Mô hình kinh tế Tìm Giải Pháp Gỡ Khó Cho Nghề Câu Truyền Thống

Tìm Giải Pháp Gỡ Khó Cho Nghề Câu Truyền Thống

Ngày đăng 26/06/2013

Tìm Giải Pháp Gỡ Khó Cho Nghề Câu Truyền Thống

Từ cuối năm 2012 đến nay, giá cá ngừ đại dương giảm mạnh khiến nhiều tàu câu cá ngừ đại dương nằm bờ. Bộ NN-PTNT và các địa phương có nghề câu cá ngừ đại dương đang tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn…

KHÓ CHO NGHỀ CÂU TRUYỀN THỐNG

Hiện giá cá ngừ câu vàng chỉ còn 115.000 đến 120.000 đồng/kg, cá ngừ câu tay kết hợp đèn cao áp chỉ còn 40.000 đến 45.000 đồng/kg, khiến nhiều tàu câu cá ngừ đại dương phải nằm bờ. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh khoảng 4.000 tấn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Hiện toàn tỉnh có gần 1.000 tàu cá đang nằm bờ, trong đó có hơn 670 tàu đánh bắt xa bờ gồm các nghề lưới rê, lưới vây và câu cá ngừ đại dương…

Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, hoạt động khai thác không đạt hiệu quả, giá bán thủy sản không ổn định, hơn 80% tàu thuyền bị lỗ vốn nên hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân đang gặp nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tàu cá của ngư dân phải tạm ngừng hoạt động…

Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Trước đây, giá cá ngừ đại dương khoảng 170.000 đồng/kg nhưng hiện giảm còn khoảng 120.000 đồng/kg, khiến nhiều ngư dân ở phường 6 không dám ra khơi vì sợ bị thua lỗ.

Giá cá ngừ đại dương giảm mạnh là do ảnh hưởng của cá câu đèn, vì chất lượng loại cá này rất kém. Đề nghị Nhà nước có biện pháp cấm hoặc hạn chế nghề này phát triển, nếu không thì trữ lượng cá ngừ đại dương ngày càng cạn kiệt, đặc biệt thương hiệu cá ngừ đại dương của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng…”.

Hiện cả nước có khoảng 3.455 tàu chuyên khai thác cá ngừ đại dương, trong đó tỉnh Bình Định có khoảng 1.035 tàu hoạt động bằng nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp. Ông Hồ Thanh Tân ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết: “Tôi có 2 tàu cá, mỗi tàu có công suất 360CV chuyên khai thác cá ngừ đại dương bằng nghề câu tay kết hợp đèn cao áp.

Nghề này ưu điểm hơn nghề câu vàng truyền thống vì chi phí chuyến biển ít, thời gian đánh bắt được rút ngắn, số thợ bạn cũng giảm xuống còn 3 đến 4 người nhưng hiệu quả chuyến biển tăng gấp 3 đến 4 lần. Tuy giá cá giảm nhưng bù lại sản lượng tăng nên chúng tôi vẫn có lãi…”.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp có chất lượng không đạt để ăn tươi, vì vậy giá cá cũng giảm từ 60% đến 70% so với năm 2012. Giá cá ngừ đại dương chất lượng cao được khai thác bằng nghề câu vàng truyền thống cũng giảm theo từ 30% đến 40%.

TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Nhiều ngư dân và doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương nhận định giá cá ngừ đại dương thấp, nguyên nhân là do cung vượt cầu ở phân khúc thị trường cá có chất lượng thấp. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho biết: “Hiện cá ngừ đại dương câu tay kết hợp với đèn cao áp không thể dùng để ăn tươi mà đa số sản xuất đồ hộp.

Đề nghị các cơ quan chuyên môn có biện pháp giúp ngư dân bảo quản được cá sau thu hoạch đạt chất lượng, để thương hiệu cá ngừ Việt Nam không bị mất đi trên thị trường thế giới”.

Theo Tổng cục Thủy sản, cá ngừ đại dương câu tay kết hợp đèn cao áp có chất lượng thấp là do cá được bắt lên từ độ sâu lớn, trong thời gian ngắn bị thay đổi đột ngột về áp suất, nhiệt độ; cá vùng vẫy mạnh nên phát sinh các chất làm giảm chất lượng của cá như axitlatic, histamin… và làm cho thịt cá bị bở. Việc sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu khai thác cũng không đúng quy trình.

Để tránh lãng phí nguồn lợi và nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ được thị trường cũng như uy tín, thương hiệu sản phẩm cá ngừ Việt Nam, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo ngư dân nên áp dụng nghề câu vàng truyền thống, không nên chuyển sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp.

Nếu tiếp tục hành nghề câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp thì cần ưu tiên sử dụng lưỡi câu vòng và phương pháp thu câu chậm, tùy theo điều kiện của dòng hải lưu hoặc theo từng mùa để ngư dân áp dụng câu vàng hay câu tay đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan cùng Sở NN-PTNT các tỉnh tăng cường hướng dẫn kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch để cá ngừ đại dương đạt chất lượng hơn. Tổng cục Thủy sản tiến hành điều tra nguồn lợi cá ngừ đại dương, thu mẫu thống kê nghề cá thương phẩm, cử quan sát viên theo các tàu câu.

Các tỉnh nên xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề khai thác cá ngừ, xác định, dự báo sản lượng khai thác bền vững tối đa và điều chỉnh từng nghề cho phù hợp, đồng thời tăng cường liên kết giữa các tàu khai thác, các tổ đội sản suất và liên kết giữa các doanh nghiệp với ngư dân để hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững.

Nghề câu tay kết hợp đèn cao áp là một nghề mới. Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, đến nay chưa đủ cơ sở để kết luận nghề này làm tổn hại đến nguồn lợi thủy sản. Nhưng nghề câu tay kết hợp đèn cao áp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cá ngừ đánh bắt được. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu sớm có kết luận về việc duy trì hay nghiêm cấm nghề khai thác này.


Khởi Sắc Nghề Nuôi Trăn Khởi Sắc Nghề Nuôi Trăn 'Vua' Rắn Mối Miền Tây 'Vua' Rắn Mối Miền Tây