Trái cây Thái vào Việt Nam vẫn tăng dù...cảnh báo không an toàn
Hàng Thái Lan “soán ngôi” Trung Quốc
Dù còn đang mùa nắng nóng, sản lượng trái cây nhập khẩu về chưa nhiều, nhưng quầy hàng của ông Mười Hai, chủ vựa trái cây E3 tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) vẫn luôn rộn ràng, tấp nập.
Ông Mười Hai chia sẻ, mỗi ngày ông tiêu thụ khoảng 1 tấn măng cụt nhập từ Thái Lan, còn các loại trái cây Thái Lan khác như bòn bon, chôm chôm, mỗi loại khoảng 2 – 3 tấn/ngày… Vào đầu mùa mưa, khi giá thành hạ, lượng bán ra sẽ tăng lên nữa. Nghịch lý là các sản phẩm trái cây này còn được ông bán sỉ về tận “vương quốc cây ăn trái” ở miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang…
Ông Mười Hai cho biết giá chôm chôm Thái Lan nhập khẩu hiện ở mức 40.000 đồng/kg, bòn bon, măng cụt ở mức 70.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm 2015. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ vẫn rất tốt. Người tiêu dùng trong nước lại chuộng các loại bòn bon, măng cụt nhập khẩu hơn là sản phẩm nội địa do trái to, cơm dày, chất lượng cũng đáng tin hơn so với hàng Trung Quốc…
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, liên tục trong những năm gần đây, lượng nhập khẩu các loại rau củ quả từ Thái Lan vào Việt Nam ngày càng tăng cao. Thái Lan cũng đã “soán ngôi” Trung Quốc, xếp đầu bảng trong số các nước nhập khẩu trái cây vào Việt Nam.
Theo đó, trong tháng 4 đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu các loại rau củ quả trị giá 204 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, nhập khẩu trái cây từ Thái Lan dẫn đầu với trị giá hơn 59 triệu USD, chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây cả nước.
Còn theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM), chỉ riêng ở cảng Cát Lái tính từ tháng 5.2015 đến nay, lượng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 4.000 tấn, chủ yếu các sản phẩm sấy khô như me, xoài, sầu riêng…
TS Lương Ngọc Trung Lập- Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), cho rằng lợi thế của Thái Lan là nền sản xuất tiên tiến, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn nên giá thành thấp, năng suất, chất lượng khá đồng đều và ổn định. Ví dụ như măng cụt Thái Lan, vào mùa rộ họ chỉ bán có 7.000 - 8.000 đồng/kg, sầu riêng giá 14.000 - 15.000 đồng/kg, quá rẻ so với măng cụt, sầu riêng Việt Nam.
“Ngoài ra, Thái Lan cũng đã xây dựng và phát triển thương hiệu trái cây xuất khẩu rất bài bản, không chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên toàn thế giới nên dễ lấy được lòng người tiêu dùng”- ông Lập cho biết thêm.
Trái cây Thái Lan có an toàn?
Nhiều người cho rằng, trái cây Thái an toàn và đáng tin cậy hơn các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Do đó, khi trái cây Thái Lan tràn vào thị trường Việt đã được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng trái cây Thái Lan có thực sự an toàn?
Nếu trước đây, trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có một số sản phẩm đặc trưng như chôm chôm, me, bòn bon, mây, thì nay số chủng loại đã tăng lên rất nhiều. Các loài trái cây nổi tiếng vùng ĐBSCL như xoài, quýt, sapôchê (hồng xiêm), sầu riêng, mít, và cả táo xanh Thái... đều có nhiều ở chợ và các cửa hàng.
Mới đây, Hệ thống Cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) đã gửi mẫu các loại nông sản có dán nhãn an toàn của Văn phòng quốc gia Thái Lan về Hàng hóa nông nghiệp và Tiêu chuẩn thực phẩm (nhãn Q) đi kiểm tra mức tồn dư các chất độc hại. Kết quả, có đến 57,1% các mẫu sản phẩm đưa đi kiểm tra có lượng chất độc hại vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, có đến 100% mẫu cam và ổi được xét nghiệm có chất độc hại vượt mức cho phép. Thanh long, đu đủ, xoài Nam Dok Mai có lượng tồn dư chất độc lần lượt là 71,4%, 66,7% và 44,4%. Thậm chí, 25% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ (organic) – tức sản phẩm có mức độ an toàn vượt trên cả sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP hay EuroGAP, cũng bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép.
TS Nguyễn Minh Châu – nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), cho rằng người tiêu dùng Việt Nam vẫn nghĩ trái cây Thái Lan thì an toàn hơn trái cây Trung Quốc. Do đó, kết quả kiểm nghiệm trên của Thai-PAN làm nhiều người bất ngờ.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, việc lượng nhập khẩu trái cây nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng cao, chứng tỏ nhu cầu trong nước còn rất cao. Thế nhưng, người tiêu dùng trong nước đang rất băn khoăn về chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Hiện nay ra đường, các hàng trái cây hàng nào cũng ghi chữ Thái Lan, từ me, ổi, sầu riêng… Mới đây, các đại gia người Thái mua lại hệ thống siêu thị BigC và Metro, càng tạo điều kiện cho hàng Thái Lan tràn vào Việt Nam. Điều đáng lo ngại, cơ quan chức năng trong nước tới nay chưa xử lý kịp trong kiểm soát hàng nhập khẩu.
“Quản lý an toàn thực phẩm được chia làm 4 nhóm, gồm nhóm có kim loại nặng, nhóm có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhóm vi sinh vật gây bệnh và nhóm có lượng nitrat vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, các hàng rào kỹ thuật này của Việt Nam còn khá “cũ kỹ”, chưa cập nhật được thì làm sao đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng?”- ông Nghĩa nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ