Mô hình kinh tế Trăn Trở Đầu Ra Sản Phẩm Táo

Trăn Trở Đầu Ra Sản Phẩm Táo

Ngày đăng 22/07/2014

Trăn Trở Đầu Ra Sản Phẩm Táo

Mặc dù thời gian “định cư” ở Ninh Thuận chưa lâu nhưng cây táo xanh đã nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Táo Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể. Tuy vậy, đầu ra bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường là thực tế khiến nhiều nông dân lo lắng.

Chính vụ trái cây, táo xanh rớt giá

Khi câu chuyện vải thiều ở các tỉnh phía Bắc chưa “hạ nhiệt” thì tại tỉnh Ninh Thuận, giá táo xanh “rớt” xuống chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, loại đẹp nhất cũng chỉ ở mức 5.000 đồng/kg. Thực tế này khiến không ít người trồng táo lo lắng. Mặc dù mỗi năm, cây táo cho thu hoạch từ 2 - 3 lứa, nhưng vào các tháng 5, 6, 7 âm lịch được cho là chính vụ của loại cây trồng này. Các điểm thu mua, đóng gói táo xanh mọc lên như “nấm” sau mưa.

Đặc biệt, có điểm “mượn” ngay những khoảng đất trống hai bên đường để tập kết, mua bán táo. Chạy dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh nông dân chở các bao táo xanh đến các điểm thu mua.

Bà Võ Thị Ngọc Quý, chủ vựa trái cây Quý Hiệp (phường Đô Vinh, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết, mỗi ngày cơ sở này thu mua từ 5 – 7 tấn táo xanh, xuất bán đến các thị trường Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Hiện đang là mùa trái cây nên giá táo xuống thấp, nhu cầu các nơi cũng không nhiều như những thời điểm khác trong năm.

Táo xanh là cây trồng cho sản lượng khá cao, năng suất hái mỗi lứa thường dao động từ 3–5 tạ/sào. Nhiều nông dân cho biết, không ít chủ vựa yêu cầu nhà vườn phải thu hoạch cầm chừng, thay vì mỗi lứa táo hái cách nhau từ 3 – 5 ngày như trước đây thì nay phải hái rải ra trong tất cả các ngày, mỗi ngày một ít để dễ tiêu thụ. Phần lớn sản phẩm táo xanh được bán để ăn tươi, thời gian bảo quản chỉ từ 5 – 7 ngày.

Hiện tại, chỉ có Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi (phường Tấn Tài, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) có sản phẩm táo tẩm mật nho sấy khô. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Minh Thư, chủ cơ sở này cho biết thì mỗi ngày, cơ sở Viết Nghi cũng chỉ chế biến từ 0,7 – 1 tấn táo tươi. Con số này vẫn còn quá nhỏ so với sản lượng táo xanh trên toàn tỉnh. Các sản phẩm khác từ táo như mứt, rượu, si-rô,… cũng chưa có.

VietGAP – “chìa khóa” mở cho đầu ra

Để sản phẩm táo xanh Ninh Thuận có chỗ đứng trên thị trường, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận vào cuối tháng 11-2013.

Việc sử dụng nhãn hiệu “Táo Ninh Thuận” phải thực hiện theo những quy chế nghiêm ngặt. Theo ông Nguyễn Văn Tính, Trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh, sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu “Táo Ninh Thuận” phải là sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Tín cũng cho biết thêm, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào trong tỉnh sử dụng nhãn hiệu này. Ông lý giải: Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể mới chỉ là bước đi đầu tiên.

Hội Nông dân tỉnh vừa qua đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ Tam nông mở các lớp tập huấn sử dụng nhãn hiệu tập thể cho nông dân và các cơ sở kinh doanh. Nhân tố quan trọng trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể này chính là người sản xuất, mà cốt lõi là phải vận động nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tổng diện tích táo toàn tỉnh hiện đã lên đến trên 1.180 ha. Trong đó, chỉ có khoảng 50 ha trồng theo hướng VietGAP, rải rác ở các xã An Hải, Phước Sơn, Phước Hậu, Phước Vinh (huyện Ninh Phước); Nhơn Sơn, Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn); phường Văn Hải (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm),…

Theo ông Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn thì 2,5 ha táo xanh VietGAP trồng thử nghiệm ở địa phương hiện vẫn phải bán cho tư thương bên ngoài với giá ngang với táo thường. Chưa có đầu mối thu mua táo VietGAP nên người trồng theo mô hình đành chịu thiệt.

“Điều đáng ngại là những nông dân khác tỏ ra rất phân vân khi chúng tôi vận động trồng táo sạch. Thực tế họ nhìn thấy là táo VietGAP vẫn phải chịu chung “số phận” với táo thường nên rất khó thuyết phục họ”, ông Tùng tỏ ra lo lắng.

Qua tìm hiểu, được biết cơ sở thu mua nông sản của Trang trại nho Ba Mọi (Phước Thuận – Ninh Phước) có thu mua táo xanh VietGAP với giá cao gấp đôi giá táo thường. Anh Đạo Văn Trở, nông dân thôn Lương Tri (Nhơn Sơn – Ninh Sơn), một trong những hộ đầu tiên của xã trồng táo sạch cho biết, hiện sản phẩm táo xanh nhà anh đang được cơ sở Ba Mọi thu mua với giá 11.000 đồng/kg.

Không những đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, táo VietGAP được chăm sóc kỹ nên trái to, đẹp hơn táo thường rất nhiều. “Trong quá trình chăm sóc, tôi thường ngắt bỏ bớt trái ở những cành đậu nhiều trái, nhờ vậy mà táo ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp, trái ngọt thơm hơn”, anh Trở chia sẻ kinh nghiệm.

Chi phí sản xuất táo VietGAP tuy không cao hơn so với cách sản xuất thông thường nhưng phải áp dụng quy trình nghiêm ngặt trong toàn bộ quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, làm không ít nông dân cảm thấy… “ngại”.

Chưa có nhiều cơ sở kinh doanh đứng ra đảm bảo bao tiêu sản phẩm táo sạch là điều “ngại” thứ hai khiến nông dân chưa thấy được lợi ích bền vững mà quy trình sản xuất VietGAP mang lại. Tuy vậy, chỉ có VietGAP mới là giải pháp giúp sản phẩm táo đạt được giá trị và chỗ đứng trên thị trường.


Nho Ninh Thuận Ngày Càng Teo Tóp Nho Ninh Thuận Ngày Càng Teo Tóp Khi Nông Dân Ngơ Ngác Trên Mảnh Vườn Khi Nông Dân Ngơ Ngác Trên Mảnh Vườn