Trăn Trở Nghề Khai Thác Mực
Với đội tàu khai thác mực hàng trăm chiếc, hằng năm, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cung cấp hàng trăm tấn khô mực cho thị trường trong và ngoài nước. Khô mực Sông Ðốc khẳng định chất lượng vì mềm, ngọt, thơm. Ðó là niềm tự hào của ngư dân Sông Ðốc nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện nay khô mực Sông Ðốc có nguy cơ mai một do đội tàu khai thác mực chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Anh Nguyễn Văn Tươi, ngư dân đánh bắt mực và bạch tuộc ở khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, cho biết, không hiểu vì lý do gì bắt đầu từ tháng 7/2014, giá mực tươi và khô mực giảm từ 40 - 50% so với năm ngoái. Trung bình mỗi chuyến ra khơi câu mực, mỗi chủ ghe như anh Tươi lỗ cả trăm triệu đồng. Nên khi nghe tin có người mua con banh lông có giá, thế là dân làm nghề câu mực mua sắm trang thiết bị đi cào banh lông. Ngư cụ hành nghề này cực kỳ đơn giản, chỉ cần gắn thêm 2 cần và lồng cào phía sau thế là ra khơi.
Con banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn, cát. Trước đây ngư dân các vùng biển hầu như không khai thác loại này. Ðầu năm 2014, thương lái Trung Quốc đến tỉnh Kiên Giang đặt mua con banh lông với giá cao nên ngư dân ở đây tập trung cải tạo ghe thuyền, đầu tư lồng cào để khai thác. Cào con banh lông từ biển lên, ngư dân chỉ việc xẻ làm đôi, bỏ vào thùng ướp muối rồi vào bờ bán cho các vựa hải sản.
Thông tin này lan sang Cà Mau thế là ghe câu mực chuyển nghề. Ðáng nói là từ mức chào giá ban đầu ngất ngưởng gần 1 triệu đồng/kg, nay banh lông rớt xuống chỉ còn trên dưới 150.000 đồng/kg. Do chỉ duy nhất một đầu ra là thương lái Trung Quốc khiến giá cả con banh lông bấp bênh.
Ðồng thời, việc cào xới đáy biển để khai thác loài hải sản này đang huỷ diệt môi trường biển. Nếu như trước đây chỉ cần đưa ghe ra khơi chừng mấy chục hải lý, thả lồng cào là thu hoạch được banh lông, nay phải đi xa gấp đôi, gấp ba mới mong đánh bắt có.
Thời gian gần đây giá mực tươi và mực khô trên thị trường đã tăng trở lại. Mùa câu mực đang đến gần, nếu ngư dân mãi mê “đuổi hình bắt bóng”, chạy theo con banh lông thì khô mực Sông Ðốc sẽ giảm sản lượng và mất dần “thương hiệu”. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên tuyên truyền, giáo dục để ngư dân thấy được lợi bất cập hại của việc chuyển nghề từ câu mực sang cào banh lông.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ