Tôm Mới Thả Lại Chết Ở Đồng Bằng Sông Cừu Long
Mặc dù đã gần cuối tháng 4, vụ tôm 2013 đã qua một nửa thời gian nhưng nhiều người dân ở ĐBSCL và miền Trung vẫn không dám thả nuôi do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp và tôm vẫn tiếp tục chết.
Chưa thả vì “ớn” dịch bệnh
Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng thời điểm này các năm trước đã thả nuôi gần xong vụ tôm. Tuy nhiên năm nay, người dân mới thả hơn 100/2.100 ha, chiếm chưa tới 5% diện tích, thì phải ngừng lại do ảnh hưởng nắng quá nóng, nhiệt độ cao gây bất lợi cho tôm. Những diện tích thả xong đã xuất hiện dịch bệnh làm tôm chết rải rác khiến người nuôi phập phồng không yên. Ở huyện Trần Đề kế bên cũng gặp trường hợp tương tự khi kế hoạch nuôi hơn 4.000ha tôm công nghiệp, tới nay chỉ thả được 600ha thì phải ngưng lại, và số tôm chết đã hơn 15%.
Ông Nguyễn Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Trà Vinh) cho biết, đến thời điểm này, bà con mới thả được khoảng 25% diện tích nuôi tôm của tỉnh. Do năm 2012, giá tôm biến động và dịch bệnh gây thiệt hại nặng đã gây cho bà con tâm lý e ngại. Hơn nữa, trong 14.000ha tôm đã thả, chủ yếu ở huyện Duyên Hải nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, đã có hơn 800ha bị thiệt hại.
Diễn biến còn phức tạp
Tại Cà Mau, mặc dù mới bước vào đầu vụ thả nuôi nhưng hiện tượng tôm chết sớm do đốm trắng và đặc biệt do hội chứng hoại tử gan tụy cấp vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi. Ông Nguyễn Văn Mười ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi cho biết, ông vừa đầu tư hơn 500 triệu đồng vào 10 đầm tôm công nghiệp, nhưng mới thả chỉ được khoảng một tháng thì tôm bắt đầu bệnh rồi chết trắng cả ao, mất hết vốn.
Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau nhận định: “Mức độ dịch bệnh tăng khá mạnh so với cùng kỳ, diễn biến hầu như xuất hiện đều ở các địa bàn. Mới 3 tháng đầu năm mà số diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đã hơn 260ha, bằng phân nửa của cả năm 2012”.
Tôm chết chủ yếu ở giai đoạn 15 - 40 ngày tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con xé rào xuống giống sớm, điều kiện môi trường chưa thích hợp, trong khi việc quản lý chất lượng con giống của ngành chức năng cũng còn nhiều bất cập.
Ông Phạm Minh Truyền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh thừa nhận: "Lực lượng thanh tra chuyên ngành hiện nay rất mỏng nên việc quản lý xử phạt những trường hợp tôm nhập lậu cũng gặp nhiều khó khăn".
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết do bệnh tồn lưu trong môi trường, cộng với việc thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch, chất lượng nước không bảo đảm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bộc phát và lan rộng. Ở một số địa phương đã xuất hiện tôm mới thả (chủ yếu từ 15 - 30 ngày tuổi) bị chết với triệu chứng bệnh thân đỏ, đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính.
Đến nay đã có khoảng 6.500ha diện tích tôm nuôi trên cả nước bị dịch bệnh. Trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Theo đó, Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương chỉ nên thả nuôi tôm từ đầu tháng 5 đến hết tháng 9 dương lịch năm nay để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong nuôi tôm. Trên cơ sở này, các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng mà có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Tôm giống kém chất lượng
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh vừa lấy mẫu kiểm dịch 412 mẫu con giống, kết quả 112 mẫu nhiễm virus MBV (ký sinh ở gan tụy và ruột giữa của tôm, bệnh biểu hiện chủ yếu ở tôm giống). Nhập về tỉnh hơn 63 triệu con tôm sú giống, qua kiểm dịch đã phát hiện 720.000 con bị nhiễm bệnh đốm trắng, 880.000 con bị nhiễm bệnh MBV. Tôm chân trắng nhập về tỉnh hơn 100 triệu con giống, kết quả kiểm tra có 2,8 triệu con bị nhiễm bệnh Taura.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ