Mô hình kinh tế Tìm hướng đi cho ngành mía đường trong nước

Tìm hướng đi cho ngành mía đường trong nước

Ngày đăng 22/07/2015

Tìm hướng đi cho ngành mía đường trong nước

Nhằm tìm ra hướng đi phù hợp để phát triển ngành mía đường trong nước, các chuyên gia mía đường hàng đầu thế giới đã cùng tham gia hội thảo thường niên mía đường quốc tế lần 3-2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam chuẩn bị hội nhập ASEAN” do Tập đoàn TTC tổ chức cuối tuần qua tại Nha Trang.

Khó khăn bủa vây

Theo cam kết, đến năm 2018, thuế suất đối với thuế nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%, thay vì 30% như hiện nay. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, sản lượng đường của Việt Nam hiện đạt khoảng 1,4 – 1,6 triệu tấn/năm. Lượng đường này chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước với giá cả chịu tác động của thị trường tự do, dao động từ 13.000 – 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực 1.000 – 3.000 đồng/kg khiến cho tình trạng buôn lậu đường luôn diễn biến phức tạp. Theo số liệu năm 2014, lượng đường nhập lậu và gian lận thương mại lên tới 400.000 – 500.000 tấn.

Ông Nguyễn Bái Dương, đại diện Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, giá cả cao khiến cho sức cạnh tranh của ngành mía đường VN kém. Nguyên nhân của tình trạng này là do chi phí sản xuất mía đường quá cao, đặc biệt là mía nguyên liệu. Giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg, cao hơn nhiều nước trong ASEAN và trên thế giới. Trong khi đó, phần lớn nhà máy có công suất và thiết bị trung bình, sản xuất các sản phẩm phụ sau đường chưa được quan tâm.

Ông Long cũng chỉ ra rằng, đất đai manh mún, nhỏ lẻ (0,7 – 1ha/hộ), giống và kỹ thuật canh tác kém là trở ngại lớn nhất của ngành mía đường Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà máy đường có quy mô nhỏ, công nghệ không theo kịp các nước, nặng về thủ công… cũng là những rào cản không nhỏ. “Ngành mía đường Việt Nam đang yếu thế trên mọi mặt. Tiến trình hội nhập không còn chờ đợi, không lựa chọn. Các nước đang bảo hộ mạnh mẽ ngành đường của họ. Nâng sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam không chỉ dựa vào doanh nghiệp và nông dân mà vai trò của Chính phủ là tối quan trọng trong việc ban hành và thực thi các chính sách” - ông Long phát biểu.

Theo đó, ông Long cho rằng cần sớm ban hành Nghị định về mía đường, quy hoạch lại ngành đường theo hướng liên kết chặt chẽ 4 nhà: nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học và Nhà nước. Trong đó Nhà nước đóng vai trò nhạc trưởng.

Kinh nghiệm của thế giới

Đến từ nước xuất khẩu đường hàng đầu ASEAN, ông Rangsit Hiangrat, Giám đốc Công ty Mía đường Thái Lan (Thai Sugar Millers Corp., Ltd) cho biết, Thái Lan đã có đạo luật mía đường từ năm 1984. Chính phủ Thái Lan cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ người trồng mía như lợi nhuận giữa nông dân và nhà máy được chia sẻ theo tỷ lệ 70:30, giá bán trong nước được giữ cố định ở mức 23 bath/kg, phân bổ hạn ngạch đến từng nhà máy…

Trong khi đó, đại diện nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới Brazil, bà Raffaaella Rossetto, chia sẻ, để nâng cao năng suất cây mía, khâu chọn giống, tưới tiêu, cải tạo đất đóng vai trò rất quan trọng. Brazil có 4 trung tâm nghiên cứu tạo giống để tìm ra giống thích hợp cho 5 vùng mía có thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau. Hiện Brazil đang có khoảng 500 giống mía. Theo bà Raffaaella Rossetto, cần cơ giới hóa sản xuất, tận dụng tối đa phụ phẩm để giảm giá thành sản xuất. Cụ thể, khi bón phân cho cây mía, nông dân Brazil sử dụng máy đo nồng độ các chất trong đất để bổ sung với liều lượng hợp lý. Ngoài ra, các khâu làm đất, thu hoạch… đều được làm bằng máy để giảm chi phí công lao động.

Thực tế cho thấy, áp dụng cơ giới hóa trong ngành mía đường đang nhận được sự đầu tư của các nhà quản lý, DN và các nước. Tiêu biểu như mô hình tưới Netafilm được TTC và nhiều DN mía đường trong và ngoài nước áp dụng đã mang lại nhiều hiệu quả. Cụ thể, những vùng trồng mía ở khu vực cách xa nguồn nước vẫn đảm bảo đủ nước tưới. Bên cạnh đó, người nông dân không có máy bón phân vùi lấp cũng có thể bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Vị đại diện đến từ Brazil cũng chia sẻ, chỉ 35% sản lượng mía của Brazil dùng để chế biến đường, số còn lại để sản xuất ethanol và điện sinh khối. Hiện ngành đường của Brazil đóng góp 15% tổng năng lượng tiêu thụ của nước này. Ngoài ra, cây mía còn có thể tạo ra 60 sản phẩm khác nhau, trong đó có cả xăng và dầu dùng cho máy bay. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện mới chỉ có 8/41 nhà máy đường có thể hòa lưới điện quốc gia. Các dự án mới đang bị chững lại do cơ chế đầu tư phức tạp và hạch toán không hiệu quả. Đối với các sản phẩm khác như cồn nhiên liệu, phân hữu cơ… hiện vẫn chưa được khuyến khích sản xuất.


Trái mắc ca không biết tiêu thụ ở đâu Trái mắc ca không biết tiêu thụ ở… Võ Mao ngư dân làm giàu từ biển Võ Mao ngư dân làm giàu từ biển