Tin thủy sản Tôm Việt: Giấc mơ số 1 thế giới

Tôm Việt: Giấc mơ số 1 thế giới

Tác giả Vân Anh, ngày đăng 26/04/2018

Tôm Việt: Giấc mơ số 1 thế giới

Vượt qua khó khăn để đạt thắng lợi lớn, con tôm Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế khi đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Nhưng để ngành tôm Việt Nam phát huy được hết lợi thế, cần sự vào cuộc và nỗ lực của toàn ngành.

Năm 2018, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Ảnh: PTC 

Hành trình tôm Việt

Năm 2017, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường cùng đó là việc hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội song hành với thách thức mới đối với sản xuất trong nước. Nhưng, được xác định là nhóm hàng mũi nhọn trong phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, nên ngay từ các tháng đầu năm 2017 được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, tận dụng cơ hội về thị trường, ngành tôm đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả sản xuất rất tốt đóng góp vào sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2017, Tổng cục Thủy sản đã quyết liệt và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành như: quản lý và kiểm soát chất lượng tôm giống; quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi; quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản...

Chính vì vậy, năm 2017, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 720.000 ha (tăng 3,65% so năm 2016); trong đó, tôm sú là  621.000 ha (bằng 103,7% so cùng kỳ), tôm thẻ chân trắng là 99.000 ha (bằng 106%). Tổng sản lượng tôm nuôi cả nước đạt 704.868 tấn, trong đó, tôm nước lợ đạt 689.000 tấn. Sản lượng tôm sú là 258.500 tấn (bằng 99,2% so cùng kỳ năm 2016), tôm thẻ chân trắng là 430.500 tấn (bằng 108,6%). Kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ năm 2017 trên 3,85 tỷ USD tăng 22,3% so cùng kỳ năm 2016. Tôm được xuất khẩu sang 99 thị trường, trong đó nhóm các thị trường chính gồm: EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc chiếm 83,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần chủ động được phần nào nguồn con giống phục vụ nhu cầu nuôi tôm của người dân. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Sản lượng giống tôm nước lợ đạt 125 tỷ con, trong đó tôm sú khoảng 35 tỷ con và tôm thẻ chân trắng là 90 tỷ con, tăng 10,8% so năm 2016 (115 tỷ con). Chất lượng tôm giống là yếu tố then chốt quyết định đến thành công hay thất bại trong phát triển ngành tôm. Do đó, thời gian qua, vấn đề quản lý tôm giống đã được các cơ quan, ban ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo cũng như kiểm soát chặt chẽ.

Sản xuất tôm ngày một chuyển mình với những bước phát triển lớn, từ công nghệ, kỹ thuật đến chất lượng sản phẩm. Đi kèm với nó là những vùng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi tôm sinh thái, tôm siêu sạch... rồi những khu nhà máy chế biến hiện đại bậc nhất thế giới. Năm 2017 cũng được coi là năm của công nghệ trong ngành thủy sản, khi mà tại nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm trong cả nước đã hình thành và phát triển những mô hình nuôi tôm hiệu quả bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Mỗi người nuôi tôm đã thực sự trở thành những “kỹ sư” điêu luyện để mang về những giá trị cao hơn từ nuôi tôm. Cùng với đó, trên cả nước cũng hình thành những vùng nuôi tôm công nghệ cao với quy mô và sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản như Minh Phú, C.P. Việt Nam, Việt - Úc… Các mô hình này không chỉ tạo ra sản lượng lớn mà đi kèm đó là chất lượng tôm thương phẩm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính trên thế giới. Như tại Bạc Liêu, nuôi tôm theo mô hình nhà kín, mật độ tôm nuôi 500 con/m2, sản lượng thu hoạch trung bình 180 - 240 tấn/ha/năm, nuôi 3 vụ/năm. Nuôi theo mô hình nhà lưới, mật độ thả 250 - 300 con/m2, nâng suất từ hơn 150 tấn/ha, nuôi 3 vụ/năm.

Bên cạnh những “cánh đồng” hay “thủ phủ” tôm công nghệ cao thì hình thức nuôi tôm sinh thái, hữu cơ cũng khẳng định được hiệu quả và thế mạnh của mình. Như mô hình nuôi tôm - lúa, tôm - rừng tại Cà Mau, Kiên Giang… với sản lượng dưới 300 kg/ha nhưng cũng góp phần giúp người dân bảo vệ được rừng ngập mặn, chống xói lở và tôm nuôi trong rừng ngập mặn là tôm nuôi hữu cơ sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, do đó có giá bán cao hơn hẳn tôm thường.

Có thể thấy rằng, ngành tôm đang ngày một phát triển bằng việc mở rộng diện tích, gia tăng sản lượng và hạn chế dịch bệnh, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường tiêu thụ tới hơn 7 tỷ người trên toàn thế giới. Như vị tư lệnh ngành nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường từng nhận định, dư địa phát triển ngành tôm còn rất lớn.

Vượt sóng gió

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành tôm Việt năm qua cũng gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Như chia sẻ của đại diện các chuyên gia trong ngành đó chính là thiếu nguồn tôm giống bố mẹ, giá thành sản xuất tôm còn cao, tình trạng làm dụng thuốc, hóa chất, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm chưa đảm bảo, sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ; Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi tôm đã được 27/28 tỉnh ven biển triển khai nhưng nguồn kinh phí của một số địa phương còn hạn chế nên việc thực hiện quan trắc môi trường chưa đầy đủ, đặc biệt là tại các vùng nuôi quảng canh. Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, để con tôm có vị thế cao và phát huy hiệu quả tiềm năng thì nhiệm vụ chính là của ngành nông nghiệp, nhưng cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, đặc biệt là sự tham gia của người dân và doanh nghiệp thì mục tiêu chinh phục đỉnh cao của thế giới về sản xuất và cung ứng tôm mới thành hiện thực. Trong đó, vai trò của của doanh nghiệp luôn được đặt làm trung tâm trong chuỗi giá trị ngành tôm hiện nay. Người dân và doanh nghiệp cần tập trung phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các THT, HTX để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian... Bởi đó là xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu xuất khẩu với số lượng và chất lượng cao hơn. Mặt khác, trong quá trình nuôi, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; không sử dụng thuốc kháng sinh. Cùng đó, chủ động về chế phẩm, thức ăn, con giống; tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng các chứng nhận quốc tế có uy tín; nâng cao năng lực chế biến; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho con tôm...

Nhận định về tiềm năng các thị trường cho sản phẩm tôm Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội. Trong khi, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%. Bên cạnh thị trường EU, Trung Quốc cũng được dự đoán là sẽ vượt Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt trong năm 2018.

>> Theo kế hoạch, diện tích thả nuôi tôm của Việt Nam có thể mở rộng, đạt 800 nghìn đến 1 triệu ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Dự kiến nhu cầu con giống thả nuôi năm 2018 là 130 tỷ con, trong đó, tôm thẻ chân trắng 100 tỷ con, tôm sú 30 tỷ con. Giải pháp phát triển là tập trung nuôi công nghệ cao, nuôi 2, 3 giai đoạn, để nâng cao năng suất, chất lượng, phấn đấu đạt sản lượng 720.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 448.500 tấn, còn lại là tôm sú.


Thành tỉ phú nhờ nuôi cá chép giòn Thành tỉ phú nhờ nuôi cá chép giòn Phất lên từ con cá rô đồng Phất lên từ con cá rô đồng