổ mang thường, còn lại là các loài động vật khác.
Có thể thấy, vài năm trở lại đây, các mô hình nuôi động vật hoang dã không thu hút được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu của người dân như trước.
Phong trào nuôi động vật hoang dã dần thưa thớt, một phần do nhu cầu thị trường ít, các chủ cơ sở gây nuôi không tìm được "đầu ra" ổn định, phần khác do dịch bệnh khiến phong trào nuôi tự phát của người dân cũng vì thế cũng giảm dần.
Qua tìm hiểu, khoảng 3 - 4 năm về trước, mô hình nuôi dúi của anh Dương Văn Phương, xã Tam Hồng (Yên Lạc) là mô hình nuôi động vật hoang dã mới, được đánh giá mang lại hiệu quả cao về kinh tế do dúi là loại động vật dễ gây nuôi, một cặp dúi bán giống cũng có giá tiền triệu trở lên.
Với đặc tính là loài sinh sản tốt, dễ nuôi và ít bệnh, nhiều bà con từ khắp các địa phương, các tỉnh thành trong cả nước đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và mua dúi của gia đình anh Phương về nuôi.
Vào thời điểm ấy, những tưởng mô hình này sẽ phát triển và có được đầu ra ổn định giúp các hộ dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, có được thu nhập ổn định nhưng theo số liệu thống kê từ Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, cơ sở nuôi dúi của gia đình anh Phương chỉ còn khoảng hơn 200 cá thể.
Không tìm được đầu ra ổn định, giá bán thịt thương phẩm không ổn định nên mô hình nuôi dúi của gia đình anh Dương Văn Phương giờ cũng không còn quy mô phát triển như trước.
Là hộ dân phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi lợn, gà, vài năm trở lại đây, gia đình anh Trịnh Văn Phòng, thôn Thắng Lợi, xã Liễn Sơn (Lập Thạch) còn nuôi thêm từ 15 -17 con lợn rừng/năm để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với giá bán 1kg thịt lợn rừng thương phẩm vào khoảng 120 – 150 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh Phòng thu lãi từ 10 – 15 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn rừng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phòng cho biết: “Khoảng thời gian 2 - 3 năm về trước, khi phong trào nuôi động vật hoang dã như: Nhím, dúi, lợn rừng… phát triển, tôi bàn với vợ tìm mua giống lợn rừng tại xã Trung Hà (Yên Lạc) về nuôi.
Lúc bấy giờ, đây là nghề mới, còn ít người nuôi và với nhiều người thu nhập cao, ăn thịt lợn rừng là một trong những món ăn mới, lạ miệng nên khá được ưa chuộng, vì thế, giá 1kg thịt lợn rừng lúc được giá nhất cũng phải đến vài trăm nghìn/kg nhưng vẫn có khá nhiều người tìm mua.
Cũng từ đó, nghề nuôi động vật hoang dã phát triển tự phát trong nhân dân”.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Phòng, hiện nay, nghề nuôi lợn rừng không còn được như trước do người nuôi ngày một nhiều mà nhu cầu thị trường lại trở nên bão hòa và với giá thịt lợn rừng khá cao nên rất ít người tìm mua khiến cho các hộ dân chăn nuôi lợn rừng cũng dân chuyển đổi sang phát triển các mô hình chăn nuôi khác hoặc lại quay về mô hình chăn nuôi lợn, gà, vịt truyền thống.
Đến xã Trung Hà (Yên Lạc), chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Văn Sự, thôn 10.
Được biết, hiện nay, gia đình anh Sự đang nuôi đàn dê lên tới 50 con cộng với làm nông nghiệp và chăn nuôi gà, lợn.
Chia sẻ về lý do chọn nghề chăn nuôi dê để phát triển kinh tế, anh Sự cho biết: “Qua tìm hiểu trên mạng và thông qua báo, đài về thông tin nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng tôi quyết định đầu tư chăn nuôi dê, lặn lội lên Tuyên Quang mua giống về nuôi.
Bởi dê là loài động vật ăn cỏ, dễ nuôi, ít bệnh, không tốn công chăm sóc, mỗi năm dê sinh sản 2 lần, ước tính mỗi năm sinh từ 2 – 3 dê con, trong khi giá bán mỗi kg thịt dê thương phẩm vào khoảng từ 130 – 140 nghìn đồng/kg; giá dê bán giống hiện nay là 160 nghìn đồng/kg, nếu chăn nuôi tốt, trừ chi phí gia đình tôi có thể thu lãi từ 35 – 40 triệu/năm.
Hơn nữa, dê là loài động vật mà nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu thu mua, vì thế, mặc dù cũng có nhiều người khuyên không nên nuôi nhưng tôi vẫn tin tưởng đây sẽ là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”.
Thực tế, từng có nhiều người dân hy vọng vào hiệu quả kinh tế mà các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã đem lại, nhưng theo ý kiến của nhiều chủ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hiện nay cho biết, nghề này không còn “hot” như trước.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, không có nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn được chế biến từ thịt các loài động vật hoang dã và cũng chưa có doanh nghiệp nào thu mua các loài này để cung ứng ra thị trường.
Vì thế, việc sở hữu lượng lớn cá thể động vật hoang dã cũng là nỗi hoang mang của nhiều chủ cơ sở vì không biết tìm "đầu ra" ổn định.
Vì vậy, trước khi quyết định chăn nuôi động vật hoang dã, người dân cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chăn nuôi, không nên chạy theo trào lưu để khi gây nuôi không phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại về kinh tế.
Đồng thời, khi quyết định gây nuôi loài động vật hoang dã, người dân nên tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cũng như các biểu hiện bệnh của loài vật nuôi để có biện pháp chăm sóc phù hợp, từ đó góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ