Mô hình kinh tế Trà Vinh Khai Thác Và Nuôi Trồng Thủy Sản Tiếp Tục Phát Triển Ổn Định

Trà Vinh Khai Thác Và Nuôi Trồng Thủy Sản Tiếp Tục Phát Triển Ổn Định

Ngày đăng 27/01/2015

Trà Vinh Khai Thác Và Nuôi Trồng Thủy Sản Tiếp Tục Phát Triển Ổn Định

Trong phát triển kinh tế biển ở Trà Vinh chủ yếu tập trung vào 03 lĩnh vực: khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Năm 2014, nhìn chung sản lượng của 02 lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển và ổn định.

Tổng sản lượng thủy sản 177.900 tấn (đạt 103,06% kế hoạch), tăng 23.368 tấn so với năm 2013, trong đó, sản lượng nuôi 99.550 tấn, tăng 18.284 tấn (đạt 102,79% kế hoạch), sản lượng khai thác 78.390 tấn, tăng 5.083 tấn (đạt 103,42% kế hoạch). Đây là điều kiện thuận lợi để năm 2015 tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tận dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.
Năm 2014, về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đối với các huyện vùng ven biển đã được nông dân chuyển mạnh từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng (giảm 6.486ha nuôi tôm sú, tăng 2.860ha nuôi tôm thẻ chân trắng), chuyển 2.000ha từ nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, nâng diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp lên 8.600ha, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Tiếp tục thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị con tôm sú và con nghêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các địa phương triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình cộng đồng quản lý nghêu, mô hình sản xuất rừng - tôm bền vững. Trong khai thác hải sản đã từng bước xây dựng mô hình liên kết khai thác - dịch vụ hậu cần gắn với hình thức sản xuất tổ, đội trên biển để phát huy lợi thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản thế mạnh của tỉnh.
Trong năm 2014, đã có 12 tàu cá được cải hoán và đóng mới (10 tàu công suất > 90CV), nâng số tàu khai thác trong tỉnh lên 1.290 chiếc (có 191 tàu có công suất > 90CV), tổng công suất trên 85.000CV, tăng 3.540CV so với cùng kỳ, góp phần nâng sản lượng khai thác lên 44.020 tấn (tôm 7.500 tấn), tăng 3.660 tấn (tôm 1.300 tấn) so cùng kỳ.
Đối với dịch vụ hậu cần nghề cá, hiện toàn tỉnh có 80 cơ sở thu mua, sơ chế, kinh doanh thủy sản (60 cơ sở thu mua, 03 cơ sở sơ chế, còn lại là cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản quy mô nhỏ). Thường xuyên kết hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và địa phương giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự khu vực 02 cảng cá, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân đưa tàu vào nơi neo đậu an toàn khi xảy ra mưa bão. Hàng năm có khoảng 16.000 lượt tàu, xe ra vào cảng, bốc dỡ trên 19.000 tấn hàng hoá.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng của kinh tế biển, trong nuôi thủy sản cần tiếp tục thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị con tôm sú, đồng thời duy trì hình thức nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm luân canh với trồng lúa. Các địa phương vùng ven biển cũng đã xác định đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu sò là mặt hàng chiến lược và là sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của tỉnh cần ưu tiên phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học; kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú y thủy sản và những tác động của sản xuất đến môi trường để có những giải pháp khắc phục kịp thời. Nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng con giống đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi thủy sản.
Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là giải quyết điện cho các vùng nuôi tập trung, công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên cái khó khăn trong thời gian qua ở Trà Vinh là chưa triển khai thực hiện được liên kết “4 nhà” trong nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh cần có các chính sách, thể chế cụ thể để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có đầy đủ các tiềm lực về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ tham gia phát triển nuôi tôm trong tỉnh.
Theo kế hoạch phát triển năm 2015, trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng sẽ phấn đấu đạt tổng sản lượng 193.600 tấn (tăng 13.177 tấn so năm 2010). Về thủy sản nuôi trồng: Diện tích thả nuôi 50.900ha (tăng 1.377ha), trong đó diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh 8.600ha, tăng gần 10% so với năm 2010.
Sản lượng 110.600 tấn (tăng 13.753 tấn), gồm các đối tượng chính như tôm sú 14.080 tấn, tôm chân trắng 16.000 tấn, cua biển 10.000 tấn, cá tra 10.000 tấn, cá lóc 18.000 tấn. Thủy sản khai thác (nội đồng và khai thác biển), sản lượng khoảng 83.000 tấn. Đồng thời, mở rộng đầu tư một số nghề mới du nhập vào tỉnh như lưới rê hỗn hợp, cào cá ngựa, do có chi phí thấp, hiệu quả đánh bắt cao góp phần đa dạng ngành nghề, giảm áp lực khai thác vùng ven bờ.
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm 2015, ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong nuôi trồng thủy sản tiếp tục khuyến khích phát triển theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại có giá trị kinh tế và xuất khẩu, quy hoạch, bố trí lại vùng nuôi tôm, cá tập trung.
Về lĩnh vực khai thác, thực hiện cập nhật kịp thời thông tin, số liệu về trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi hải sản, dự báo ngư trường khai thác, phân định ngư trường, vùng biển, tuyến khai thác. Phát triển đội tàu khai thác trên cơ sở ưu tiên phát triển đội tàu công suất lớn, đánh bắt các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao. Từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác.
Phát triển khai thác gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác chỉ đạo khai thác theo ngư trường, mùa vụ và tập trung sản xuất theo tổ, đội, theo nghề và kiểm soát hoạt động của các đội tàu thông qua giấy phép khai thác. Xây dựng mô hình sản xuất kinh tế hợp tác trong khai thác, hậu cần dịch vụ nhằm tập trung sức mạnh tập thể, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và rủi ro do thị trường và từ các hoạt động ngành nghề.
Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, cơ sở đóng, sửa tàu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, sản xuất nước đá…), nâng cao nhân lực đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển ngành khai thác. Từng bước phát triển đội tàu dịch vụ, thu mua, bảo quản và sơ chế sản phẩm trên biển để tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho các đội tàu đánh bắt.


Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Sông Mã Ở Huyện Bá Thước (Thanh Hóa) Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi… Sản Lượng Khai Thác Biển Trong Tháng Đầu Năm 2015 Tăng Sản Lượng Khai Thác Biển Trong Tháng Đầu…