Mô hình kinh tế Tôm nuôi khó về đích cuối năm

Tôm nuôi khó về đích cuối năm

Ngày đăng 27/10/2015

Tôm nuôi khó về đích cuối năm

Khó từ ao nuôi đến xuất khẩu Tại cuộc họp về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất quý III và triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2015 của Tổng cục Thủy sản mới đây, Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, từ nay đến cuối năm, việc tăng sản lượng nuôi tôm nước lợ rất khó thực hiện.

Theo kế hoạch, sản lượng nuôi tôm cả nước năm 2015 đạt 690.000 tấn là không thể; con số này chỉ khoảng 670.000 tấn, tương đương năm 2014.

Nguyên nhân, do giá tôm thẻ chân trắng chỉ đạt 2/3 so với năm 2014; những diện tích không bị dịch bệnh thì nông dân hòa vốn, nhưng nếu bị dịch bệnh thì sẽ dẫn đến thua lỗ, nên người dân không thả nuôi; tình trạng treo ao xảy ra với diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh.

Nhìn chung 9 tháng đầu năm 2015, người nuôi đối diện nhiều khó khăn (giá tôm nguyên liệu thấp; giá điện, giá các nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là thức ăn; cộng với thời tiết bất lợi do nắng nóng kéo dài, dịch bệnh phức tạp) nên hoạt động nuôi thả tôm chậm hơn cùng kỳ năm ngoái.

Các tỉnh đang chỉ đạo thả giống tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh ở các vùng có điều kiện và khuyến khích áp dụng các mô hình an toàn sinh học, nuôi ghép với cá rô phi hoặc với một số đối tượng nuôi khác.

Tính đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ 685.000 ha, tương đương năm 2014; trong đó diện tích tôm sú tăng 2,4%, tôm thẻ chân trắng giảm 23,5%, sản lượng tôm nuôi 410.000 tấn.

Trong xuất khẩu, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đến giữa tháng 9, xuất khẩu tôm đạt giá trị 4,78 tỷ USD, giảm khoảng 18% so cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là tôm sú, giảm 33%.

Nếu như năm 2014, Việt Nam vượt qua Ấn Độ về giá trị xuất khẩu tôm thì đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng sau thị trường này; các đơn hàng của nhiều doanh nghiệp nhỏ, lớn đều giảm mạnh.

Tập trung giải pháp ngắn hạn Theo kế hoạch của ngành, từ nay đến cuối năm, các địa phương tập trung rà soát diện tích thả nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường quan trắc, cảnh báo quản lý môi trường, đảm bảo thả nuôi trong điều kiện tốt nhất, áp dụng VietGAP trong nuôi tôm, đặc biệt ưu tiên diện tích tôm sú, giúp duy trì sản lượng và năng suất như kế hoạch đề ra.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, những tháng cuối năm, các đơn vị chức năng cần bám sát thực tiễn, phối hợp với địa phương đảm bảo tốt vụ nuôi tôm còn lại trong năm.

Do năng suất khó tăng, người nuôi cần đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra, cần duy trì sản lượng tôm đảm bảo phục vụ xuất khẩu.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Kim Văn Tiêu cho rằng, trong nuôi tôm vụ đông, áp dụng kỹ thuật đúng cách, việc nuôi sẽ đạt hiệu quả cao, giá tôm cũng rất thuận lợi.

Vì thế, nhân rộng nuôi tôm vụ đông, áp dụng VietGAP trong quá trình nuôi sẽ tạo thế mạnh trong sản xuất.

Liên quan đến xuất khẩu, theo VASEP, để vực lại xuất khẩu tôm cần có kế hoạch trong dài hạn; trước mắt, trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng.

Từ nay đến cuối năm, VASEP dự kiến tập trung xúc tiến trao đổi thương mại tại những thị trường tiềm năng, đặc biệt là các nước châu Á và Cuba.

Tuy nhiên, về lâu dài, trong xu thế hội nhập trước thềm TPP, khi thuế suất xuất khẩu về 0, doanh nghiệp Việt được nhiều thuận lợi từ xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản…; do đó cần tăng cường cạnh tranh trong nuôi trồng, bởi thị trường Nhật Bản, Mỹ và các thị trường khác yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Trong hoạt động nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, Nhà nước cần là đầu tàu dẫn dắt doanh nghiệp, người nuôi; tránh tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún; thực hiện hệ thống chính sách sao cho khuyến khích đầu tư công nghệ, chuỗi liên kết, từ đó nâng cao sức cạnh tranh chung của nền kinh tế.


Vựa lúa nếp Kim Thành Vựa lúa nếp Kim Thành Gạo Việt đang ở đâu bắt đầu từ người tiêu dùng Gạo Việt đang ở đâu bắt đầu từ…