Mô hình kinh tế Trà Rau Má, Hướng Đi Mới Của Quảng Thọ (Thừa Thiên Huế)

Trà Rau Má, Hướng Đi Mới Của Quảng Thọ (Thừa Thiên Huế)

Ngày đăng 18/12/2013

Trà Rau Má, Hướng Đi Mới Của Quảng Thọ (Thừa Thiên Huế)

Từ lâu, rau má trở thành cây trồng giúp người dân Quảng Thọ (Thừa Thiên Huế) thoát nghèo. Giờ đây, khi dự án “Sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap” được triển khai với hướng xây dựng “trà rau má” tiếp tục mở ra hướng đi mới cho kinh tế của địa phương này.

Hiệu quả kinh tế

Có mặt tại cánh đồng rau má Phước Yên, chúng tôi như được truyền thêm sinh lực nhờ màu xanh của cánh đồng rau và không khí thu hoạch của người dân nơi đây. Không thua kém gì phụ nữ, những người đàn ông có mặt trên cánh đồng rau, tay thoăn thoắt cắt từng vạt rau bỏ vào giỏ.

Trong đợt lụt giữa tháng 11 vừa qua, cánh đồng rau má Quảng Thọ bị thiệt hại gần như hoàn toàn, thế nhưng chỉ sau một thời gian, cánh đồng rau ngã màu vàng úa lại được phủ xanh. Thậm chí còn tươi tốt hơn so với thời điểm trước đó. Những người dân Phước Yên, nói rằng ở chân đất bùn, rau má có thể đạt năng suất từ 4 tạ đến 5 tạ/sào/lứa thu hoạch, còn chân đất cao thu khoảng 2,5 tạ đến 3 tạ/sào/lứa.

Ngoài thời gian thu hoạch, người dân chỉ cần tiến hành làm cỏ và bón phân với chi phí mỗi sào khoảng 350 ngàn đồng. Nếu giá rau có giảm xuống 2 ngàn đồng/kg thì người dân ở đây cũng không lỗ. Hiện nay, cả thôn Phước Yên có trên 70% số hộ dân trồng rau má, trung bình mỗi ngày làng rau Phước Yên đưa ra thị trường khoảng 10 tấn rau má.

Trên cánh đồng rau má Phước Yên, anh Dũng kể: “Hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng các loại hoa màu khác, thời gian sinh trưởng ngắn, kỹ thuật chăm sóc đơn giản nên nhiều gia đình chuyển sang trồng rau má. Riêng gia đình tôi trồng 4 sào, với giá bán lúc thấp nhất khoảng 5 ngàn đồng, cao nhất lên đến 15 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 50 triệu đồng từ rau má”.

Ông Hoàng Công Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, cho biết: Trước đây, người dân Quảng Thọ chủ yếu trồng các loại rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Từ năm 2002, nhận thấy cây rau má cho hiệu quả kinh tế cao nên bà con mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa vùng cao, thiếu nước, vùng sản xuất các loại hoa màu cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây rau má.

Hiện nay, toàn xã đưa vào trồng 37 ha rau má, tập trung ở các thôn: Phước Yên, La Vân Thượng, Tân Xuân Lai; trong đó, thôn Phước Yên đưa vào trồng 34 ha. Bình quân mỗi ha rau má cho thu nhập 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hiệu quả kinh tế khá cao gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa và rau màu khác. Nhờ trồng rau má, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Thọ trở nên khấm khá hơn. Từ địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì huyện, đến nay hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 7,5%.

Triển vọng với mô hình “trà rau má”

Trước đây, người dân trồng rau má có thói quen hễ phát hiện có sâu bệnh là phun thuốc bảo vệ thực vật, tạo nên tâm lý e ngại khi sử dụng rau má ở nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap, thói quen canh tác của người dân dần thay đổi. Ban đầu, khi đưa mô hình sản xuất rau sạch theo hướng Vietgap vào sản xuất chỉ có 1,6ha. Nhưng hiện nay, HTX Quảng Thọ 2 phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản mở rộng mô hình này lên 30ha, với 210 hộ tham gia. Áp dụng mô hình này, người dân được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau má theo hướng an toàn.

Nội dung tập trung vào vấn đề quản lý đầu vào, quản lý sâu bệnh, định hướng và biện pháp sử dụng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thu hoạch - sơ chế và bảo quản, phương pháp ghi chép và lưu trữ hồ sơ (nhật ký sản xuất đồng ruộng). Quá trình tập huấn diễn ra trong suốt vụ sản xuất và theo từng giai đoạn sinh trưởng của rau; kết hợp tập huấn lý thuyết trong phòng với tập huấn tại nơi sản xuất nhằm hướng dẫn bà con nông dân cách làm đất, ủ phân, cách phát hiện các đối tượng sâu bệnh...

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết: “Quá trình tập huấn giúp người dân nắm được các quy trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đây tạo ra thương hiệu rau sạch. Việc phát triển mô hình rau má theo hướng Vietgap đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm rau má Quảng Thọ nói riêng và rau sạch Quảng Điền nói chung.

Trong khuôn khổ dự án, HTX Quảng Thọ 2 tiến hành xây dựng cơ sở thu mua rau má, xây dựng hệ thống nhà xưởng và thiết bị máy móc sản xuất trà rau má. Song song với hoạt động trên, HTX tiến hành đăng ký thương hiệu và mẫu mã bao bì “Trà rau má Quảng Thọ”. Điều này không chỉ giúp bà con giải quyết tình trạng tiểu thương ép giá mà còn tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.

Anh Nguyễn Lương Trí, Chủ nhiệm HTX Quảng Thọ 2 cho biết: “Với nhiều địa phương, mô hình trà rau má không còn mới lạ, nhưng đối với Quảng Thọ nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung đây là mô hình hoàn toàn mới. Sản xuất trà rau má trên cơ sở sản xuất rau theo hướng Vietgap mở ra một hướng phát triển mới cho địa phương. Rau sạch sau khi thu hoạch sẽ được cơ sở thu mua xử lý ô zôn và phân phối cho thị trường, phần còn lại sẽ được đưa vào sản xuất trà rau má cung cấp cho thị trường. Những hộ tham gia dự án phải cam kết sản xuất rau theo hướng Vietgap để đảm bảo chất lượng cũng như độ an toàn cho sản phẩm trà rau má sau này.


Công Ty Mía Đường Hỗ Trợ Dân Giữ Diện Tích Mía Công Ty Mía Đường Hỗ Trợ Dân Giữ… Tiết Kiệm Được 177,7 Tỉ Đồng Từ Giảm Thất Thoát Sau Thu Hoạch Lúa Tiết Kiệm Được 177,7 Tỉ Đồng Từ Giảm…