Tôm giống bố mẹ: Không phụ thuộc ngoại nhập
Việc chỉ lo nuôi trồng chế biến xuất khẩu mà “bỏ quên” công tác làm giống, nhất là xây dựng phát triển nguồn tôm giống bố mẹ khiến cho việc sản xuất tôm ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Chỉ lo phần ngọn
Theo thống kê, tôm giống bố mẹ nhập ngoại trên 90%, nhất là sản xuất tôm thẻ chân trắng; với tôm sú, nguồn tôm bố mẹ cũng ngày càng khan hiếm do đánh bắt nhiều. Chỉ một số rất ít doanh nghiệp đầu tư gia hóa tôm bố mẹ. Do không chủ động nguồn tôm, nên nhiều ý kiến cho rằng các cơ sở làm tôm giống đã “khai thác tôm bố mẹ quá sức” khiến cho chất lượng tôm giống càng về sau càng kém đi.
Đối với tôm giống trôi nổi, theo ông Dương Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng, rất khó xác định được chất lượng, tôm giống trôi nổi được bán với giá rẻ hơn các công ty 15 - 20%, nhưng không rõ chất lượng tôm bố mẹ ra sao. Còn theo kỹ sư Võ Đông Đức, một chuyên gia trong ngành giống: “Trước kia, người dân quan niệm nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, nhưng theo quan niệm hiện đại thì con giống phải được đặt lên đầu tiên, vì nếu con giống kém chất lượng thì việc chăm sóc chu đáo cũng không thể cải thiện được năng suất”.
Theo quy định, việc thuần dưỡng và sử dụng tôm bố mẹ trong được phép diễn ra trong vòng 4 tháng; song do thiếu con giống, muốn hạ giá thành, các cơ sở làm giống nhỏ lẻ vẫn sử dụng tôm bố mẹ trong thời gian rất dài. Ông Dương Hùng chia sẻ: “Trong khi chúng tôi sản xuất tôm giống rất đúng quy trình nhà nước, giá thành dĩ nhiên phải cao hơn, các trang trại sản xuất không rõ nguồn gốc lại bày bán giống tôm giá rẻ khắp nơi, chất lượng rất kém, khiến chúng tôi có nhiều thời điểm lao đao”. Không phải ngẫu nhiên mà đa số các cơ sở nuôi tôm có năng suất cao hiện nay đều sử dụng giống tốt của các nhà máy, các trại giống uy tín. Một số hộ nuôi tôm ở Đồng Nai cho biết, sau khi sử dụng giống tôm tốt, tỷ lệ nuôi tôm thành công của họ tăng lên 100% so trước đây.
Kiểm soát giống nhập và gia hóa
Tham quan một trại giống tôm của Công ty C.P. Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng nguồn tôm giống do chính Thái Lan gia hóa phát triển. Các chuyên gia Thái Lan cho biết: “Chúng tôi đã gia hóa đàn tôm bố mẹ gần 20 năm, tất cả đều có lý lịch rõ ràng. Việc quản lý đàn tôm giống bố mẹ này rất ngặt nghèo và khoa học. Do tôm không sống trong tự nhiên mà được gia hóa nên được chăm sóc rất đặc biệt, có thức ăn riêng, sử dụng nước uống riêng, sống trong môi trường hoàn toàn sạch bệnh”. Một số chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ các công ty sản xuất tôm giống Thái Lan vẫn còn cung cấp tôm giống bố mẹ là do Thái Lan chưa khống chế được dịch bệnh và việc nuôi trồng còn hạn chế. Nếu nuôi trồng phục hồi, tôm giống bố mẹ được sử dụng nhiều tại Thái Lan thì nguồn cung cấp cho các nước khác, trong đó có Việt Nam sẽ bị thiếu hụt rất nhiều.
Để kiểm soát việc nhập khẩu tôm bố mẹ để sản xuất tôm giống, Tổng cục Thủy sản đã cập nhật toàn bộ và công khai thông tin trên trang tin điện tử Tổng cục Thủy sản, như một biện pháp để người dân tin tưởng vào nguồn tôm giống bố mẹ. Cùng đó, các địa phương và doanh nghiệp cũng nâng cao nhận thức, quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, để gia hóa phát triển đàn tôm giống bố mẹ tại Việt Nam là một bài toán lâu dài, có thể cần tới 15 - 20 năm. Do vậy, việc nhập khẩu tôm giống là điều tất yếu; nhưng các doanh nghiệp, các viện và trung tâm cũng cần xây dựng nguồn tôm giống bố mẹ để giảm chi phí sản xuất giống; đồng thời chủ động nguồn tôm giống bố mẹ nhằm giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ