Trà ô long Lâm Đồng đang bế tắc
Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Trạm Hành, Đà Lạt có 4 ha chè ô long và đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Fusheng trong 20 năm.
Mới đi nửa chặng đường thì vài tháng trở lại đây, Fusheng thu mua cầm chừng và thông báo từ tháng 1/2016 sẽ ngưng mua.
Theo ông Thắng, đầu tư trồng trà ô long mất rất nhiều vốn, tốn khoảng 300 triệu đồng/ha và khi đã có thu hoạch thì công chăm sóc, phân bón, phòng bệnh và cả những thứ cao cấp mà cây chè ô long "phải ăn" như sữa, mật ong cũng ngốn trên 20 triệu đồng/ha/tháng.
"Với giá bán 30.000 đồng/kg trà tươi như lâu nay, việc trồng chè của chúng tôi tương đối ổn vì mỗi hecta hàng năm cho thu hoạch 17-20 tấn chè tươi.
Còn bây giờ công ty ngừng thu mua thế này, gia đình không biết lấy đâu ra tiền để duy trì vườn chè, chuyện đứt gánh, vỡ nợ là khó tránh khỏi", ông Thắng lo lắng nói.
Cùng chung cảnh ngộ như ông Thắng, nhiều hộ phải bấm bụng bán rẻ cho một số đầu mối thu mua khác với giá 25.000 đồng/kg dù biết chắc là lỗ.
Thậm chí, có người phải đưa đi bán trôi nổi với giá 15.000 đồng.
Người trồng chè ô long ở Lâm Đồng đang điêu đứng vì không tiêu thụ được.
Bà Lê Thanh Định, Phó giám đốc Công ty Fusheng cho biết, tháng 4 vừa qua, công ty bị đối tác bên Đài Loan trả lại 10 tấn trà thành phẩm và từ đó tới nay không xuất đi được lô hàng nào, hiện tồn kho 70 tấn.
Kho bãi cũng không còn sức chứa, tiền nhân công và mọi chi phí khác dù đã tiết kiệm tối đa vẫn không giải quyết được vấn đề vì sản phẩm không bán được.
Trước mắt, công ty dự định chuyển dịch một phần kinh doanh sang...trồng hoa.
Ông Đoàn Trọng Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, đồng thời cũng là chủ một doanh chè ở Lâm Đồng cho biết, lượng trà ô long thành phẩm của các doanh nghiệp đang tồn kho không xuất được đã lên tới 2.000 tấn.
Nhiều doanh nghiệp bị đối tác nợ tiền hàng, trong khi lượng trà bán ra bị hạn chế chỉ bằng một phần ba, thậm chí thấp hơn so với trước đây.
Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp chuyên trồng, kinh doanh và chế biến trà ô long xuất khẩu, trong số này có 24 doanh nghiệp 100% vốn từ Đài Loan và 95% sản lượng trà ô long của Lâm Đồng từ trước tới này được xuất khẩu sang thị trường này, số còn lại tiêu thụ nội địa.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có 24.000 hecta chè, trong đó diện tích chè ô long khoảng 4.000ha, tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm, Bảo Lộc và Đà Lạt, sản lượng trung bình đạt 18 tấn một hecta mỗi năm.
Hiện các doanh nghiệp trà ô long ngoài việc thuê đất canh tác thì phương thức liên kết với nông dân vẫn là chủ yếu.
Doanh nghiệp lớn liên kết từ 30 đến 40 hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ thì liên kết làm ăn với trên 10 nông hộ.
Quy mô của mỗi nông hộ từ một đến 5 hecta.
Hơn 10 năm trước giống chè cao cấp ô long được du nhập vào Lâm Đồng bởi những doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc).
Vào thời điểm năm 2000, hàng chục doanh nghiệp xin giấy phép đầu tư trồng chè ô long tại đây và xuất trực tiếp về Đài Loan.
Việc lập doanh nghiệp, thuê đất trồng chè và cả liên kết với nông dân diễn ra suôn sẻ trong thời gian khá dài.
Nửa đầu năm 2014, các doanh nghiệp trồng và chế biến chè ô long ở Lâm Đồng bất ngờ bị một “cú đòn’’ từ phía Đài Loan khi có thông tin cho rằng chè ở Lâm Đồng được trồng ở những vùng đất bị nhiễm dioxin từ thời chiến tranh.
Thông tin này lập tức khiến hàng chục container chè của các doanh nghiệp từ Lâm Đồng bị ách và lưu kho tại cảng không cho thông quan, thậm chí hải quan Đài Loan cũng không tiến hành kiểm tra mẫu.
Đây cũng là lúc những doanh nghiệp cùng ngành nghề tại Đài Loan bắt đầu xuất khẩu mạnh trà ô long vào nội địa Trung Quốc.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp trà ở Lâm Đồng phải chạy đôn chạy đáo, cơ quan chức năng Lâm Đồng cũng vào cuộc và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm để chứng minh nguồn gốc canh tác.
Sau đó mọi việc trở lại bình thường, nhưng đến tháng 4/2015, trà ô long Lâm đồng lại bị cho là chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Từ đó đến nay, việc xuất khẩu trà ô long vào thị trường Đài Loan bị đình trệ.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh hiện nay giữa các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư ở việt Nam và doanh nghiệp trồng chè ô long tại Đài Loan là rất khó can thiệp, một dạng như "gà nhà đá nhau".
Việc quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là vô cùng quan trọng với hàng hóa xuất khẩu, nhưng tiêu chuẩn trà ô long mà Đài Loan đặt ra với trà Lâm Đồng hiện nay thì không thể đáp ứng khi yêu cầu dư lượng hoạt chất fipronil ở mức 0,001ppm, trong khi Nhật Bản là 0,002ppm và tiêu chuẩn chung của thế giới là 0,005ppm.
Ông Sơn cho biết, hiện Lâm Đồng đang có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho trà ô long, nhưng về lâu dài để giải quyết rốt ráo vấn đề, cần phải mở rộng thêm nhiều thị trường mới, không thể là 95% sản lượng chè ô long phải vào Đài Loan.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ