Mô hình kinh tế Tôm Thẻ Chân Trắng Lên Ngôi, Ngành Chuyên Môn Nói Gì?

Tôm Thẻ Chân Trắng Lên Ngôi, Ngành Chuyên Môn Nói Gì?

Ngày đăng 10/02/2014

Tôm Thẻ Chân Trắng Lên Ngôi, Ngành Chuyên Môn Nói Gì?

Vụ nuôi tôm năm 2013, đa số người nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đạt hiệu quả khá cao.

Sang vụ nuôi tôm năm 2014, theo dự đoán của ngành chuyên môn, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ tăng đột biến và qua khảo sát, nhiều hộ nuôi tôm cho biết rằng nguyên nhân nông dân “ào ạt” nuôi tôm thẻ chân trắng là do nếu nuôi tôm sú, dịch bệnh hoại tử gan tụy vẫn còn đe doạ, nhất là dịch bệnh xuất hiện khi tôm sú ở giai đoạn từ 02 - 2,5 tháng tuổi, người nuôi coi như mất trắng, ngược lại nếu nuôi tôm thẻ chân trắng thì vẫn có lợi nhuận và không bị thua lỗ.

Theo đánh giá của sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ được các địa phương kiểm soát khá tốt, giá tôm nguyên liệu tăng nên người nuôi yên tâm thả giống, mở rộng diện tích canh tác. Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2014, sở NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và phổ biến lịch thời vụ nuôi. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh đang được ngành chuyên môn và nông dân quan tâm.

Vụ nuôi tôm năm 2013, toàn tỉnh đã thả nuôi 2,14 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 26.121ha và 1,09 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng với diện tích 2.484ha. Tuy nhiên, do dịch bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng xuất hiện nhiều ở đầu vụ nên đã có 522 triệu con giống tôm sú bị thiệt hại, chiếm 27,1% con giống đã thả nuôi trên diện tích 5.612ha. Bên cạnh đó, tôm thẻ chân trắng cũng bị thiệt hại 214 triệu con giống, chiếm 19,6% giống thả nuôi với diện tích 479,7ha.

Nếu như so sánh giữa nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thì số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng lợi nhuận chiếm 82,6% so với tổng hộ nuôi, còn nuôi tôm sú, số hộ lợi nhuận chỉ chiếm 72,8%. Hiện nay, nuôi tôm thẻ chân trắng đang “lấn át” tôm sú và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu. Việc người dân dần dần chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng phải chăng là xu hướng tất yếu.

Vừa qua, tại Hội nghị Tổng kết nuôi trồng thủy sản năm 2013 của tỉnh, theo đánh giá của các nhà khoa học và các địa phương nuôi tôm nước lợ, thì năm 2014 theo dự báo của Tổng cục Thủy sản, tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới sẽ khôi phục lại ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, từ đó sản lượng tôm thẻ chân trắng sẽ tăng lên. Vụ tôm mới 2014 đang vào vụ, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển nóng, ồ ạt, phá vỡ qui hoạch, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng.

Đây là điều mà các nhà quản lý nông nghiệp, chính quyền địa phương lo lắng khi diện tích tôm thẻ chân trắng dự báo tăng đột biến vụ nuôi 2014, nguy cơ dịch bệnh sẽ tái diễn trở lại. Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân chỉ phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo qui trình thâm canh, bán thâm canh (công nghiệp, bán công nghiệp) theo cơ cấu hợp lý giữa tôm sú và tôm chân trắng.

Thời gian qua, người nuôi tôm bị thiệt hại chủ yếu là do bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng, trong đó bệnh hoại tử gan tụy gây thiệt hại nặng nhất. Hiện nguyên nhân gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm đã được xác định, song tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng diễn biến phức tạp trong năm 2014.

Để chuẩn bị cho mùa vụ nuôi tôm chính năm 2014, việc quản lý môi trường nước nuôi, chất lượng con giống và công tác quản lý thuốc thú y thủy sản tại các địa phương cần chủ động triển khai.

Theo ông Nguyễn Vũ Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, các nghiên cứu về tác nhân gây bệnh trên tôm cho thấy, ngay cả với tôm giống đã được xác định sạch bệnh vẫn có khả năng phát bệnh sau khi thả nuôi từ 20 - 30 ngày. Thời gian phát bệnh trên tôm diễn ra quanh năm, nhất là vào mùa khô.

Như vậy, cùng với điều kiện cần là quản lý chất lượng con giống, công tác phòng chống dịch bệnh chủ động phải bao gồm việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi nhằm chủ động phát hiện sớm dịch bệnh và có hướng xử lý phù hợp.

Hội chứng hoại tử gan tụy có ngay ở giai đoạn tôm giống nhưng trong vấn đề kiểm soát chất lượng tôm giống, các địa phương còn lúng túng, chưa nắm rõ phương pháp kiểm soát và hầu như chưa kiểm soát chất lượng tôm giống về hoại tử gan tụy. Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang đề xuất: Hiện nay, người nuôi đã chủ động trong phòng ngừa và phát hiện sớm dịch bệnh trên tôm.

Vì thế, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ người nuôi chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là tổ chức phân tích chất lượng nước ở vùng nuôi tôm thường xuyên. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình quản lý chất lượng tôm giống đầu vào hiệu quả để người nuôi yên tâm sản xuất.

Ông Châu Hoàng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải cho rằng: Trước tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp do ảnh hưởng yếu tố thời tiết, người nuôi cần chủ động canh tác rải vụ theo điều kiện của từng vùng để giảm rủi ro và thả giống với mật độ thưa. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người nuôi tôm không thả nuôi ở những vùng có độ mặn cao và triển khai thông tin về lịch thời vụ, tình hình dịch bệnh, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người nuôi tiện theo dõi, áp dụng.

Cũng tại Hội nghị Tổng kết nuôi thủy sản năm 2013 của tỉnh, ông Nguyễn Văn Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Để đảm bảo lợi ích cho người nuôi thủy sản, nhất là nghề nuôi tôm, ngành hữu quan cần thực hiện tốt quy hoạch phát triển thủy sản và quy hoạch sản xuất giống thủy sản đến năm 2020.

Quy hoạch thủy lợi nuôi trồng thủy sản; các đơn vị trực thuộc sở NN-PTNT theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt các công tác do mình phụ trách, phối hợp với phòng NN-PTNT và UBND các xã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo quy định; các huyện căn cứ chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh, xây dựng và triển khai kế hoạch tại địa phương, đảm bảo đạt các chỉ tiêu đề ra.

Củng cố thành lập đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, chỉ đạo phòng NN-PTNT và UBND các xã thực hiện tốt quản lý Nhà nước về nuôi trồng thủy sản; đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ tỉnh đến xã phải thường xuyên nắm tình hình thời tiết, dự đoán, dự báo tình hình dịch bệnh để bố trí lịch thời vụ phù hợp; thanh tra nông nghiệp cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời sai phạm về lĩnh vực nuôi thủy sản; phối hợp với viện, trường theo dõi và hỗ trợ nông dân trình diễn các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả để nhân rộng; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, liên kết đầu ra sản phẩm cho nông dân. Nông dân cần tuân thủ quy hoạch của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương.

Các sự việc nêu trên đang là thách thức lớn của ngành chuyên môn và của địa phương trong việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng và con tôm sú nói chung trong năm 2014 và trong những năm tiếp theo.

Để khắc phục những vấn đề trên, ngành Thủy sản và các địa phương cần tập trung xây dựng các mô hình nuôi tôm bền vững, triển khai các giải pháp về xử lý môi trường, quản lý tốt con giống đầu vào, làm tốt công tác thú y thủy sản,… để đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững, lâu dài, giảm thấp nhất những rủi ro.

* Theo lịch thời vụ, thời gian thả nuôi tôm giống của 04 huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Châu Thành:

Nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp: Đợt 01 thả giống kể từ tháng 01/2014; đợt 02, thả giống từ 15/4 - 7/2014.

Nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, tôm - rừng, tôm - cua kết hợp thả giống từ tháng 11/2013 đến tháng 7/2014.

Nuôi luân canh tôm - lúa, thả giống từ 01 - 15/5/2014; nuôi tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 12/2013 đến tháng 7/2014.

* Ông Nguyễn Văn Uẩn, ở ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết: Vụ nuôi tôm vừa rồi, tôi thả nuôi 220.000 con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 0,3ha. Đây là lần đầu tiên tôi chuyển sang nuôi loài tôm thẻ chân trắng. Sau khoảng 03 tháng quản lý và chăm sóc, thu hoạch với sản lượng 3,3 tấn tôm thương phẩm, bình quân đạt kích cỡ 36 con/kg, lợi nhuận hơn 230 triệu đồng.

* Anh Cao Hữu Hiền ở ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang nói: Năm 2012, tôi nuôi tôm sú bị thiệt hại khá nặng, 06 ao nuôi tôm sú công nghiệp trên tổng diện tích 04 ha đều bị thiệt hại nặng do dịch bệnh hoại tử gan tụy. Học hỏi quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, tháng 8/2012 tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua thêm máy móc, trang thiết bị và chuyển toàn bộ 04 ha với 06 ao nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, đã qua 04 đợt nuôi và có nhiều tín hiệu khả quan.

* Ông Trần Quốc Đằng, ở ấp Ba, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu ngang có 02 ao chuyên nuôi tôm sú, với tổng diện tích 0,25ha. Do giá tôm sú năm 2012 ở mức thấp, không có lợi nhuận nên vừa qua tôi quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, thu hoạch trên 3,5 tấn, lợi nhuận trên 350 triệu đồng.


Nông Dân Khổ Vì Cá Chết Hàng Loạt Nông Dân Khổ Vì Cá Chết Hàng Loạt Ngư Dân An Giang Trúng Đậm Nhiều Cá Bông Lau Bạc Triệu Ngư Dân An Giang Trúng Đậm Nhiều Cá…