Mô hình kinh tế Tìm Hướng Đi Phù Hợp Do Doanh Nghiệp Lâm Nghiệp

Tìm Hướng Đi Phù Hợp Do Doanh Nghiệp Lâm Nghiệp

Ngày đăng 04/03/2015

Tìm Hướng Đi Phù Hợp Do Doanh Nghiệp Lâm Nghiệp

Các Cty lâm nghiệp ở tỉnh Quảng Trị sau chuyển đổi, sắp xếp, đã chủ động, sáng tạo tìm ra được hướng đi phù hợp, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển KT-XH và môi trường cho địa phương.

Đã chủ động hơn

Ngày 3/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và Sở NN-PTNT tỉnh này đã kiểm tra tình hình hoạt động của các Cty Lâm nghiệp và BQL rừng phòng hộ sau mấy năm thực hiện sắp xếp đổi mới lâm trường, thực hiện quy hoạch 3 loại rừng và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Sau sắp xếp, tỉnh Quảng Trị có 3 lâm trường quốc doanh chuyển sang mô hình Cty TNHH MTV lâm nghiệp với vốn điều lệ gần 60 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho gần 700 lao động.

Đó là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải - Quảng Trị, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải. Ngoài ra, Quảng Trị còn có 3 BQL rừng phòng hộ và 2 BQL rừng đặc dụng.

Các Cty trên đã giao lại cho chính quyền địa phương các huyện hơn 41 ngàn ha đất rừng để chia đất cho nông dân. Diện tích đất rừng còn lại các Cty quản lý sử dụng gần 26.700 ha. UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển tốt. Phần đất chuyển trả cho địa phương đã được các Cty tiến hành bàn giao.

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị đánh giá cao các Cty lâm nghiệp ở Quảng Trị, các BQL rừng phòng hộ hoạt động hiệu quả hơn sau khi chuyển đổi, thành lập.

Theo ông Bài, sau khi được quy hoạch, chuyển đổi, các Cty TNHH MTV đã chủ động phương án sản xuất kinh doanh, trồng rừng, khai thác rừng trồng hằng năm, tận dụng được quỹ đất hợp lý, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập từ nghề rừng cho công nhân và nhiều người dân địa phương trên địa bàn. Ngoài ra, DN đã chủ động vay vốn, liên doanh liên kết với các đơn vị bên ngoài để trồng rừng và phát triển sản xuất.

Việc đầu tư rừng kinh tế công nghệ cao đưa năng suất rừng trồng tăng từ 2 đến 3 lần so với rừng trồng trước đây, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải - Quảng Trị đã chủ động xây dựng thương hiệu của mình, thực hiện hoạt động quản lý rừng bền vững của FSC. Cty đã được tổ chức GFA cấp chứng chỉ rừng bền vững trên toàn lâm phần gần 10 ngàn ha.

Việc chủ động hội nhập của các Cty đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Từ năm 2011, Cty đã khảo sát hiện trường để đưa vào thực hiện các hoạt động hợp tác đầu tư liên doanh trồng rừng, khoanh nuôi và làm giàu rừng với Tập đoàn Tài chính Lâm nghiệp Đức Forest Finance với diện tích hơn 1.000 ha rừng trồng bền vững, 1.000 ha rừng khoanh nuôi, xúc tiến làm giàu rừng để hướng tới tham gia thị trường carbon.

Lãnh đạo các Cty lâm nghiệp cho biết, sau hơn 7 năm sắp xếp chuyển đổi sang mô hình mới, họ đã thích nghi với cơ chế mới, đã tự chủ trong kinh doanh, xây dựng được kế hoạch phù hợp với khả năng lao động... Doanh thu năm 2014 tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2008, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đều vượt, điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn sau chuyển đổi.

Trong vấn đề tái cơ cấu lâm nghiệp ở Quảng Trị, ông Bài cho biết, đã chú trọng phát triển lâm nghiệp với các khâu giống, cây trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến, xuất khẩu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng nghề rừng, nâng cao giá trị SXNN, tạo thêm việc làm cho nông dân, giải quyết được vấn đề xã hội từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba yếu tố này tác động tương hỗ lẫn nhau, khi giá trị kinh tế được tăng lên, chất lượng sống nông dân được cải thiện nhờ nghề rừng thì giữa sản xuất và phát triển ngày càng gắn kết hơn. Hiện Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 473 ngàn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp, kể cả diện tích có rừng chiếm gần 300 ngàn ha.

Cần sớm tăng vốn điều lệ

Đại diện các Cty, các Ban quản lý rừng trăn trở là khi đi vào thực tế thì một số chính sách chuyển đổi chậm, chưa đồng bộ, như chính sách đất đai, tính đồng thuận của các địa phương trong việc cấp đất chưa cao. Vốn rừng chỉ cập nhật vốn đầu tư, tài sản Cty chưa được định giá, vốn điều lệ xác định thấp...

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế về quản lý, sử dụng đất rừng tự nhiên, giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, có cơ chế tài chính đối với các Cty lâm nghiệp để khi đủ điều kiện tiến hành cổ phần hóa.

Một số diện tích rừng đan xen đang áp lực lấn chiếm, tranh giành cần rà soát lại giao cho địa phương quản lý. Nên sớm nghiên cứu điều chỉnh khung định giá thuê sử dụng đất lâm nghiệp phù hợp với từng vùng, từng địa phương và sớm xây dựng lộ trình CPH sau khi được Nhà nước cho phép.

Điều bất cập không chỉ tồn tại ở các Cty mà còn ở các BQL rừng phòng hộ.

Ông Trần Văn Tý - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông cho biết, theo QĐ 186/2006 của Thủ tướng Chính phủ thì định suất tối thiểu 1.000 ha có một chuyên trách bảo vệ rừng và những BQL rừng phòng hộ có trên 20 ngàn ha rừng thì UBND cấp tỉnh tổ chức lực lượng kiểm lâm.

Nhưng từ khi thành lập tới nay ban này chỉ có 16 chuyên trách bảo vệ rừng, thiếu ít nhất 11 người và tỉnh chưa thành lập được lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng.

Sau khi đi kiểm tra thực tế từ các cánh rừng trở về, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ với các Cty, BQL rừng về những kết quả cũng như khó khăn đang gặp phải. Đó là khó khăn về vốn điều lệ quá thấp mà vay vốn Nhà nước không phải là dễ, nhanh ngày một ngày hai như mong muốn của DN. Trong khó khăn chung của đất nước, các Cty lâm nghiệp đã chủ động, sáng tạo tìm ra được hướng đi phù hợp, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển KT-XH và môi trường cho địa phương.

Ông Đồng đề nghị phải sớm tăng vốn điều lệ cho các Cty hoạt động hiệu quả hơn. Các Cty, các BQL rừng phòng hộ người ít, quản lý rừng nhiều, Nhà nước đầu tư vào rất ít, nhưng làm ăn hiệu quả, đời sống công nhân lâm nghiệp được nâng cao, công việc luôn hoàn thành là sự cố gắng rất đáng ghi nhận.

Ông Hà Sỹ Đồng chỉ đạo tiếp tục rà soát đất đai, tài nguyên rừng. Diện tích nào cần thiết giao lại cho địa phương thì làm sớm. Diện tích nào các Cty giữ lại phải có phương án sản xuất tốt, nâng cao hiệu quả quản lý rừng, tài nguyên bền vững sau khi sắp xếp.

Có phương án sản xuất liên doanh hiệu quả về KT-XH và môi trường, phát triển sản xuất lâm nghiệp góp phần chống biến đổi khí hậu. Chú trọng xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC để sớm đưa sản phẩm lâm nghiệp Quảng Trị hội nhập mạnh hơn nữa với thị trường thế giới.


Chế Biến Thủy Sản Ra Quân Chế Biến Thủy Sản Ra Quân Giá Lúa Chưa Như Kỳ Vọng, Nông Dân Vẫn Lãi Giá Lúa Chưa Như Kỳ Vọng, Nông Dân…