Mô hình kinh tế TPP và sức ép với hộ chăn nuôi nhỏ

TPP và sức ép với hộ chăn nuôi nhỏ

Ngày đăng 16/09/2015

TPP và sức ép với hộ chăn nuôi nhỏ

Liệu có xuất hiện độc quyền?

Ngành chăn nuôi Việt Nam vốn có đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc vào nhập khẩu về giống và thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và ATTP chưa đảm bảo cũng như liên kết lỏng lẻo là những tác nhân dẫn tới năng suất chăn nuôi thấp, sức cạnh tranh yếu, gây bất lợi trong thương mại tự do. Nói về câu chuyện thịt đùi gà Mỹ giá 20.000 đồng/kg gây một phen lao đao cho ngành chăn nuôi trong nước, nhiều chuyên gia ví von "chưa tham gia TPP, chúng ta đã thua trên sân nhà".

Ông Andrew Wells-Dang - cố vấn cao cấp của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định, khi gia nhập TPP, Việt Nam nên tập trung vào lợi ích của nông hộ nhỏ, đặc biệt là người nghèo. Bởi, nếu chỉ chủ yếu tập trung vào DN, sẽ xuất hiện tình trạng độc quyền, không đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Rõ ràng, xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế sẽ tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam và đặc biệt là các hộ nông dân. Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 7 triệu hộ chăn nuôi gà, 4 triệu hộ chăn nuôi lợn. Ngoài ra, còn hàng triệu hộ chăn nuôi vịt, trâu, bò.

Trong quá trình hội nhập, việc tiến tới sản xuất lớn là yêu cầu cần thiết, song theo TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), chúng ta chưa thể vội vàng đi ngay lên sản xuất lớn như các nước được.

Thay vào đó, cần bắt đầu từ việc gia tăng sức mạnh cho các hộ chăn nuôi nhỏ bằng cách liên kết họ lại với nhau. TS Lưu Bích Hồ dẫn chứng, ở Côn Minh (Trung Quốc) có hàng ngàn hộ nông dân trồng hoa để xuất khẩu nhưng luôn có một DN trung tâm kết nối thành một mạng lưới vững chắc.

Theo nhận định của các chuyên gia, những nước lớn như Mỹ, Australia, New Zealand… có nền nông nghiệp rất mạnh, có khả năng thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn khối TPP nói chung và cấu trúc ngành chăn nuôi nói riêng.

Đáng lo ngại là các nông hộ nhỏ, thậm chí ngay cả không ít DN cũng khá "mù mờ" về hội nhập cũng như tác động của TPP sắp tới. Bởi vậy, rất có khả năng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chính là đối tượng chịu thiệt thòi trước tiên vì phản ứng chậm chạp với diễn biến của thị trường.

Tháo gỡ rào cản

Chăn nuôi là ngành nhạy cảm và chịu tác động tiêu cực nhiều nhất trong nông nghiệp khi mở cửa thị trường. Đặc biệt, khi nước ta tham gia TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Để thích ứng với tiến trình này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo triển khai đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, song cho đến nay kết quả thu được còn rất hạn chế.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi trong nước khi gia nhập TPP là chính sách. Cụ thể, hiện nay mặc dù đã được cắt giảm, song mỗi quả trứng vẫn "cõng" 14 loại phí, trong khi đó chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ còn rất hạn chế. Đây là những bất cập cần phải được tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, chính sách tín dụng cho chăn nuôi đang bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn, lãi suất vay vốn từ các ngân hàng thương mại cho các DN vừa và nhỏ hiện đang ở mức 12%, trong khi đó ở Mỹ chỉ là 0,5%, Thái Lan 3%, Trung Quốc 5% nên DN chăn nuôi Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Hơn nữa, tỷ giá VND so với đồng đô la Mỹ cũng rất bất lợi cho việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi - yếu tố cấu thành phần lớn giá thành sản phẩm. Điều này lý giải, vì sao Thái Lan cũng có dịch bệnh như ở Việt Nam song mỗi năm nước này vẫn xuất khẩu được tới 4 tỷ USD thịt gà công nghiệp. Do đó, theo ông Lê Bá Lịch, bên cạnh việc quan tâm thích đáng tới các hộ chăn nuôi nhỏ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn để DN đủ mạnh và phù hợp với chu kỳ sản xuất.


Nghề nuôi nhím người dân không còn mặn mà Nghề nuôi nhím người dân không còn mặn… Đưa vào vận hành 05 máy phun thuốc bảo vệ thực vật công suất lớn Đưa vào vận hành 05 máy phun thuốc…