Tìm Hiểu Về Chế Phẩm Sinh Học Trong Nuôi Thủy Sản
Trước những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng thực phẩm thủy sản là “An toàn - Chất lượng” nên đòi hỏi người nuôi phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho các mô hình nuôi của mình để hạn chế bệnh phát sinh. Đây cũng là một biện pháp nhằm hạn chế dư lượng các loại hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng trong sản phẩm thủy sản vượt quá giới hạn cho phép theo các quy định của thị trường quốc tế.
Nếu tôm cá nuôi không bị bệnh, tất nhiên người nuôi sẽ không sử dụng thuốc để điều trị thì các sản phẩm thủy sản sẽ có cơ hội đáp ứng được yêu cầu về “ An toàn-Chất lượng”.
Một trong những biện pháp cần được khuyến cáo trong việc phòng ngừa bệnh trong các ao nuôi thủy sản là sử dụng các chế phẩm sinh học (CPSH) để cải thiện chất lượng nước nhằm nâng cao khả năng phòng bệnh tôm. CPSH là những sản phẩm có chứa một vài các nhóm vi sinh vật (là những loài vi khuẩn sống có lợi) như nhóm: Bacillus sp., Lactobacillus sp., Nitrosomonas sp., Nitrobacter sp., Clostridium sp..
Ngoài ra, trong thành phần của một số CPSH có chứa các Enzyme (men vi sinh) như Protease, Lipase, Amylase …có công dụng hỗ trợ tiêu hóa và giúp hấp thu tốt thức ăn để trộn vào thức ăn cho cá. Các CPSH được sản xuất ở 3 dạng: Dạng viên, dạng bột và dạng nước.
* Tác dụng của CPSH
Khi đưa CPSH vào môi trường nước ao, các vi sinh vật có lợi sẽ sinh sôi và phát triển rất nhanh trong môi trường nước. Sự hoạt động của các vi sinh vật có lợi sẽ có tác dụng cho các ao nuôi thủy sản như:
1. Phân hủy các chất hữu cơ trong nước (chất hữu cơ là một trong nhiều nguyên nhân làm môi trường nước bị ô nhiễm), hấp thu xác tảo chết và làm giảm sự gia tăng của lớp bùn đáy.
2. Giảm các độc tố trong môi trường nước (do các chất khí: NH3, H2S… phát sinh) , do đó sẽ làm giảm mùi hôi trong nước, giúp tôm cá phát triển tốt.
3. Nâng cao khả năng miễn dịch của tôm cá (do kích thích tôm, cá sản sinh ra kháng thể).
4. Ức chế sự hoạt động và phát triển của vi sinh vật có hại (do các loài vi sinh vật có lợi sẽ cạnh tranh thức ăn và tranh giành vị trí bám với vi sinh vật có hại). Trong môi trường nước, nếu vi sinh vật có lợi phát triển nhiều sẽ kìm hãm, ức chế, lấn át sự phát triển của vi sinh vật có hại, do đó sẽ hạn chế được mầm bệnh phát triển để gây bệnh cho tôm cá.
5. Giúp ổn định độ pH của nước, ổn định màu nước do CPSH hấp thu chất dinh dưỡng hòa tan trong nước nên hạn chế tảo phát triển nhiều, do đó sẽ giảm chi phí thay nước. Đồng thời CPSH còn có tác dụng gián tiếp làm tăng oxy hòa tan trong nước, giúp tôm cá đủ oxy để thở, do đó tôm cá sẽ khỏe mạnh, ít bệnh, ăn nhiều, mau lớn.
Ngoài ra, một số CPSH còn được sử dụng trong trường hợp trộn vào thức ăn để nâng cao khả năng hấp thu thức ăn của cơ thể tôm cá, làm giảm hệ số thức ăn và phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cho tôm cá.
Do đó, sử dụng CPSH sẽ có ý nghĩa nhiều mặt trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho các mô hình nuôi thủy sản như:
- Làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn (giảm hệ số thức ăn).
- Tôm cá mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi.
- Tăng tỷ lệ sống và tăng năng suất do tôm cá nuôi ít bị hao hụt.
- Giảm chi phí thay nước.
- Giảm chi phí sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong việc điều trị bệnh.
* Vài lưu ý khi sử dụng các loại CPSH:
Các CPSH đều có tác dụng chính là phòng bệnh cho tôm cá, cho nên cần phải sử dụng càng sớm càng tốt để phát huy tốt hiệu quả phòng bệnh. Có thể sử dụng CPSH ngay sau quá trình cải tạo ao vì trong quá trình cải tạo ao, diệt tạp thì hầu như các vi sinh vật (kể cả vi sinh vật có lợi và có hại) đều bị tiêu diệt. Do đó, trước khi thả giống vào ao nuôi cần phải đưa CPSH vào nước ao để phục hồi sự hiện diện của các vi sinh vật có lợi và tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho ao (đặc biệt là những ao ương tôm cá giống).
Khi sử dụng các loại CPSH, ngoài việc xem trong thành phần có chứa các nhóm vi sinh (vi khuẩn có lợi) hay không, người sử dụng cần xem kỹ các công dụng và hướng dẫn sử dụng (có in ở ngoài bao bì) để tùy trường hợp cụ thể của ao nuôi tôm cá mà sử dụng đúng theo công dụng và hướng dẫn để sử dụng CPSH đạt được hiệu quả cao.
Không sử dụng CPSH cùng lúc với các loại hóa chất và kháng sinh, vì kháng sinh và hóa chất sẽ làm chết các nhóm vi sinh của các CPSH, do đó việc sử dụng CPSH sẽ không có hiệu quả.
Nếu đã sử dụng các loại hóa chất (ví dụ như: thuốc tím, phèn xanh, BKC …) tạt vào ao nuôi thì khoảng 2-3 ngày sau nên sử dụng CPSH để khôi phục lại các nhóm vi sinh vật có lợi trong nước để cải thiện chất lượng nước và hạn chế ô nhiễm môi trường, vì khi đưa hóa chất vào nước ao sẽ làm tảo chết, mà vai trò của tảo trong nước rất quan trọng (nhưng tảo phải phát triển ở mức độ vừa phải) do tảo hấp thu các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước sẽ giúp cho môi trường nước được “sạch” hơn.
Nếu đã sử dụng kháng sinh (trong trường hợp cho ăn thuốc để điều trị bệnh) thì sau khi ngưng sử dụng kháng sinh nên sử dụng các loại CPSH (có công dụng hỗ trợ tiêu hóa) hoặc các loại men vi sinh trộn vào thức ăn cho cá để khôi phục lại hệ men đường ruột. Nguyên nhân là thuốc kháng sinh đã làm chết hệ men đường ruột trong hệ tiêu hóa của cá nên sau khi sử dụng kháng sinh cá sẽ có hiện tượng yếu ăn, chậm lớn do kém hấp thụ thức ăn vì trong bộ máy tiêu hóa thiếu các loại men vi sinh để giúp các hấp thu tốt thức ăn.
Cần lưu ý đến điều kiện bảo quản các CPSH ở các nơi cung ứng vì nếu để CPSH ở nơi có ánh nắng trực tiếp thì sẽ làm chết các nhóm vi sinh vật có lợi trong CPSH, do đó việc sử dụng CPSH sẽ không còn tác dụng.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong qui trình nuôi thủy sản được xem là một tiến bộ khoa học-kỹ thuật, có ý nghĩa sâu xa là tạo ra sự an toàn về môi trường cũng như trong thực phẩm cho người tiêu dùng, nhằm giúp cho nghề nuôi tôm, cá phát triển ổn định và bền vững.
Do đó việc cải thiện chất lượng nước bằng CPSH để phòng bệnh cho tôm cá là một việc làm thiết thực cần được khuyến cáo để áp dụng trong thời gian tới nhằm giúp cho các sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo mục tiêu của ngành thủy sản đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ