Mô hình kinh tế Tôm Nuôi Lại Chết Ở Thừa Thiên Huế

Tôm Nuôi Lại Chết Ở Thừa Thiên Huế

Ngày đăng 01/06/2013

Tôm Nuôi Lại Chết Ở Thừa Thiên Huế

Hơn tháng nay, hàng trăm người nuôi tôm ở vùng đầm phá và ven biển Thừa Thiên Huế mất ăn, mất ngủ vì tôm nuôi lại chết.

“Điệp khúc” tôm chết

Giữa tháng 5, ngư dân Quảng Điền không cầm được nước mắt khi phải đối mặt với tình cảnh tôm nuôi lại chết. Đến xã Quảng Phước, nơi có hồ tôm nuôi vừa bị chết do bệnh đốm trắng và môi trường,tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thấy được cảnh người dân thẫn thờ, mất ăn, mất ngủ khi cả vốn lẫn công đều ra đi.

Ông Phan Phê, (thôn Phước Lập) than: “Chỉ mấy ngày, dịch bệnh ở tôm nuôi “cướp” của gia đình tui 5 vạn con tôm giống thả nuôi được 30 ngày tuổi. Ban đầu tôm có triệu chứng lơ ăn, sau một đêm tôm tấp vào mép hồ nổi lềnh bềnh trên mặt nước”.

Tương tự ông Phê, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ ngư dân lao đao vì tôm chết. Nước mắt lăn dài trên má, anh Nguyễn Văn Khôi (xã Vinh Hưng - Phú Lộc) nói: “Tưởng thoát rồi rứa mà ngày 20/5 tôm của gia đình tui cũng xuất hiện bệnh và chết sạch trên diện tích 1ha. Mấy năm nay theo đuôi con tôm giờ phải theo thôi chứ không biết mưu sinh bằng nghề gì. Bà con ngư dân ở đây thường nói nuôi tôm thì năm ăn năm thua, nhưng mấy năm nay “điệp khúc” tôm chết cứ lặp đi lặp lại mãi”.

Anh Nguyễn Minh Đức, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Tôm bị bệnh do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là người dân mua tôm giống từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên... về thả nuôi, đây là loại tôm giống kém chất lượng rất dễ nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi thất thường. Môi trường nước của các hồ nuôi ngày càng ô nhiễm nặng do ảnh hưởng nguồn nước từ các đầm phá, thức ăn trong hồ còn thừa... nhưng không được bà con cải tạo, xử lý kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật”.

Nhanh chóng dập dịch

Bằng kinh phí dự phòng về phòng chống dịch bệnh nuôi trồng thủy sản, năm 2013 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho chi cục Thú y 20 tấn hóa chất Chlorin. Chi cục Thú y phân bổ về các huyện và huyện phân bổ về các xã, khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh, địa phương hỗ trợ hóa chất kịp thời, giúp người nuôi dập dịch và kịp thời khống chế bệnh. Anh Phan Hùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước (Quảng Điền) cho biết: “Đầu vụ nuôi, Chi cục Thú y tỉnh hỗ trợ cho địa phương 3 tạ hóa chất Chlorin. Cách đây khoảng 10 ngày, trên địa bàn xã có 1 ha tôm nuôi bị chết do bệnh đốm trắng, gan tụy và môi trường. Nhờ công tác dập dịch kịp thời nên bệnh ở tôm nuôi được ngăn chặn, không lây lan trên diện rộng”.

Theo tính toán của bà con ngư dân, khi tôm nuôi xảy ra bệnh, công tác dập dịch và xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật của ngành thuỷ sản đưa ra phải mất 8 triệu đồng/ha, trong đó, xử lý 1 ha là 12 thùng Chlorin và 5 tấn vôi. Như vậy, nếu năm nào “thuận buồm xuôi gió”, tôm nuôi ít xảy ra dịch bệnh với số lượng hóa chất trên sẽ giúp ngư dân dập dịch kịp thời. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu, tôm nuôi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng đòi hỏi sự chung sức của các hộ nuôi.

“Do thời tiết nắng nóng nên bệnh ở tôm nuôi dễ bùng phát. Thời điểm này, Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo bà con ngư dân dừng thả nuôi. Đối với những ao hồ vừa xảy ra bệnh, chủ nuôi cần phải ngâm nước để xử lý hồ, sau đó rải vôi phơi hồ, chờ ổn định về môi trường”, anh Nguyễn Minh Đức nói.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để có con giống chất lượng tốt, môi trường ao nuôi đảm bảo, kỹ thuật nuôi và chăm sóc hợp lý để bệnh ở tôm nuôi không tái hiện. Đây không chỉ là trách nhiệm của các hộ nuôi tôm mà của cả ngành thuỷ sản và chính quyền địa phương các cấp nhằm sớm ổn định và thúc đẩy quá trình phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản theo hướng an toàn và bền vững.


Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Vược Trong Ao Đất Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Vược Trong… Cá Thát Lát Cườm Ở Đức Linh (Bình Thuận) Cá Thát Lát Cườm Ở Đức Linh (Bình…