Tín hiệu lạc quan cho nông sản an toàn
Tín hiệu lạc quan cho đầu ra nông sản an toàn của Vĩnh Long- khi thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp đã có những động thái tích cực trong xúc tiến các chương trình hỗ trợ, kết nối cung cầu từ sản xuất đến tiêu thụ.
Trong ảnh: Lúa thơm Thiện Mỹ (Trà Ôn) được bao tiêu sản phẩm. ảnh: Thành Long
Triển vọng hình thành đầu mối cung cấp, phân phối nông sản
Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã có buổi kết nối với các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh nông sản tại Vĩnh Long nhằm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn.
Đây là chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long với VinEco tiến tới xây dựng bản đồ cung cấp và phân phối nông sản an toàn, thắt chặt mối quan hệ tương tác giữa nhà cung cấp và nhà phân phối.
Kết quả, 28 đề nghị liên kết được đề xuất, trong đó có các đề nghị liên kết về hỗ trợ vốn, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chuyển giao kỹ thuật.
Bà Ngô Thị Phương Anh- Trưởng Dự án Đồng hành hỗ trợ thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông nghiệp Việt (thuộc VinEco) cho biết: Dự án triển khai gói hỗ trợ 300 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng kiểm soát chất lượng và 250 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất.
Còn theo bà Đỗ Thị Lan Nhi- Phó Dự án chuyên trách kiểm soát chất lượng, quyền lợi của hộ sản xuất tham gia dự án được hỗ trợ về tư vấn, đào tạo quy trình sản xuất khép kín, các kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây trồng, công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.
Hướng dẫn hoàn thành các thủ tục để làm chứng nhận VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu mua toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo sản lượng kế hoạch đã cam kết.
Ngoài ra, các hộ sản xuất còn được hỗ trợ về tài chính để chi trả các chi phí làm chứng nhận hoặc đầu tư vào giống cây trồng, máy móc thiết bị, công nghệ,…
Bà Đỗ Thị Lan Nhi thông tin thêm, thời gian qua, một số sản phẩm chủ lực của Vĩnh Long đã lên kệ của VinEco ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc như khoai lang Thành Đông, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa. Đơn vị cung ứng đã đáp ứng tốt các yêu cầu của VinEco đề ra.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, qua khảo sát đánh giá vùng nguyên liệu nông sản của tỉnh, nhiều khả năng VinEco sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng vùng nguyên liệu cũng như hình thành mạng lưới cung cấp, phân phối nông sản an toàn tại Vĩnh Long.
Trong tháng 4 này, VinEco sẽ thu mua một số nông đặc sản chủ lực của tỉnh.
Nhiều mô hình liên kết được triển khai
Nhiều loại nông sản của Vĩnh Long được doanh nghiệp thu mua, sơ chế để cung cấp cho các siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh. ảnh: Thành Long
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp- PTNT đã kết hợp với Công ty TNHH 1TV Thương mại Hương Bưởi Mỹ Hòa xây dựng dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bưởi Năm Roi.
Công ty Lương thực Vĩnh Long triển khai cánh đồng lớn sản xuất tiêu thụ lúa chất lượng cao- an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh, sở cũng đã xây dựng 3 mô hình sản xuất trái cây an toàn cho nhãn, chôm chôm với CLB nông sản sạch vùng ĐBSCL.
Trong công tác thẩm định vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng hồ sơ đề nghị Trung tâm Kiểm dịch thực vật Vùng 6 cấp chứng nhận code xuất khẩu thị trường Mỹ cho nhãn tiêu da bò vùng sản xuất Tân Hạnh, nhãn Idor (Edor) Hòa Ninh, An Bình, chôm chôm Java Bình Hòa Phước (Long Hồ) và cấp chứng nhận code xuất khẩu thị trường Hàn Quốc cho xoài xiêm núm ở Quới An, Trung Chánh (Vũng Liêm).
Thông qua hỗ trợ của ngành nông nghiệp, thời gian qua, Công ty TNHH Công nghệ mới Korea thu mua hơn 20 tấn xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Doanh nghiệp Rồng Đỏ cũng đã tiếp cận vùng sản xuất nhãn Tân Hạnh, Hòa Ninh, An Bình với các mặt hàng nhãn tiêu da bò, Idor, xuồng cơm vàng. Đến nay Tổ hợp tác nhãn Idor Hòa Ninh đã cung cấp 4 chuyến với hơn 30 tấn nhãn xuất khẩu.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, mô hình lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc đã được tăng thêm 30ha tại Ấp 6B, nâng tổng diện tích hiện tại lên trên 70ha. Trước đó ở vụ Đông Xuân, mô hình được duy trì mở rộng trên tổng diện tích 40,85ha.
Mô hình do Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mới đây, một doanh nghiệp tại Cần Thơ đầu tư tại xã Phú Lộc 1,5ha trồng khổ qua rừng. Dự kiến doanh nghiệp này sẽ mở nhà máy sơ chế tại đây nhằm cung cấp nguyên liệu sản xuất trà khổ qua rừng.
Tại huyện Vũng Liêm, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Phân bón Bình Điền và các doanh nghiệp đã thu mua xoài xiêm núm, bưởi da xanh, lúa trong cánh đồng lớn.
Huyện cũng đã kết nối với Công ty TNHH Kỹ thuật cao Việt Nam hợp đồng bao tiêu 50,8ha xoài xiêm núm ở Quới An, Trung Chánh với sản lượng thu mua 2 vụ khoảng 95 tấn.
Còn tại huyện Bình Tân, mô hình cây đậu bắp xanh với diện tích gần 10ha ở xã Tân Bình sản xuất theo hướng VietGAP được Công ty Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu sản phẩm ổn định với sản lượng 25- 30 tấn/ha mỗi vụ.
Công ty TNHH Thương mại Tùng Lâm chuyển giao mè giống cho các xã Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Bình, Thành Lợi xuống giống 16ha gắn liền với hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Riêng TX Bình Minh, Công ty TNHH 1TV Thần Nông liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống tại xã Đông Thạnh, với quy mô liên kết 30,4ha, sản lượng bao tiêu trên 565 tấn. Giá thu mua cao hơn giá thị trường 300- 800 đ/kg. Công ty hỗ trợ lúa giống, công gieo mạ, cấy và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, trước những tín hiệu mới trong sản xuất nông sản an toàn, hộ sản xuất cần liên kết lại tạo vùng nguyên liệu lớn, thay đổi tập quán sản xuất cái thị trường cần, an toàn và truy xuất nguồn gốc, ký kết hợp đồng cần giữ chữ tín.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ