Tin thủy sản Tôm bố mẹ sạch bệnh từ Hawaii đối mặt với sự toàn cầu hóa

Tôm bố mẹ sạch bệnh từ Hawaii đối mặt với sự toàn cầu hóa

Tác giả Anh Chi (Theo GAA), ngày đăng 24/06/2017

Tôm bố mẹ sạch bệnh từ Hawaii đối mặt với sự toàn cầu hóa

Trong hai mươi năm, Hawaii đã dẫn đầu về tôm sạch bệnh SPF cũng như dẫn đầu về tăng trưởng của nền công nghiệp nhiều tỉ đô này.

Tôm bố mẹ sạch bệnh từ Hawaii đối mặt với sự toàn cầu hóa

Ảnh: Cơ sở cho đẻ và ấp trứng của Kona Bay Marine Resources ở Kona, Hawaii.

Jim Wyban nhớ lại lần thử nghiệm tôm SPF (Specific Pathogen Free) đầu tiên. Tôm được nuôi trong một cơ sở được cách ly ở Hawaii, mục đích là tạo ra tôm giống không bệnh để phục vụ nội địa, khi trước đó nhiều năm dịch bệnh đã xảy ra nghiêm trọng ở các trang trại nuôi tôm ở Mỹ.

Vào cuối vụ nuôi, tôm không những sống mà còn phát triển tốt. Hậu ấu trùng SPF phát triển nhanh hơn và lớn hơn so với tôm từ các đàn bố mẹ khác, Wyban nói: “Kết quả thực sự tốt”.

Đó là năm 1991, và trong 25 năm sau, tôm bố mẹ SPF đã làm thay đổi nghề nuôi tôm trên toàn thế giới. Việc nuôi tôm bố mẹ sạch bệnh nổi lên như là một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó, với Hawaii là trụ sở chính của cái gọi là “thương hiệu” SPF.

Hiện ngành công nghiệp này phải đối mặt với những thay đổi. Bước tiếp theo để cho tôm sinh sản sẽ không chỉ tạo ra các hậu ấu trùng tôm sạch bệnh mà còn kháng bệnh. Ngành này cũng đang toàn cầu hóa, với sự gia tăng số lượng các nhà cung cấp tôm bố mẹ mở các chi nhánh ở nước ngoài. Nhưng các nhà lai tạo tôm bố mẹ ở bang Aloha không lo lắng, họ cho rằng tôm SPF ở Hawaii vẫn tồn tại lâu dài.

Sự phát sinh của một ngành công nghiệp

Câu chuyện về tôm SPF bắt đầu bằng một chương trình nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp Mỹ tài trợ vào cuối những năm 1980. Mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển của ngành nuôi tôm nội địa tại Mỹ.

Câu hỏi của ngày đó là: “Tại sao chúng ta lại đi nhập khẩu tất cả các con tôm này khi mà chúng ta có thể tự nuôi được chúng?”, Wyban, người đã từng là nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học ở Hawaii, một trong những tổ chức tham gia chương trình này. Wyban là nghiên cứu viên chính của chương trình.

Các nhà nghiên cứu đã có các trao đổi với những người nuôi tôm ở Mỹ, và họ đã nhất trí rằng một trong những khó khăn lớn nhất của người nuôi là dịch bệnh trên tôm.

Wyman nói rằng: “Một trong những điều chúng ta thấy là các căn bệnh đã bắt đầu quay trở lại các trại sản xuất giống, hậu ấu trùng (PL) đã mắc những bệnh này”.

Nhóm nghiên cứu đã đề ra kế hoạch phát triển một chương trình sinh sản nhằm sản xuất tôm sạch bệnh ngay từ đầu. Bằng cách sàng lọc lặp đi lặp lại các PL, và nuôi chúng trong một cơ sở được cách ly ở Kona, các PL đã phát triển thành tôm không mang các mầm bệnh chính. Con của thế hệ tôm thứ nhất này - tôm sạch bệnh - đã được chuyển giao cho những người nuôi tôm tham gia chương trình.

James Brock, người đã từng là chuyên gia về bệnh thủy sản tại Hawaii lúc đó cho biết: Khái niệm này được mượn từ các quy trình sàng lọc đã được sử dụng từ những năm 1940 để phát triển các động vật sạch phục vụ thí nghiệm, như các loài chuột dùng nghiên cứu trong nhân y.

“Mọi người đều ủng hộ mục tiêu đang được tìm kiếm, bắt đầu với chất lượng con giống tốt nhất có thể để sử dụng trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở Hawaii”, James Brock nói.

Các công ty ở Hawaii sớm đã phát triển các chương trình cho tôm sinh sản với mục đích thương mại.

Steve Arce, giám đốc Dịch vụ kỹ thuật của Kona Bay Marine Resources ở Kauai, Hawaii cho biết: “Loại này đã tạo ra một ngành công nghiệp mới, và đó là sự phát triển của tôm bố mẹ SPF. Xuất phát từ không có gì để thành ngành công nghiệp hàng triệu USD”.

Tôm SPF di chuyển về Châu Á.

Nhiều công ty nuôi tôm bố mẹ đã tìm thấy một thị trường mới ở Châu Á, nơi các trang trại nuôi tôm đã bị tàn phá bởi một đợt bùng phát virus gây hội chứng đốm trắng.

George Chamberlain, chủ tịch của Kona Bay Marine Resources, cho biết: “Điều tất cả các công ty phải làm là nuôi tôm hậu ấu trùng SPF thành tôm bố mẹ và đưa chúng tới châu Á, và đây là một ngành kinh doanh phát đạt. Theo thời gian, nhiều công ty chọn tạo giống cũng chọn lọc những đặc điểm về năng suất, kích cỡ và sức đề kháng bệnh, phát triển một con vật được cải tiến về mặt di truyền”, ông nói thêm.

Sự phát triển của ngành công nghiệp nuôi tôm bố mẹ SPF không suôn sẻ. Tiếp theo thành công ban đầu là một số trở ngại, đặc biệt là trong số những người nuôi tôm, có người không hiểu rằng SPF chỉ là tình trạng sức khoẻ - chứ không phải là sức đề kháng di truyền đối với bệnh tật. Các trang trại không an ninh sinh học để bảo vệ các đàn tôm không bị nhiễm mầm bệnh trong môi trường liên tục có tôm bị chết do bệnh tật. Brock gọi đó là một “ trò đánh bạc rủi ro rất cao” khi thả nuôi tôm SPF đắt tiền trong ao mở và hy vọng chúng sẽ không bị bệnh.

Arce nói: “Tôm (SPF) không phải là cái gì tuyệt vời cả, chúng chỉ đem đến cho người ta một sự khởi đầu. Đó là lý do tại sao rất quan trọng khi có một môi trường nuôi an ninh sinh học hợp lý”.

Theo thời gian, khi người nuôi tôm học cách sử dụng sản phẩm, nhu cầu tăng cao, và vì thế sản lượng tôm ở các nước như Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc cũng tăng. Sản lượng tôm toàn cầu không thay đổi trong suốt những năm 1990, khoảng 1 triệu tấn/năm, gấp bốn lần ngay sau khi tôm SPF được đưa vào sử dụng vào cuối thế kỷ. Với sự xuất hiện của các bệnh mới kể từ đó, đã có nhu cầu tôm phải kháng được nhiều loại bệnh, Chamberlain cho biết.

“Thật đáng tiếc, mục tiêu chính của việc phát triển nuôi tôm ở Mỹ lại không xảy ra. Thay vào đó, các đàn tôm bố mẹ chủ yếu là đến châu Á, nơi mà người ta rất cần đến chúng”, Chamberlain nói.

Hiểu “Specific” là gì?

Vẫn tiếp tục có hiểu sai về nghĩa của “SPF”, Victoria Alday-Sanz, giám đốc chương trình an ninh sinh học và sinh sản của NAQUA ở Ả rập Saudi nói. SPF không phải là một tính trạng di truyền được, mà chỉ là “tình trạng sức khỏe”, Alday-Sanz lưu ý. Và tình trạng đó bị mất ngay khi tôm bị phơi nhiễm với các mầm bệnh ở bên ngoài do mức độ an ninh sinh học thấp hơn.

Tôm SPF không nhất thiết phải sạch hết tất cả các mầm bệnh, chỉ là sạch các mầm bệnh “cụ thể” - và không có sự thống nhất về danh sách các mầm bệnh sẽ xác định là SPF.

“Thông thường, SPF được tham khảo từ danh sách các mầm bệnh của Tổ chức Thú y Thế giới–,, nhưng không nhất thiết. Thay vào đó, các mầm bệnh cụ thể được xác định bởi các nhà cung cấp và khách hàng”, Alday-Sanz nói.

Alday-Sanz nhận thấy tương lai của tôm SPF không chỉ là sạch bệnh mà còn là kháng bệnh - cho phép chúng được sử dụng trong các ao nuôi có ít hoặc không có an ninh sinh học. Ở nơi mà các quần thể SPF đầu tiên đã được phát triển từ các nguồn tôm thì ở đó đã được bảo vệ kỹ càng để tránh khỏi dịch bệnh, Alday-Sanz đã có tiếp cận ngược lại.

Bà cho biết: “Chúng tôi đã phát triển các dòng SPF từ tôm tiếp xúc với tất cả các loại mầm bệnh qua nhiều thế hệ và đã cho thấy sức chịu đựng/kháng lại một số mầm bệnh. Quá trình này đã được đặt tên là ‘SPF đảo ngược’”.

Bà cho biết việc đưa các đàn tôm này vào Ả rập Saudi sau khi ngành tôm của nước này bị xóa sổ bởi virus gây hội chứng đốm trắng vào năm 2013 đã dẫn tới “sự hồi phục hoàn toàn của ngành tôm”.

Mặc dù thừa nhận vai trò của nhà tạo giống Hawaii trong việc tiên phong phát triển tôm SPF và cung cấp nguồn tôm SPF ban đầu cho ngành tôm, nhưng Alday-Sanz cho rằng ngành này đang chuyển theo hướng toàn cầu hơn. Ngày nay, CP Thái Lan là một trong những nhà cung cấp chính tôm bố mẹ SPF.

“Tôi tin rằng hiện vai trò hàng đầu của tôm SPF không còn ở Hawaii nữa. Thành tích của các đàn tôm khác (tức CP) đã vượt qua Hawaii và đang có nhu cầu cao hơn”, Alday-Sanz nói.

Robins McIntosh của CP Thái Lan đồng ý như thế. Trong khi những người nuôi tôm SPF ở Hawaii đã chỉ ra sự cô lập về địa lý của hòn đảo này như là một lợi thế trong việc sản xuất bố mẹ sạch bệnh, thì McIntosh nói rằng Hawaii không có sự độc quyền về an ninh sinh học.

Ông nói: “Bạn có thể tạo ra một cơ sở sinh sản có an ninh sinh học ở bất cứ nơi đâu”, ông mô tả cơ sở của CP ở Thái Lan như là một “hòn đảo nội địa” được cách ly khỏi các nguồn ô nhiễm tiềm tàng.

“Lợi thế là sự gần gũi của chúng tôi với thị trường. Chúng tôi không bị khó khăn khi lên kế hoạch cho công việc. Bạn hiểu được những gì nông dân cần và có thể xây dựng các giải pháp cho vật nuôi nhanh hơn nếu như được cách ly”, ông nói thêm.

Đồng thời ông cũng thừa nhận: “Bất lợi là bạn phải thuyết phục người ta rằng tôm của bạn đúng là tôm SPF, bởi vì Hawaii có sự liên kết đó”.

Đi trước 20 năm

Brock tin tưởng Hawaii sẽ tiếp tục cạnh tranh ở thị trường tôm SPF, nhưng khi nhu cầu gia tăng thì Hawaii có lẽ không có năng lực để sản xuất một lượng khổng lồ tôm có chất lượng cao để xuất khẩu, để lại cơ hội cho sự phát triển của quốc tế nhiều hơn.

Wyban, sau khi rời OIE vào những năm 1990, đã thành lập công ty tôm bố mẹ High Health Aquaculture, cho biết vị trí của Hawaii như là “động lực đầu tiên” trong việc phát triển tôm SPF sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn trong những năm tới.

Wyban nói: “Hawaii đã vượt xa mọi người khác. Sẽ mất rất nhiều thời gian để bắt kịp”.

Hơn hai mươi năm xây dựng thương hiệu như là tiêu chuẩn vàng cho tôm SPF, Hawaii có những lợi thế về địa lý mà sẽ khó vượt qua được. Sự xa xôi của hòn đảo và sự cô lập khỏi các quần thể tôm bị bệnh phổ biến hiện nay được hỗ trợ bởi sự giám sát chặt chẽ từ Bộ Nông nghiệp trong việc kiểm soát sự di chuyển tôm đi vào và di chuyển bên trong quần đảo.

“Khí hậu thích hợp, sự cách ly thích hợp, nguồn nước biển có chất lượng rất tốt và không mang bệnh, đó là những lợi thế vô cùng to lớn. Bạn có thể thực hiện mà không có chúng? Có thể được, nhưng chi phí sẽ gấp 10 lần và có rất nhiều rủi ro”.

Wyban thừa nhận ngành tôm SPF sẽ thay đổi, nhưng nói thêm là ông không nghĩ rằng những thay đổi này sẽ thế chỗ Hawaii được trong một sớm một chiều.

Ông nói: “Sẽ có một số thành công ở những nơi khác, và có một số công ty có thể làm được, nhưng tôi nghĩ Hawaii sẽ tiếp tục thống trị trong ngành này”.


Cách mới trong điều trị rận biển ký sinh trên cá hồi Cách mới trong điều trị rận biển ký… Lai tạo giống cá có khả năng tự miễn nhiễm với bệnh tuyến tụy Lai tạo giống cá có khả năng tự…