Trần Thị Hải Bình: Nhà khoa học nữ với nhiều nghiên cứu hữu ích
Nhiều năm liên tục có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học hữu ích, được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Trần Thị Hải Bình là một trong 400 gương mặt điển hình tiên tiến của cả nước được tuyên dương, khen thưởng vì những cống hiến hữu ích cho cộng đồng.
Nhà khoa học Trần Thị Hải Bình (Nam Định) - một trong 400 gương điển hình tiên tiến của cả nước.
Chị Trần Thị Hải Bình hiện là Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định. Chị tâm niệm: Khoa học cần gắn liền với thực tiễn, các nghiên cứu đều phải xuất phát từ những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, hướng đến tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường
Mỗi năm một sáng kiến
Là một kỹ sư thủy sản, gắn bó với cơ sở, thường xuyên có mặt ở các khu vực nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trong tỉnh, chị Nguyễn Thị Hải Bình hiểu rõ những vất vả của người nuôi trồng thủy sản. Chỉ cần một tác động nhỏ của môi trường, các tác nhân như nước nhiễm độc thì thủy hải sản đều có nguy cơ bị bệnh cao, lây lan nhanh khiến người dân có nguy cơ trắng tay. Hơn nữa, lâu nay người nuôi thường chủ quan, phần lớn chưa biết cách phòng bệnh cho thủy hải sản, chỉ đến khi phát hiện bệnh mới xử lý. Thêm vào đó, việc người dân lạm dụng hóa chất để xử lý nước, dùng các loại thuốc, chế phẩm sinh học để xử lý dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Với mong muốn tìm ra phương pháp dựa vào tự nhiên, không phụ thuộc vào hóa chất công nghiệp , chị Bình đã vận dụng kiến thức cũng như kinh nghiệm trong quá trình công tác, tập trung tìm tòi, nghiên cứu đưa ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời hướng đến sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Đến nay, sau 15 năm công tác, mỗi năm chị đều có một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được các cơ quan chuyên môn của tỉnh đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Nam Định.
Có thể kể đến một số sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học của chị Bình như: Sử dụng rơm rạ dư thừa ở nông thôn để sản xuất giá thể trồng rau mầm chất lượng cao bằng công nghệ sinh học. Đặc biệt phải kể đến 2 nghiên cứu tiêu biểu: “Sử dụng lá sắn thuyền chữa bệnh đốm đỏ cho cá trắm cỏ trong giai đoạn chuyển mùa” và “Nghiên cứu hệ thống thoát khí độc Hidrosunfua trong ao nuôi trồng thủy sản” đã được trao giải thưởng KOVA năm 2014 về khoa học công nghệ ứng dụng mang lại hiệu quả cao cho xã hội, cộng đồng...
Phòng, chữa bệnh hiệu quả cho cá, tôm
Cá trắm cỏ là một loài cá ăn thực vật, dễ nuôi, chi phí thấp, thịt thơm ngon. Thế nhưng cứ vào dịp cuối xuân đầu hè hoặc cuối thu đầu đông, cá trắm cỏ hay bị nhiễm vi khuẩn gây lở loét, xuất huyết nội tạng và chết hàng loạt trong thời gian từ 2 - 4 ngày. Việc sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trị bệnh nhiều khi không hiệu quả. Các chất tồn dư trong thịt cá gây ảnh hưởng cho sức khỏe người sử dụng và tác động xấu cho môi trường.
Các tài liệu y học cổ truyền có viết về công dụng kháng khuẩn mạnh, tiêu viêm và làm lành các vết thương của lá sắn thuyền, chị Hải Bình đã vận dụng linh hoạt, sử dụng lá sắn thuyền một cách hợp lý để trị bệnh cho cá. Thực chất đây là giải pháp hiệu quả nâng cao sức đề kháng cho cá. Cây sắn thuyền thân to, lá gần giống lá chè, mọc nhiều ở các vùng quê nên rất dễ tìm kiếm.
Năm 2010, chị Bình tiến hành "trị bệnh" cho cá tại 2 ao nuôi của gia đình anh Phạm Ngọc Quyền và Trần Văn Phượng đều ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, với diện tích 3 ha mặt nước. Ban đầu, chị để nguyên lá thả xuống ao, số lượng ít nên chưa hiệu quả. Rút kinh nghiệm, lần sau chị cắt nhỏ lá sắn, bỏ vào bao lưới thả xuống các góc ao với số lượng 50kg lá/100 m3 nước. Sau 3 - 4 ngày, khi các chất trong lá sắn ngấm ra nước ao đã cho thấy tín hiệu rõ rệt, cá khỏi bệnh, nhanh lớn...
Sau 2 năm nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, nghiên cứu khoa học “Sử dụng lá sắn thuyền chữa bệnh đốm đỏ cho cá trắm cỏ trong giai đoạn chuyển mùa” của chị Bình đã được cơ quan chức năng tỉnh Nam Định xác nhận, phổ biến rộng rãi cho bà con trong tỉnh áp dụng để trị bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ.
Vừa hoàn thành nghiên cứu điều trị bệnh cho cá trắm cỏ, chị Trần Thị Hải Bình lại bắt tay ngay vào tìm giải pháp phòng bệnh cho tôm. Chứng kiến cảnh những đầm tôm đầu tư hàng trăm triệu đồng của bà con chết trắng ao đã thôi thúc chị bắt tay vào “Nghiên cứu hệ thống thoát khí độc Hidrosunfua trong ao nuôi trồng thủy sản” để tìm ra nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người dân.
Chị Bình cho biết: Nuôi tôm công nghiệp mật độ từ 10 - 40 con/m2 khiến lượng chất thải của tôm vào môi trường nước rất lớn. Chất thải tích tụ lâu dưới đáy ao, gặp thời tiết bất lợi tạo điều kiện cho sinh vật yếm khí phát triển, vi khuẩn khử lưu huỳnh gây nên khí độc Hidrosunfua. Đây là một dạng khí độc phổ biến xuất hiện dưới ao nuôi tôm gây bệnh cấp và mạn tính cho tôm, khiến tôm chết dần hoặc chết ngay.
Trước đây, người dân thường nạo vét đáy, xử lý đầm nuôi bằng men vi sinh hoặc hóa chất nhưng rất tốn kém, không hiệu quả do không thể loại bỏ khí độc khỏi ao. Chị Bình đã tìm ra giải pháp đưa Oxy xuống vùng tích tụ chất thải để ngăn quá trình hình thành khí độc Hidrosunfua. Chị thiết kế hệ thống ống nhựa, có lỗ xung quanh, liên kết theo khung hình thang. Ống thẳng cao khoảng 2m, ống ngang dài 1m, đặt gần các máy sục khí. Hệ thống lưu thông không khí này sẽ được đặt xuống ao ngay khi bắt đầu thả tôm.
Lúc đầu, chị áp dụng thí điểm tại 6 ao nuôi tôm của gia đình anh Nguyễn Văn Công ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy. Kết quả cho thấy, những yếu tố bất lợi của môi trường không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm, con nuôi lớn nhanh, không bị nhiễm độc, năng suất cao hơn. Mặt khác , chi phí lắp đặt giải pháp này thấp, người dân không mất công nạo vét ao nuôi cũng như mua các chế phẩm làm sạch ao, từ đó giảm nguồn vốn đầu tư.
Nghiên cứu hệ thống thoát khí độc Hidrosunfua trong ao nuôi trồng thủy sản của chị Trần Thị Hải Bình đã được các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định xác nhận, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi tôm của 13 tỉnh, thành phố trong nước áp dụng...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ