Mô hình kinh tế Tổng hợp thị trường thủy sản quý III và dự báo

Tổng hợp thị trường thủy sản quý III và dự báo

Ngày đăng 03/11/2015

Tổng hợp thị trường thủy sản quý III và dự báo

I. Diễn biến thị trường

1. Diễn biến giá thế giới

Tại Mỹ: Giá tôm sú và tôm thẻ giao dịch tại thị trường New York có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 9/2015, nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng tôm thế giới vẫn đang khá dồi dào.

Ngoài ra, việc các thị trường cung cấp tôm như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… phá giá đồng nội tệ cũng góp phần làm giảm giá tôm.

Giá giảm bất chấp những dự báo về việc giá tôm thế giới sẽ tăng nhẹ trở lại do nhu cầu nhập khẩu tôm vào dịp cuối năm tăng lên để phục vụ cho các dịp lễ.

Cụ thể tôm sú Ấn Độ cỡ 16/20 từ mức 6,8 USD/lb hồi tháng 8, xuống 6,25 USD/lb vào trung tuần tháng 9; tôm sú Việt Nam tù mức 7,3 USD/lb, xuống 7 USD/lb; tôm sú Thái Lan từ mức 6,95 USD/lb xuống 6,75 USD/lb

Giá tôm thẻ size 16/20 của Thái Lan giảm 0,15 USD/lb so với hồi tháng 8, còn 5,15 USD/lb. Giá tôm thẻ size 16/20 Trung Quốc giảm 0,1 USD/lb, còn 5,15 USD/lb.

Hình 1: Giá tôm sú cỡ 16/20 tại thi trường New York - Mỹ - ĐVT: USD/lb 

Giá tôm sú Việt Nam cỡ 16/20 trên thị trường Mỹ hồi tháng 6 luôn có giá bằng hoặc thấp hơn giá tôm Ấn Độ, giao dịch trong khoảng 7,2 - 7,3 USD/lb, nhưng từ giữa tháng 7 đến nay tôm Việt Nam luôn cao hơn giá tôm Ấn Độ từ 0,2 - 0,8 USD/lb (hiện tôm sú Việt Nam 7 USD/lb, tôm sú Ấn Độ 6,25 USD/lb, tôm Thái Lam 6,75 USD/lb).

Hiện nay tôm Việt Nam đang có giá cạnh tranh hơn cả tôm Thái Lan và Ấn Độ  

Tại Ấn Độ: Giá tôm chân trắng nguyên liệu ở vùng sản xuất chính Andhra Pradesh của Ấn Độ đang tăng nhanh do sản lượng giảm.

Giá tôm cỡ lớn tăng mạnh như: cỡ 40 con/kg giá 340 rupee/kg ngày 7/9 (tăng 30 rupee/kg so với ngày 31/8). Tôm cỡ 30 con/kg, giá 390 rupee/kg ngày 7/9 (tăng 20 rupee/kg).

Giá tôm cỡ 60, 70 và 80 tăng 15 rupee/kg lên lần lượt là 275 rupee/kg, 245 rupee/kg và 225 rupee/kg. Giá tôm được dự báo sẽ tăng thêm nữa.

Sản lượng giảm do mật độ thả nuôi của thưa dần từ tháng 5 trở đi trong bối cảnh dịch bệnh và giá giảm.

Vụ khai thác chính ở các khu vực khác như Kolkata và Orissa sắp kết thúc trong khi sản lượng ở Andhra Pradesh vẫn thấp.

Sản lượng thấp có khả năng tiếp diễn ít nhất vài tuần nữa. Tôm cỡ nhỏ và cỡ trung bình đang được khai thác ở Andhra Pradesh tuy nhiên khối lượng không nhiều.

Giá tôm tại Thái Lan:

Đầu tháng 9 giá tôm thẻ chân trắng tăng nhẹ với tôm kích cỡ nhỏ, trong khi tôm kích cỡ lớn khá ổn định.

Giá tôm thẻ mua tại trang trại ở Thái Lan ngày 01/09 lần lượt ở mức 175 Baht/kg; 140 Baht/kg và 125 Baht/kg với các kích cỡ tương ứng 50 con/kg; 80 con/kg; 100 con/kg.

Tuy nhiên do tỷ giá đồng Baht suy giảm so với USD nên giá tôm thẻ chân trắng quy đổi bằng USD có xu hướng giảm.

Cụ thể tại ngày 1/9/2015, giá tôm thẻ cỡ 40 con/kg; 50 con/kg và 60 con/kg giảm lần lượt 0,04 USD/kg; 0,03 USD/kg và 0,03 USD/kg xuống mức tương ứng là 5,12 USD/kg, 4,85 USD/kg và 4,57 USD/kg so với ngày 25/08.

2. Diễn giá giá trong nước

Giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm kể từ đầu năm 2015 mặc dù có đan xen các đợt tăng giá nhẹ.

Thị trường tôm nguyên liệu trong tháng 8 mặc dù có sự tăng nhẹ về giá nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.

Giá tôm thẻ tăng trong khi nguồn cung không nhiều, tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng.

Sang tháng 9 giá giảm. Thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn tiếp tục trạng thái trầm lắng.

Tại Cần Thơ, trong tháng 9 giá cá tra nguyên liệu size 650 - 850 g/con vẫn duy trì ở mức 19.500 đồng/kg (trả chậm). Tại Đồng Tháp, cá tra nguyên liệu size 750 - 800 g/con ở mức 19.400 -19.500 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá tôm sú nguyên liệu trong tháng 9 tiếp tục ổn định, trong khi giá tôm thẻ chân trắng giảm khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tôm sú nguyên liệu các cỡ 20, 30, 40 con/kg ổn định lần lươt ở mức 240.000 đồng/kg, 170.000 đồng/kg, 125.000 đồng/kg.

Giá tôm thẻ cỡ 60 con/kg giảm 6.000 đồng/kg xuống mức 102.000 đồng/kg; cỡ 70, 90, 100 con/kg giảm 5.000 đồng/kg xuống lân lượt mức 98.000 đồng/kg, 88.000 đồng/kg và 85.000 đồng/kg.

Tại Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ với kích cỡ nhỏ, trong khi giá tôm sú vẫn ổn định.

Cụ thể, giá tôm thẻ cỡ 60 con/kg ở mức 106.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg; tôm cỡ 70, 80, 90, 100 con/kg giảm 2.000 đồng/kg lần lượt ở mức 103.000 đồng/kg, 98.000 đồng/kg, 93.000 đồng/kg và 90.000 đồng/kg.

Giá tôm sú giữ ổn định ở mức 260.000 đồng/kg với tôm cỡ 20 con/kg, 190.000 đồng/kg với tôm cỡ 30 con/kg và 160.000 đồng/kg với tôm cỡ 40 con/kg.

Tại Khánh Hòa giá tôm tăng dần từ tháng 8 đến mức cao nhất vào giữa tháng 8, sau đó giảm dầm, đến trung tuần tháng 9 (từ 11/09 - 18/09) giảm mạnh, tôm sú loại 40 con/kg giảm 30.000 đồng/kg xuống mức 300.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 60 - 80 con/kg cũng giảm 10.000 đồng/kg xuống mức 160.000 - 170.000 đồng/kg.

Bảng 1: Giá tôm tại Khánh Hòa - ĐVT: VNĐ/kg

Tại Đà Nẵng, giá tôm thẻ, tôm sú nguyên liệu cũng xu hướng giảm giá từ đầu tháng 8, đến trung tuần tháng 9 (12/09-18/09) đạt mức thấp nhất: tôm sú 25 - 30 con/kg giảm 10.000 đồng/kg xuống mức 90.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ 80 con/kg cũng giảm 10.000 đồng/kg xuống mức 110.000 đồng/kg.

Bảng 2: Giá tôm tại Đà Nẵng - ĐVT: VNĐ/kg

Tại Phú Yên, giá tôm tăng lên trong tháng 8, sau đó giám từ tuần thứ 2 của tháng 9.

Hình 2:  Giá tôm thẻ loại 100con/kg tại Phú Yên

II. Cung - cầu

1. Thế giới

Ấn Độ: Dự báo sản lượng tôm sẽ giảm do dịch bệnh và do giá thấp

Sau khi đạt được sản lượng tôm kỷ lục giúp đưa giá trị xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ trong 9 tháng kết thúc tháng 12/2014 tăng 14% so với năm trước, ngành nuôi tôm lo ngại về loại bệnh được gọi là RMS (Hội chứng tôm chết liên tiếp) có thể ảnh hưởng đến sản lượng tôm chân trắng trong năm tài chính mới.

Trong vụ tôm đầu năm, người nuôi phải thu hoạch sớm do tôm nước này bị ảnh hưởng bởi virut đốm trắng và thiếu oxy.

Do nhu cầu yếu từ Mỹ, lại phải thu hoạch sớm, trong tháng 7 giá tôm Ấn Độ tất cả các cỡ giảm mạnh tại bang Andhra Pradesh, vùng sản xuất tôm chính của Ấn Độ.

Từ tháng 9 trở đi, nguồn cung có thể giảm do người nuôi ở Ấn Độ sẽ hạn chế thả nuôi do giá nguyên liệu thấp, giảm xuống gần với giá thành sản xuất, thậm chí thấp hơn.

Theo báo cáo của Rabobank về tình hình nuôi tôm năm 2015 của Ấn Độ, nếu đợt thả mới bị dịch bệnh bùng phát thì tổng sản lượng tôm trong năm nay của Ấn Độ sẽ giảm xuống ít nhất 30% so với năm 2014.

Ecuador: Sản lượng sẽ giảm vì EMS

Tôm nuôi ở Ecuador chết nhiều từ cuối tháng 4 và một số người nuôi phải thu hoạch sớm để khắc phục tình trạng này. Sản lượng tôm Ecuador đạt kỷ lục trong tháng 5 với 30.000 tấn so với 23.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tháng 9 năm nay, người nuôi giảm mật độ thả nuôi do lo ngại dịch bệnh nên thu hẹp nguồn cung.

Tôm nuôi của Ecuador có thể đang bị nhiễm EMS.

Tuy nhiên, do một số người nuôi phải vay vốn để sản xuất nên họ không muốn công khai thông tin về dịch bệnh. EMS có thể đã lan rộng ra 4 tỉnh của Ecuador.

Một số trại nuôi ở Ecuador, sản lượng thu hoạch tôm giảm tới 50% do tôm chết nhiều. Ngoài ra, dịch EMS ở Trung Mỹ và Mexico có thể khiến sản lượng tôm ở Trung Mỹ năm nay giảm 25% so với năm ngoái.

Mexico đang cân nhắc cấm nhập khẩu tôm từ các nước Trung Mỹ như Honduras, Nicaragua do EMS, vì vậy có thể sẽ tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Thái Lan: Sản lượng tôm chỉ tương đương năm 2014

Trên 33% diện tích nuôi tôm của Thái Lan chưa được thả nuôi và diện tích đã thả nuôi có mật độ thưa và thu hoạch trước khi tôm được 10 gram.

Thái Lan sẽ hạn chế thả nuôi trong 6 tháng cuối năm do giá nguyên liệu thấp, giảm xuống gần với giá thành sản xuất.

Sản lượng tôm Thái Lan giảm từ mức cao 650.000 tấn xuống 200.000 - 210.000 tấn năm 2014 do EMS.

Tuy nhiên hiệp hội tôm Thái Lan cho rằng giá thấp khiến người nuôi không muốn tăng diện tích thả nuôi năm 2015 nên sản lượng năm 2015 chỉ tương đương mức 210.000 tấn của năm 2014.

Nước này cần ít nhất 3 năm nữa để sản lượng quay trở lại mức bình thường.

Trung Quốc: Sản xuất tôm cũng gặp khó khăn

Trong vài tháng tới, các khu vực nuôi tôm ở Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi gió mùa và El Nino.

Điều này khiến sản lượng giảm và giá tôm tăng. Vụ thu hoạch đầu tiên của năm ở Trung Quốc không tốt, một số khu vực bị thiệt hại tới 60% sản lượng tôm.

2. Trong nước

Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2015 đạt 4,25 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ 2014, đạt 63,9% kế hoạch năm 2015.

Tổng sản lượng khai thác 8 tháng năm 2015 đạt 1.978 nghìn tấn (tăng 4,4% so với cùng kỳ 2014), đạt 73,3% kế hoạch năm.

Trong đó sản lượng khai thác hải sản 8 tháng đạt 240,2 nghìn tấn (bằng 104,9% so với cùng kỳ 2014).

Tổng sản lượng nuôi trồng 8 tháng đạt 2.269 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2014 và đạt trên 57,4% kế hoạch năm.

Tôm sú: Diện tích tôm sú trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 577.000 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 160.381 tấn, giảm 4%.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long diện tích tôm sú tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 549.813 ha, sản lượng ước đạt 150.967 tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

Một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như: Cà Mau giảm 16,8%, Trà Vinh giảm 18,7%, Sóc Trăng giảm 29,3%.

Tôm thẻ chân trắng:

Diện tích tôm thẻ chân trắng trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 63.000 ha, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 154.000 tấn, giảm 17,6%.

Diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng vùng đồng bằng sông Cửu Long 8 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm trước, diện tích ước đạt 47.125 ha, giảm 12,2%, sản lượng ước đạt 102.809 tấn, giảm 26,4%, trong đó:

Trà Vinh diện tích giảm 16,6%, sản lượng giảm 38,1%; Bạc Liêu diện tích giảm 37,1%, sản lượng giảm 15,4%; Kiên Giang diện tích giảm 16,7%, sản lượng giảm 28,8%.

Cá tra: Diện tích cá tra 8 tháng 2015 ước đạt 6.315 ha, tăng 2%, sản lượng ước đạt 740 ngàn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất khẩu

Xuất khẩu giảm: Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2015 sụt giảm 17,45% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 4,16 tỷ USD.

Điều đáng chú ý là trong 8 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ; trong đó xuất sang Hoa Kỳ giảm 30,49%, đạt 799,14 triệu USD; sang Nhật Bản giảm 11,4%, đạt 650,18 triệu USD; sang Hàn Quốc giảm 12,34%, đạt 355,79 triệu USD; sang Trung Quốc giảm 11,2%, đạt 272,61 triệu USD.

Mặc dù, tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế dưới 1%, nhưng tám tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn giảm 51% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay khá ảm đạm, chỉ đạt hơn 1 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên xuất sang Trung Quốc tăng trưởng tới 50% so với cùng kỳ.

Trong những tháng đầu năm nay, Trung Quốc và Hồng Kông chính thức vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 15%; thị trường EU xếp thứ 2 và Mỹ đứng hàng thứ 3.

Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục giảm 7%, đạt trên 306 triệu USD. Các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu giảm 11% xuống còn 273 triệu USD.

Duy nhất xuất khẩu cá biển tăng nhẹ 4% đạt gần 660 triệu USD, các mặt hàng hải sản khác đều giảm.

Nguyên nhân: do khó khăn về nguồn cung và sự cạnh tranh của tôm Ấn Độ và Indonesia.

Xuất khẩu tôm không chỉ giảm ở thị trường Mỹ mà còn giảm ở những thị trường khác bao gồm châu Âu và Nhật Bản.

Lâu nay, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ là ba thị trường xuất khẩu chính của con tôm, nhưng năm nay, kể cả hai thị trường không có đánh thuế bán phá giá với tôm Việt Nam là châu Âu và Nhật Bản cũng giảm.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn nên thời vụ xuống giống tôm thẻ chân trắng chậm 1,5-2 tháng so với năm trước.

Đến nay, sản lượng tôm thẻ chân trắng đã giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm.

Thời gian qua, thuế chống bán phá giá đã ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu cá tra.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố thuế chống bán phá giá trong đợt rà soát lần thứ 10 (POR10) áp với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá mạnh, đồng Euro và đồng Yên mất giá làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại hai thị trường là EU và Nhật Bản, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu thủy sản thời gian qua. Bởi ngay sau động thái của Trung Quốc, nhiều quốc gia cũng ngay lập tức phá giá mạnh đồng tiền khiến cho thủy sản của Việt Nam xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Bảng 3: Số liệu sơ bộ của TCHQ xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2015 - ĐVT: USD

III. Dự báo

VASEP nhận định, mặt hàng thủy sản đang trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp (do cạnh tranh nguồn cung tăng, giá giảm thấp...).

Một số chuyên gia dự báo, diễn biến này không chỉ trong 4 tháng cuối năm mà có thể sẽ tiếp tục kéo dài hết năm 2016, thậm chí đến năm 2017.

IMF dự báo giá tôm thế giới sẽ giảm trong dài hạn do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường truyền thống, biến động vĩ mô tại các thị trường mới nổi và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Dự báo giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%; năm 2017 giảm 7%; năm 2020 giảm 13% so với năm 2015.

Riêng tại Ấn Độ, giá tôm có thể tăng thêm 20% so với hiện nay do sản lượng tôm nguyên liệu vẫn ở mức thấp trong 2 tháng tới. Từ khi giá giảm trong tháng 6, hầu hết người nuôi không thả nuôi nữa.

IV. Chính sách đối với ngành thủy sản

Mỹ áp mức thuế tôm Việt Nam trung bình 0,91%

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức trung bình 0,91%

Mức thuế này đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8 khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ chịu mức thuế trung bình là 6,37%.

Nguyên nhân chính cho mức thuế này giảm so với lần trước là do DOC đã dựa trên các dữ kiện phù hợp hơn từ 3 nước tham khảo là Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để tính giá thành.

Với mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8, dự đoán xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ chuyển biến tích cực sau khi sụt giảm trên 50% trong 8 tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong 3 bị đơn bắt buộc, Minh Phu Seafood Corp có mức thuế cao nhất là 1,39%, giảm nhẹ so với kết quả sơ bộ là 1,5%, Thuan Phuoc Corp chịu mức 1,16%, cao hơn một chút so với kết quả sơ bộ 1,06%, và Fimex VN là 0%.

Mức thuế cho 32 bị đơn tự nguyện khác là 0,91%. Mức thuế chung áp dụng toàn quốc là 25,4%, giảm nhẹ so với 25,76% của POR8.

Cá tra lại bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này trong giai đoạn 1-8-2013 đến 31-7-2014.

Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là Hùng Vương và Thuận An lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg. 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế là 0,6 USD/kg.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg rất khó để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể đưa hàng vào Mỹ.

Tuy nhiên theo ông Hòe, đây mới chỉ là phán quyết sơ bộ của DOC, phía Việt Nam vẫn có thời gian nghiên cứu cách tính toán của DOC để có những phản hồi nhằm thay đổi kết quả.

Theo VASEP, trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 891 triệu USD cá tra các loại, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu sang Mỹ đạt 184,5 triệu USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2014.


EP phủ quyết đề xuất cấm sử dụng sản phẩm biến đổi gen EP phủ quyết đề xuất cấm sử dụng… Gạo Thái Lan đối mặt khủng hoảng Gạo Thái Lan đối mặt khủng hoảng