Tôm Nuôi Khẳng Định Vị Thế
Năm 2014 được coi là thắng lợi lớn của ngành thủy sản Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả XK của mặt hàng tôm, với giá trị XK cao nhất từ trước tới nay, đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2013. Trong đó, phần lớn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến XK chủ yếu được nuôi tại các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Theo các chuyên gia, tôm nuôi nước lợ được đánh giá nổi bật nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của VN thời gian qua. Hiệp hội chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng tôm đã góp phần quan trọng để duy trì nhịp độ tăng trưởng khá trong XK của toàn ngành thủy sản.
Trong đó, tôm thẻ chân trắng tiếp tục vượt xa tôm sú với giá trị XK đạt gần gấp đôi. Ngoài thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản và EU, mặt hàng tôm của Việt Nam còn được XK qua nhiều khác như: Hàn Quốc, Canada, Australia… trong năm qua đều có sự tăng trưởng rất khả quan.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm cũng như chế biến, XK tôm lớn nhất cả nước. Năm 2014, diện tích nuôi tôm của tỉnh này đạt 286.500 ha, năng suất đạt bình quân ở mức 556 kg/ha/năm. Ông Lê Văn Sử, GĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: "Từ những thuận lợi về điều kiện nuôi, tình hình dịch bệnh được kiểm soát đã nâng năng suất, hiệu quả con tôm và góp phần quan trọng vào thành công của ngành nông nghiệp. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Cà Mau tăng tốc trong năm 2014, có dấu ấn rất lớn của việc phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung và nuôi quảng canh".
Diện tích nuôi tôm quảng canh của Cà Mau phát triển ổn định và tỏ ra bền vững. Mức độ thiệt hại do dịch bệnh xảy ra không đáng kể. Diện tích tôm nuôi quảng canh cải tiến đạt 60.200 ha, năng suất bình quân đạt 570 kg/ha/năm. Tình hình tôm nuôi công nghiệp phát triển thuận lợi, diện tích tôm công nghiệp bị thiệt hại 1.320 ha, giảm mạnh từ hơn 16% năm trước xuống còn chưa đến 11 % trong năm nay.
Trước tình hình dịch bệnh tương đối ổn, năng suất bình quân khá (tôm thẻ chân trắng đạt 8,2 tấn/ha, tôm sú 5 tấn/ha), mô hình nuôi công nghiệp mang lại hiệu quả cao, người dân địa phương đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi. Đến nay tỉnh Cà Mau đã có 8.200 ha nuôi tôm công nghiệp, vượt 17% kế hoạch và tăng 2.208 ha so với cùng kỳ.
Từ thành công của lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, trong đó chủ lực tôm nuôi nước lợ đã trực tiếp đưa lĩnh vực chế biến XK tỉnh nhà đi lên. Theo thông tin từ Hội Chế biến và XK thủy sản Cà Mau (CASEP), năm 2014 XK thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 110.000 tấn, tăng khoảng 16% về sản lượng và tăng 20% về giá trị, đạt mức kỷ lục trên 1,3 tỷ USD.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký CASEP cho biết, năm qua XK thủy sản của Cà Mau có sự phát triển ngoạn mục cả về sản lượng và giá trị là do các DN đã có các chính sách xúc tiến thương mại theo hướng chuyên nghiệp, có được thị trường rộng mở.
Bên cạnh đó, sản lượng tôm nuôi của nhiều nước trên thế giới phục hồi không như kỳ vọng cũng đã tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản của ta rộng đường đi. Việc có được nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng là một thuận lợi cơ bản đưa lĩnh vực thủy sản đi đến thành công.
Các DN chế biến XK tôm trên địa bàn Cà Mau có thị trường tiêu thụ rộn lớn ở 50 nước trên thế giới. Đáng chú ý là 4 thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc, chiếm đến 75% sản lượng thủy sản XK".
Trong cơ cấu mặt hàng thủy sản của Cà Mau, con tôm luôn có ưu thế vượt trội, chiếm đến 95% kim ngạch XK, lượng tôm đông XK trong năm qua đạt 91.062 tấn, bằng 130,5% cùng kỳ. Tuy nhiên, khác với các năm trước, tôm sú chiếm đến 80% trong cơ cấu mặt hàng tôm, thì nay đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 47%.
Thị trường XK của Cà Mau năm nay đánh dấu sự phát triển vượt bậc của tôm thẻ chân trắng, đã vươn lên trội hơn so với tôm sú. Trong tương lai gần, thẻ chân trắng sẽ vượt xa tôm sú và đứng đầu về giá trị kim gạch XK ở Cà Mau.
Theo đánh giá, các mặt hàng thủy sản của Cà Mau nói chung và con tôm nói riêng đang rộng đường sang một số thị trường tiềm năng như Úc, Nga và một số nước Châu Á. Sản phẩm tôm của các DN lớn trong chế biến và XK thủy sản ở Cà Mau như: Minh Phú, Quốc Việt,… đang được các thị trường trên ưa chuộng.
Kế hoạch năm 2015, Cà Mau phấn đấu đạt kim ngạch XK 1,36 tỷ USD. “Để đạt mục tiêu này, các DN sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nói không với tôm có tập chất, đưa chất lượng an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến thương mại, hướng đến thực hiện đa phương thức, đa sản phẩm, đa thị trường. Ngoài ra, sẽ tập trung đẩy mạnh khâu kiên kết giữa DN và người nuôi, nhằm quản lý chất lượng sản phẩm và tăng giá trị kinh tế cho nông dân”, ông Thuận nhấn mạnh.
Tương tự, người nuôi tôm ở Kiên Giang cũng vừa có một năm thắng lớn khi tăng cả về diện tích, sản lượng và trúng giá. Ông Quảng Trọng Thao, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm 2014 toàn tỉnh thả nuôi được 90.563 ha tôm nước lợ, tăng 1.563 ha so với kế hoạch, sản lượng đạt 51.430 tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ (tương đương gần 9.500 tấn).
Trong đó, tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp diện tích 2.015 ha, sản lượng 19.811 tấn (thẻ chân trắng 1.915 ha, sản lượng 19.476 tấn), còn lại là nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh tôm - lúa.
Theo Sở Công thương Kiên Giang, kim ngạch XK của tỉnh năm qua đạt trên 496 triệu USD, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhiều mặt hàng nông, thủy sản, nhất là mặt hàng chế biến từ tôm nuôi. Năm 2015, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt kim ngạch XK 526 triệu USD, với các mặt hàng chủ lực là gạo, tôm, cá đông và đồ hộp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ