Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 6/2018
TÌNH HÌNH CHUNG
Theo Bộ NN&PTNT, sáu tháng đầu năm 2018, sản xuất toàn ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh; tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đã đề ra và đạt mức cao. Dự kiến GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng từ 3,95% – 4,05%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây; giá trị sản xuất NLTS tăng trưởng 4,2%; trong đó, trồng trọt tăng 4,12%, chăn nuôi tăng 2,04%, lâm nghiệp tăng 5,21%, thuỷ sản tăng 6,49%. Kết quả trên lĩnh vực chăn nuôi cụ thể như sau:
Hoạt động sản xuất chăn nuôi nhìn chung thuận lợi, tuy đầu năm bị ảnh hưởng của đợt rét đậm kéo dài, nhưng do được dự báo trước và Bộ đã kịp thời phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi chuẩn bị phòng, chống tốt nên thiệt hại không đáng kể; dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, chủ yếu xảy ra nhỏ lẻ (hộ gia đình); thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, gia cầm ổn định; chăn nuôi lợn bắt đầu có dấu hiệu tái đàn khi giá thịt lợn hơi tăng cao. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu được sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6 năm 2018, ước đàn bò có 5,58 triệu con, tăng 2,2%, trong đó bò sữa có 310 nghìn con, tăng 5,6%; đàn trâu có 2,48 triệu con, giảm 1%; đàn gia cầm khoảng 378 triệu con, tăng 5,2%; đàn lợn có 26,42 triệu con, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017.
So với 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 3,27 triệu tấn, tăng 3,49%; trong đó, thịt bò đạt 185,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; thịt trâu đạt 50,8 nghìn tấn, tăng 1,2%; thịt lợn đạt 2,19 triệu tấn, giảm 1%; thịt gia cầm đạt 608 nghìn tấn, tăng 6,1%; sữa đạt 470 nghìn tấn, tăng 8,2%; trứng đạt 6,27 tỷ quả, tăng 11,3%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi đạt 9.053 nghìn tấn, tăng 5,7%.
Dịch bệnh: Theo Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm 30/06/2018, tình hình dịch bệnh trong cả nước như sau:
Dịch Cúm gia cầm (CGC)
- Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
- Hiện nay, cả nước không có dịch Cúm Gia cầm.
Dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM)
- Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
- Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.
Dịch Tai xanh trên lợn
- Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
- Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.
Nhận định tình hình dịch
- Cúm gia cầm: Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
- Lở mồm long móng: Nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao. Do đó, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
- Tai xanh trên lợn: Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (văn bản số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) và thông báo lưu hành vi rút LMLM và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (công văn số 2168 /TY-DT ngày 05/10/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI TRONG NƯỚC
Giá lợn hơi trong nước biến động giảm trong quý I/2018 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 4 và tháng 5/2018. So với cuối năm 2017, giá lợn hơi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 16.000 đ/kg lên 43.000 – 46.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc cũng tăng 11.000 – 12.000 đ/kg lên 43.000 – 47.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tăng 12.000 – 16.000 đ/kg lên 42.000 – 45.000 đ/kg. Giá lợn hơi tăng do nguồn cung giảm so với trước.
Trái ngược với xu hướng giá thịt lợn, giá thịt gà trong 5 tháng qua không có sự khởi sắc do nguồn cung tăng. So với cuối năm 2017, giá gà thịt lông màu khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long giảm 3.000 đ/kg xuống còn 37.000 – 38.000 đ/kg. Giá gà thịt hai khu vực này tăng nhẹ 1.000 đ/kg lên 28.000 – 29.000 đ/kg. Giá thu mua trứng gà tại trại vẫn giữ mức 1.850 đ/quả. Giá thu mua trứng vịt tăng nhẹ 50 – 100 đ/quả lên 2.200 – 2.350 đ/quả. Dự báo, giá thịt lợn trong tháng 6/2018 sẽ không tăng nhiều do vào mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm đi.
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5/2018 ước đạt 335 triệu USD, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 1,61 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2018 là Achentina, Hoa Kỳ, và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 38,1%, 15,6% và 8,6% tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Các thị trường có giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Braxin (gấp gần 9 lần), Trung Quốc (44%), Thái Lan (42,4%) và Hoa Kỳ (28,6%).
Đậu tương:
Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 5/2018 đạt 150 nghìn tấn với giá trị 68 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu đậu tương trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 712 nghìn tấn và 310 triệu USD, giảm 2,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Ngô:
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 5/2018 đạt 859 nghìn tấn với giá trị đạt 173 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 3,91 triệu tấn và giá trị đạt 770 triệu USD, tăng 26,3% về khối lượng và tăng 23,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 4 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt là 69,2% và 15,8% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2018 là Ấn Độ (gấp hơn 11 lần) và Achentina (gấp hơn 3 lần). Thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng ngô giảm mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan với mức giảm là 82,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Lúa mì:
Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 5/2018 đạt 708 nghìn tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 2,44 triệu tấn và 568 triệu USD, tăng 13,2% về khối lượng và tăng 28,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 4 tháng đầu năm 2018 là Nga, Úc và Canada với thị phần lần lượt là 43,2%, 30,9% và 8,9%. Các thị trường có giá trị nhập khẩu lúa mì tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Hoa Kỳ (gấp 47,8 lần ) và Nga (gấp 15,6 lần).
Sữa và SP từ sữa:
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam trong tháng 5/2018 tăng trở lại so với tháng 4 tăng 2,2% đạt 86,1 triệu USD, nâng kim ngạch 5 tháng đầu năm 2018 lên 421,6 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017.
New Zealand thị trường chính nhập khẩu sữa của Việt Nam chiếm 35,8% tỷ trong, tuy nhiên 5 tháng đầu năm 2018 kim ngạch nhập từ thị trường này chỉ tăng 75,96% đứng thứ hai sau Nhật Bản tăng 88,37%.
New Zealand tiếp tục là thị trường chính Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm, chiếm 35,8% tổng kim ngạch, với 151,1 triệu USD, tăng 75,96% so với cùng kỳ 2017, tính riêng tháng 5 kim ngạch nhập từ thị trường này 21,7 triệu USD giảm 33,17% so với tháng 4/2018 nhưng tăng 33,38% so với tháng 5/2017.
Đứng thứ hai là thị trường Singpaore với 49,2 triệu USD, giảm 2,23% so với cùng kỳ, nhưng tính riêng tháng 5/2018 lại tăng 14,2% so với tháng 4/2018. Kế đến là thị trường Mỹ, Đức, Thái Lan….
Nhìn chung, 5 tháng đầu năm 2018, tốc độ nhập khẩu sữa và sản phẩm từ các thị trường đều tăng trưởng kim ngạch, chiếm 52,9% trong đó nhập từ Nhật Bản tăng mạnh nhất 88,37% tuy kim ngạch chỉ đạt 11,8 triệu USD, tính riêng tháng 5/2018 kim ngạch nhập từ thị trường này đạt 3,9 triệu USD, tăng 81,21% so với tháng 4 và tăng đột biến gấp 2 lần (tức tăng 171,58%) so với tháng 5/2017. Ở chiều ngược lại, thị trường với kim ngạch suy giảm chiếm 47%, trong đó nhập từ Ireland và Đan Mạch giảm trên 50%, giảm lần lượt 53,86% và 52,13% tương ứng 6,7 triệu USD; 569,5 nghìn USD.
Thị trường nhập khẩu sữa 5 tháng đầu năm 2018
Thị trường | T5/2018 (USD) | +/- so với tháng 4 (%) | 5T đầu năm 2018 (USD) | +/- so với cùng kỳ 2017 (%) |
New Zealand | 21.706.022 | -33,17 | 151.114.600 | 75.96 |
Singapore | 12.348.943 | 14,2 | 54.633.853 | -2.23 |
Hoa Kỳ | 11.651.825 | 83,16 | 49.239.476 | 50.99 |
Đức | 5.255.890 | -32,47 | 26.304.688 | 25.54 |
Thái Lan | 5.066.958 | 45.38 | 25.518.986 | 11.85 |
Hà Lan | 3.728.772 | -3.31 | 15.716.090 | -13.93 |
Malaysia | 3.440.522 | 3.46 | 14.876.406 | -12.56 |
Pháp | 3.115.945 | 47.15 | 13.872.456 | 5.56 |
Nhật Bản | 3.967.381 | 81.21 | 11.857.280 | 88.37 |
Australia | 2.100.149 | -16.24 | 10.786.687 | -39.18 |
Ba Lan | 4.409.440 | 263.9 | 6.940.106 | -49.59 |
Ireland | 991.656 | -27.52 | 6.734.304 | -53.86 |
Tây Ban Nha | 1.493.262 | 93.56 | 5.263.909 | 48,63 |
Hàn Quốc | 1.364.053 | 30.84 | 4.565.400 | 17.91 |
Philippines | 697.853 | 565.98 | 2.001.023 | 24.25 |
Bỉ | 555.422 | 75.63 | 1.279.625 | -9,95 |
Đan Mạch | 129.218 | 76.2 | 569.552 | -52,13 |
(Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)
Sắn và các sản phẩm từ sắn XK:
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 5 năm 2018 ước đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 91 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,3 triệu tấn và 460 triệu USD, giảm 25,6% về khối lượng nhưng tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 88,4% thị phần, giảm 25,5% về khối lượng nhưng tăng 2,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ