Tôm chết hàng loạt, người nuôi ở Sóc Trăng lao đao
Niên vụ tôm nuôi 2015, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục là điểm nóng của việc tôm nuôi bị thiệt hại. Đáng quan ngại nhất là một số địa phương, môi trường bị biến động, dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan và bùng phát mạnh.
Ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài cùng môi trường bị biến động mạnh vào đầu mùa mưa đã làm tôm nuôi tại các địa phương của tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng. Tính đến cuối tháng 6 này, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên toàn tỉnh lên đến khoảng 5.500 ha, chiếm hơn 29% diện tích đã thả nuôi.
Ông Phạm Văn Giết, ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết, tôm sú của gia đình đã nuôi được hơn 2 tháng và phát triển tốt, nhưng thời tiết bất lợi đã làm hơn 20.000 con tôm gia đình thả nuôi trên diện tích 6.000m2 bị sốc và thiệt hại hoàn toàn.
“Tôm trong thời gian 45 - 50 ngày tuổi vẫn phát triển tốt, bắt đầu từ 55 - 60 ngày là có hiện tượng rồi, nó chết hàng loạt. Theo tôi nghĩ thì là do thời tiết, khí hậu; thứ hai là có lẽ do hoại tử gan tụy. Nhưng chết một cách đột ngột, chỉ trong 3 - 4 ngày là chết sạch luôn” – ông Giết nói.
Theo thông tin giám sát dịch bệnh của các trạm thú y tại các địa phương trong tỉnh, cho thấy, có hơn 70% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là do bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng, 25% do biến đổi môi trường, còn lại là do các nguyên nhân khác; trong đó, tập trung nhiều trên tôm trong giai đoạn từ 20 đến 45 ngày tuổi. Trong đó huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu là nặng nề nhất.
Ông Trần Quốc Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết, tính đến thời điểm này, địa phương đã ghi nhận hơn 2.500ha diện tích tôm thiệt hại, chiếm hơn 20% diện tích đã thả nuôi; phần lớn đều do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường và dịch bệnh. Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thả nuôi tại địa phương: “Diện tích thiệt hại hiện giờ do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường cũng chiếm khoảng 20% diện tích thả nuôi. Hiện giờ, Mỹ Xuyên cũng mới thả được 11 nghìn ha, chiếm khoảng 60% kế hoạch. Diện tích còn lại chúng tôi khuyến cáo bà con xử lý nước, lấy nước như thế nào, tiếp tục chọn giống, chăm sóc đàn tôm, cố gắng trong tháng 7 là hoàn thành”.
Theo Chi Cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, tại một số địa phương có diện tích tôm thiệt hại lớn, hiện dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan rộng. Đặc biệt là hiện nay đang ở giai đoạn đầu mùa mưa, điều kiện môi trường ao nuôi biến động khó kiểm soát, vì vậy, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại và bị bệnh còn dự báo sẽ tăng. Chi Cục Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, người nuôi nên tạm ngưng thả giống đối với những vùng đang có dịch, đến khi điều kiện môi trường ổn định sẽ tiếp tục thả nuôi. Đồng thời, Chi Cục Thú y tỉnh sẽ tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tại các địa phương đang có diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.
Thạc sĩ Trần Tuấn Phong, Phó trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng nói: “Chi cục thì sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên các vùng nuôi cũng như là tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống nhằm đảm bảo chất lượng nguồn giống tốt nhất. Khi mà dịch bệnh làm thiệt hai tôm nhiều quá, lây lan nhanh và có chiều hường diễn biến phức tạp, khi đủ điều kiện thì Chi Cục Thú y sẽ tham mưu công bố dịch tại vùng đó để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.
Hiện, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi tôm nước lợ đạt gần 20 nghìn ha, chiếm hơn 40% kế hoạch. Như vậy, tỉnh còn khoảng 35 nghìn ha, dự kiến sẽ được người nuôi tiếp tục thả trong thời gian tới. Và với tình hình thời tiết bất lợi, dịch bệnh như thế, sẽ là thách thức rất lớn đối với bà con nuôi tôm hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ