Tin thủy sản Tôm giống chất lượng, thành công sẽ cao

Tôm giống chất lượng, thành công sẽ cao

Tác giả Tích Chu, ngày đăng 19/08/2020

Tôm giống chất lượng, thành công sẽ cao

TS. Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã nhấn mạnh đến một trong những yếu tố then chốt giúp cho vụ nuôi thành công chính là chất lượng con giống. Vì thế, theo TS. Luân, việc kiểm tra chất lượng tôm giống phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo cho người dân có con giống tốt để có vụ nuôi thành công cao hơn.

Những hộ nuôi thâm canh, bán thâm canh đều chọn tôm giống chất lượng của các doanh nghiệp có uy tín. Ảnh: Tích Chu

Rạng sáng ngày 6-6, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản làm trưởng đoàn, phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)) và các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN-PTNT Bạc Liêu kiểm tra đột xuất chợ tôm giống trên Quốc lộ 1A, thuộc Khóm 2, Phường 1, TX. Giá Rai, Bạc Liêu. Đây được xem là chợ tôm lớn nhất ở Bạc Liêu khi vào cao điểm thả nuôi mỗi đêm có khoảng 100 triệu tôm post được giao dịch, chủ yếu là từ các tỉnh miền Trung đưa vào và phần lớn đều có giấy kiểm dịch cũng như hóa đơn xuất hàng. Còn tại vùng tôm – lúa của tỉnh Sóc Trăng, theo anh Trần Văn Tiến ở Hợp tác xã (HTX) Hòa Đê (Hòa Tú 1), vẫn có tôm giống trôi nổi được chào bán nhưng chỉ có số ít hộ nuôi quảng canh là mua tôm giống này, còn lại đều mua của doanh nghiệp có uy tín.

Liên quan đến chất lượng con giống, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận cảnh báo rằng, các tháng đầu năm, do thiếu hụt lượng con giống bố mẹ nên xuất hiện tình trạng một số cơ sở sản xuất giống sử dụng nguồn giống bố mẹ không rõ nguồn gốc hay tận dụng con giống bố mẹ hết đát… Ông Nguyễn Hoàng Anh đề xuất: “Cần minh bạch hóa nguồn gốc giống bố mẹ, kể cả khi bán nauplius cũng phải xuất hóa đơn để có thể truy xuất nguồn gốc. Riêng các chợ tôm giống ở đồng bằng sông Cửu Long, công tác quản lý còn rất lỏng lẻo, chưa có tiêu chí hay quy định cụ thể gì, đặc biệt là tại các vùng nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến lớn ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… Theo tôi, liên kết tốt nhất là để doanh nghiệp chế biến làm đầu mối chung để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống”.

Bước sang đầu quý II, khi thị trường Trung Quốc bắt đầu tiêu thụ tôm tăng trở lại, tiến độ thả tôm cũng tăng dần lên nên theo ông Trần Quốc Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu con giống cho các vùng nuôi. Hiện mỗi tháng, Việt Úc có thể cung ứng từ 3 tỉ tôm post trở lên, đảm bảo được tiến độ thả nuôi theo kế hoạch. Đúng như dự đoán của doanh nghiệp và ngành chức năng, từ tháng 5 đến nay, khi giá tôm có phần ổn định và đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu có mưa, tiến độ thả tôm tại hầu hết các vùng nuôi đều có sự cải thiện đáng kể so với 4 tháng đầu năm. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu về con giống sẽ tăng mạnh và cũng là cơ hội để con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có dịp len lỏi về tận vùng nuôi, nhất là những vùng nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến.

Mặc dù tôm giống đã có giấy kiểm dịch nhưng người nuôi vẫn cẩn thận kiểm tra lại lần cuối trước khi thả nuôi.

Đây là thời điểm chính vụ để người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thả giống nên lượng tôm giống đổ về các tỉnh mỗi ngày là rất lớn. Do đó, theo TS. Luân, người nuôi không nên ham giá rẻ mà mua phải con giống kém chất lượng rất dễ bị thiệt hại và làm lây lan mầm bệnh cho những diện tích khác. Để giúp người nuôi có được con giống tốt, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có chỉ đạo, các cấp, các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường quản lý, giám sát từ trại sản xuất con giống cho đến người nuôi, nhất là những vùng có diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến lớn như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… Các địa phương đẩy mạnh hơn việc tổ chức liên kết người nuôi thành các HTX, tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện liên kết với các cơ sở sản xuất vật tư đầu vào như giống, chất xử lý cải tạo môi trường.

Hiện nay, theo phản ánh của các địa phương, công tác quản lý giống vẫn còn bất cập, nhất là phương tiện và nguồn nhân lực, trong khi nhu cầu con giống ngày càng cao, nguồn giống nhập nội ngày càng nhiều. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ nuôi, chủ cơ sở ương dưỡng ham tôm giống giá rẻ, tạo điều kiện cho nguồn giống kém chất lượng về các vùng nuôi. Để quản lý tốt con giống, theo TS. Luân, bên cạnh sự quản lý của các cơ quan chuyên môn cần thúc đẩy quy chế ký phối hợp giữa các tỉnh sản xuất tôm giống và các cơ sở thu mua để tuân thủ đúng. Tăng cường kiểm soát giống tại chỗ kết hợp với công tác tuyên truyền cho người nuôi, thương lái các quy định của Nhà nước về kích cỡ, chất lượng, nguồn gốc tôm giống…

Theo Tổng cục Thủy sản, vụ nuôi năm 2020, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 200.000 con và tôm sú 60.000 con để đảm bảo cung ứng cho các vùng nuôi 100 tỉ post tôm thẻ và 30 tỉ post tôm sú.


Nuôi cá cảnh – Hái tiền từ đam mê (Phần 1) Nuôi cá cảnh – Hái tiền từ đam… Đột phá trong công nghệ sản xuất trứng cá tầm đen tại Nhật Bản Đột phá trong công nghệ sản xuất trứng…