Tìm Hướng Đi Bền Vững Cho Cây Ăn Trái
Vườn cây ăn trái là thế mạnh của vùng ĐBSCL, thế nhưng nhiều năm qua, hàng loạt nông dân làm vườn lâm vào cảnh thua lỗ, nợ chất chồng bởi thực trạng “tới mùa, rớt giá” lặp đi lặp lại. Giải pháp nào giúp nông dân làm vườn sống được trên mảnh vườn của mình đang là vấn đề bức bách đặt ra.
Sản xuất theo phong trào
Tình trạng sản xuất cây ăn trái chạy theo phong trào dẫn đến chuyện “tới mùa, rớt giá” khiến nông dân thua lỗ. Ông Trương Văn Tân, ở ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), chua chát: “Khoảng 2 năm nay, thanh long là loại trái cây luôn được giá cao.
Có lúc thanh long ruột đỏ sốt giá tới 60.000 đồng/kg vẫn không đủ bán, nhờ đó người dân thu lời từ 300-500 triệu đồng/ha. Thanh long lên đời nên ai ai cũng trồng thanh long, đến khi vào vụ thu hoạch rộ như vừa qua thì giá đảo chiều giảm mạnh chỉ còn vài ngàn đồng mỗi ký khiến nhiều hộ thua thiệt”.
Theo ông Võ Chí Thiện, Chủ nhiệm HTX thanh long Mỹ Tịnh An, do 80% sản lượng thanh long được xuất sang thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này rất thất thường, không thể đoán trước được. Nếu như mấy tháng trước, giá thanh long rớt còn 3.000 đồng/kg thì nay nhích lên khoảng 24.000 đồng/kg, nhưng đã cạn hàng.
Ông Đặng Văn Lòng, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), bộc bạch: “Thời gian qua, quýt đường luôn được giá cao từ 20.000-30.000 đồng/kg nên ai cũng chạy đua mở rộng diện tích. Khoảng 1 tuần nay, quýt đường giảm còn 12.000-14.000 đồng/kg khiến nhà vườn chới với. Tất cả là do sản xuất theo phong trào”.
Cùng với rớt giá thì dịch bệnh làm vườn cây ăn trái chết tràn lan là mối lo lớn đối với nhà vườn. Tại Vĩnh Long, hiện có hơn 876ha nhãn bị nhiễm chổi rồng mức độ rất nặng, trên 3.000ha nhiễm nặng và khoảng 2.200ha bị nhiễm trung bình. Những ngày qua nhiều hộ đã đốn bỏ vườn nhãn hàng loạt do điều trị dịch bệnh không hiệu quả. Còn Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha cam sành bị nhiễm bệnh.
Nguyên nhân do vài năm nay phát triển quá nóng về diện tích, từ đó dẫn tới việc người dân sử dụng nguồn giống trôi nổi, chất lượng kém, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Đây là vấn đề bức xúc của sản xuất theo phong trào để rồi dẫn tới “trồng - chặt” gây thiệt hại lớn.
Theo Bộ NN&PTNT, dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở ĐBSCL lan rộng hơn 27.373ha. Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng các địa phương, triển khai nhiều giải pháp phòng trị với kinh phí hơn 173 tỉ đồng. Nhờ đó, diện tích nhãn bị bệnh giảm xuống còn 15.397ha. Song, nhiều nơi xuất hiện diện tích nhãn bị bệnh nặng phức tạp, buộc nhà vườn phải đốn bỏ hàng loạt. Ngoài cây nhãn thì gần đây bệnh chổi rồng còn xuất hiện trên cây chôm chôm ở Bến Tre, Vĩnh Long…
Mạnh dạn thay đổi căn cơ
Trái cây là thế mạnh của vùng ĐBSCL. Song, vấn đề đặt ra là trong xu thế hội nhập thì trái cây không chỉ cạnh tranh trên thương trường quốc tế mà còn cạnh tranh ngay thị trường nội địa. Để tránh tình trạng “thua trên sân nhà”, trái cây cần hướng đi mới, trong đó đột phá về giống sạch bệnh, thay đổi trong sản xuất, tiêu thụ, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ “bốn nhà”.
Cục Trồng trọt cho rằng, vấn đề đầu tiên là nhà nước cần có quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn trái trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn sạch, đáp ứng cho nhiều thị trường khó tính.
Tỉnh Tiền Giang đã chủ động tìm hướng đi mới. Theo đó, Tiền Giang không chủ trương phát triển đại trà mà tập trung đầu tư nâng chất lượng những loại cây đặc sản. Điển hình nhất là việc trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mô hình này đã giúp nhà vườn thay đổi toàn bộ từ nhận thức đến cách làm.
Những hộ tham gia được ngành chuyên môn hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc trừ sâu, tuân thủ quy trình bón phân, áp dụng bao trái, ghi nhật ký…
Từ khi trái vú sữa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã nâng uy tín, đơn hàng xuất khẩu sang Anh, Canada… ngày càng tăng, giá bán cao hơn nhiều so loại thường. Nhờ đó, nhà vườn không còn sợ cảnh “được mùa - rớt giá” như những năm trước.
Tại Đồng Tháp, mô hình trồng quýt hồng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đem lại tín hiệu lạc quan. Ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, bộc bạch: “Trước đây, quýt hồng Lai Vung gặp khó khăn ngay trên sân nhà bởi quýt Trung Quốc cạnh tranh dữ dội.
Sau khi huyện mạnh dạn thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết tập trung quy mô lớn, có đầu tư kỹ thuật theo hướng VietGAP đã nâng được chất lượng trái quýt. Bên cạnh đó, năng suất cũng tăng lên, rồi màu sắc rất đẹp, độ đồng đều cao… từ đó người tiêu dùng rất chuộng. Giá quýt hồng luôn ở mức cao từ 28.000-33.000 đồng/kg giúp nông dân trúng đậm”.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cần sự đầu tư mạnh cho trái cây thì mới mong tạo được chỗ đứng trên thương trường quốc tế. Nếu so với thủy sản, lúa gạo… thì sự đầu tư của nhà nước cho cây ăn trái còn quá kém. Vấn đề bảo quản sau thu hoạch, kho lạnh dự trữ, chế biến, xuất khẩu… của mặt hàng trái cây còn nhiều hạn chế.
Tại ĐBSCL, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất cả nước cũng chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trái cây xứng tầm. Nguyên nhân là do kinh doanh trái cây dễ bị hư thối, rủi ro cao, lợi nhuận thấp… Vì vậy, nhà nước phải đầu tư, trợ lực tích cực cho doanh nghiệp và nhà vườn. Có như vậy, mới mong tạo ra sự chuyển biến đồng bộ, thúc đẩy trái cây phát triển nhanh được.
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, đã đến lúc không thể nói mãi “tiềm năng”, mà phải xắn tay vào thực hiện và cần làm nhanh. Song hành cùng việc triển khai đề án phát triển trái cây, đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu… vấn đề sản xuất “sạch” đáp ứng thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe là hướng đi bền vững cho trái cây Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ