Tôm thẻ chân trắng mất mùa
Mất mùa, mất giá
Tại vùng đìa chuyên canh tôm thẻ chân trắng ở tổ dân phố Hà Liên (phường Ninh Hà), không ít đìa nuôi bị bỏ hoang, máy móc, thiết bị nuôi tôm cũng được cất dọn từ lâu. Hỏi chuyện, những người nuôi tôm ở đây cho biết, vụ 1 nuôi tôm năm nay, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh đã khiến tôm chết nhiều.
Ông Vũ Quang Hiền - người có thâm niên hơn 20 năm nuôi tôm nói: “Vụ tôm này thất bại nặng nề hơn bất cứ vụ nào. Gia đình tôi thả nuôi 15 vạn con tôm giống trên 8.000m2 đìa. Tôm thả nuôi mới được gần 40 ngày thì bắt đầu bị bệnh hoại tử gan, phân trắng, chết gần hết, khi thu hoạch chỉ còn được 150kg. Tôi bị lỗ hơn 30 triệu đồng”.
Ông Trần Văn Phước (tổ dân phố Hà Liên) phân tích, ngoài thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho môi trường nuôi bị ảnh hưởng mạnh, vụ tôm này nông dân thua lỗ nặng còn do nhiều loại bệnh bùng phát làm cho tôm chết đỏ ao.
Không chỉ vậy, năm nay, chi phí đầu tư nuôi tôm cũng tăng cao. Các loại thức ăn, khoáng chất trộn vào thức ăn, men vi sinh, thuốc kháng sinh đều tăng từ 15 đến 20%. Đầu vụ, gia đình ông Phước đầu tư 105 triệu đồng nuôi 25 vạn con tôm giống. Tuy tỷ lệ hao hụt rất thấp nhưng sau 55 ngày thả nuôi, ông chỉ thu hoạch được 1,5 tấn tôm, bán với giá 55.000 đồng/kg, tính ra ông lỗ 20 triệu đồng... Vì vậy, ao nuôi nào có tỷ lệ hao hụt càng lớn thì càng thua lỗ nặng.
Không chỉ đỏ mắt vì tôm chết, nông dân thị xã Ninh Hòa còn phải chịu cảnh tôm rớt giá. Theo ông Quảng Văn Tự (thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc), vì tôm chết yểu, chậm lớn nên người nuôi buộc phải xuất bán tôm sớm dù tôm có kích cỡ nhỏ. Chính vì thế giá bán ra rất thấp, tôm sống chỉ bán được cho thương lái tiêu thụ nội địa, còn tôm chết bán làm thức ăn cho tôm hùm. Hiện nay, tôm cỡ 100 con/kg cũng chỉ 90.000 đồng/kg (giảm khoảng 40.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước); tôm nhỏ hơn giá chỉ 55.000 đồng/kg; thậm chí chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg. Tình trạng tôm chết cộng với giá tôm thấp làm người nuôi thua lỗ nặng. Không chỉ có vậy, thương lái khi thu mua cũng tìm đủ cách để ép giá...
Một số thương lái chuyên thu mua tôm cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết, sở dĩ thời gian qua giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh là do tôm không đạt kích cỡ theo yêu cầu của DN, tôm càng nhỏ thì giá càng thấp. Trong khi đó, giá tôm đạt kích cỡ xuất khẩu (khoảng dưới 200 con/kg) cũng thấp do DN đang phải cạnh tranh mạnh với DN các nước khi nguồn tôm nguyên liệu ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... đang rất dồi dào. Ngoài ra, giá tôm xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu... đang giảm, càng làm gia tăng áp lực lên giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam.
Cần tuân thủ khuyến cáo
Trước những khó khăn hiện nay, nhiều người nuôi tôm không dám mạo hiểm đầu tư nuôi tiếp. Vùng nuôi tôm ở Ninh Hà, sau khi thu hoạch xong, nông dân chấp nhận bỏ đìa chờ thời. Theo thống kê, phường Ninh Hà có 470ha nuôi tôm nước lợ. Vụ 1 năm nay đã có hơn 80% diện tích thả nuôi tôm bị thiệt hại nặng. Hiện nay, số ao đìa người dân tiếp tục thả nuôi chỉ khoảng 30 - 40%. Còn ở xã Ninh Lộc, trong tổng số 320ha nuôi tôm, phần lớn nông dân vẫn đang để trống.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, diện tích nuôi tôm trên địa bàn thị xã liên tiếp giảm trong những năm gầy đây, từ 1.300ha giảm xuống chỉ còn hơn 612ha. Tuy nông dân đã rất thận trọng trong vụ 1 năm nay, nhưng diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại rất lớn. Địa phương đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các địa phương ven biển thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2015 theo đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải mua con giống từ các cơ sở sản xuất giống uy tín, đảm bảo chất lượng. Nông dân cần giám sát chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao nuôi, theo dõi sát sức khỏe tôm nuôi và chủ động lấy mẫu xét nghiệm khi tôm bị bệnh; tuân thủ nghiêm việc lấy nước vào ao lắng, xử lý diệt khuẩn nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi; bổ sung các chất tăng cường khả năng miễn dịch vào khẩu phần thức ăn cho tôm. Khi tôm có dấu hiệu dịch bệnh, cần thông báo ngay đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, không xả nước ao nuôi có dịch bệnh ra môi trường để tránh lây lan...
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, hiện nay, việc nuôi tôm nước lợ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: điều kiện thời tiết khắc nghiệt, xâm nhập mặn, nắng nóng làm tăng độ mặn và nhiệt độ; các loại dịch bệnh trên tôm nuôi (như: đốm trắng, hoại tử gan tụy, phân trắng) phát triển mạnh. Mặt khác, giá tôm thẻ chân trắng đang giảm mạnh, trong khi giá vật tư đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi tôm. Vì vậy, từ đầu vụ nuôi đến nay, Tổng cục Thủy sản đã liên tiếp có nhiều công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi.
Trong đó, nhấn mạnh việc chủ động quan trắc cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin để thông báo, hướng dẫn kịp thời đến các vùng nuôi nhằm giúp người nuôi có biện pháp xử lý. Trong bối cảnh khó khăn về thị trường tôm thẻ chân trắng, Tổng cục khuyến cáo nên duy trì ổn định diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh và nuôi sinh thái. Riêng tôm thẻ chân trắng, chỉ nuôi thâm canh, bán thâm canh ở những vùng có điều kiện thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ