TP.HCM: Chưa thể cầm điện thoại quét thịt sạch
Sở Công thương TP.HCM dời ngày triển khai thí điểm dự án dùng điện thoại thông minh (smartphone) để quét mã vạch để truy xuất nguồn gốc thịt heo sang ngày 16.12, thay vì ngày 10.12 như dự kiến trước đó.
Từ 16.12, người Sài Gòn mới có thể soi thịt sạch bằng smartphone tại các kênh phân phối hiện đại.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong quá trình triển khai Đề án “Soi thịt sạch bằng smartphone” đã phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, bổ sung. Hơn nữa, do số lượng thương lái và cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ đăng ký tham gia còn thấp, do đó, lãnh đạo Sở Công thương và các đơn vị liên quan đã trình UBND TP.HCM lùi thời gian thực hiện thêm 1 tuần lễ.
Cụ thể, việc mua máy móc, trang bị thiết bị kỹ thuật cho các chủ thể tham gia chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ…Hiện tại, thành phố dự kiến sẽ chỉ đầu tư trang thiết bị gồm các máy đọc chuyên dụng cho lực lượng thú y thành phố và 10 tỉnh, thành tham gia cung ứng sản phẩm cho TP.HCM.
Theo dự kiến, ngày 10.12, TP sẽ triển khai ở cả kênh phân phối hiện đại và một chợ truyền thống. Tuy nhiên, các dụng cụ, thiết bị vận chuyển thịt ở các chợ truyền thống không đồng bộ, thiếu thiết bị có nắp đậy để niêm phong thịt heo khi vận chuyển từ chợ đầu mối về chợ lẻ… Do đó, trong ngày 16.12 tới, TP.HCM sẽ chỉ triển khai thí điểm ở kênh phân phối hiện đại, gồm các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm…
Ông Hòa cho biết, hiện tại, cán bộ Đề án đã làm việc lại với Ban quản lý các chợ truyền thống để rà soát lại hệ thống dụng cụ đựng thịt heo đã cắt mảnh. Từ đó, có kế hoạch thay thế dụng cụ phù hợp, có thể niêm phong khi vận chuyển…
“Tuy nhiên, mọi việc sẽ thực hiện dần dần, vì không thể ập một phát yêu cầu tiểu thương thay đổi hoàn toàn các thiết bị, dụng cụ đang sử dụng”, ông Hòa nhấn mạnh.
Về việc số lượng các tiểu thương tại các chợ truyền thống chưa nhiệt tình đăng ký tham gia, ông Hòa cho rằng, khi triển khai Đề án, các trang trại lớn, các doanh nghiệp FDI đều nhanh chóng tham gia, do đã có kinh nghiệm khi mô hình đã được triển khai ở nhiều nước khác. Tuy nhiên, các tiểu thương trong nước còn có tâm lý chờ đợi, xem người khác thực hiện trước rồi mới “tiếp bước theo sau”.
Do đó, ông Hòa hy vọng, sau khi Đề án triển khai thành công tại các kênh phân phối hiện đại, các tiểu thương và những trang trại nhỏ, lẻ sẽ không còn nghi ngờ gì nữa mà nhiệt tình tham gia chương trình.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 60 cơ sở đăng ký tham gia với khoảng hơn 1.000 trang trại, sản lượng cung ứng tối đa lên đến 10.000 con/ngày. Số lượng này đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường TP.HCM. Ngoài ra, có 18 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia Đề án, trong đó, mới có khoảng 5/12 cơ sở của Thành phố với tổng công suất giết mổ khoảng 5.000 – 6.000 con/ngày.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ