Trăn Trở Tôm Thẻ Chân Trắng
Từ 30-6-2014, “xóa sổ” nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch?
Trong hệ thống Dự án thủy lợi Cầu Sập, những hộ dân có đất canh tác nằm ngoài tuyến đê ven sông Hàm Luông là vùng quy hoạch nuôi tôm biển, còn phần bên trong tuyến đê là vùng không quy hoạch nuôi.
Hiện nay, tại xã An Hiệp (Ba Tri - Bến Tre) xảy ra tình trạng hộ dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch vẫn muốn phát triển nuôi, trong khi các hộ nằm trong vùng quy hoạch thì gần như “kiệt” vốn đầu tư vì con tôm thẻ chân trắng.
Khi tuyến đê ngăn mặn ven sông Hàm Luông chưa định hình, ông Phan Văn Tiền ở xã An Hiệp đã cải tạo 1.000m2 đất nằm cạnh nhà để nuôi tôm sú. Sau một thời gian, ông chuyển sang nuôi cá.
Cá phi thả nuôi 1 năm thu hoạch được 600-700kg. Giá bán cá hoàn toàn tùy thuộc vào thương lái nên lợi nhuận không nhiều. Cách đây 1 năm, Ba Tri tiếp tục triển khai hệ thống thủy lợi nội đồng rộng khắp, khép kín để cùng tuyến đê ven sông Hàm Luông hình thành vùng ngọt hóa, trong đó có xã An Hiệp.
Ông Tiền cải tạo ao để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Để nước trong ao nuôi đủ độ mặn thích hợp cho con tôm thẻ chân trắng, ông Tiền thuê đào một giếng khoan sâu 32m lấy nước mặn, với độ mặn 21%o đưa vào ao pha với nước ngọt, độ mặn giảm còn từ 4-5%o. Tôm thẻ chân trắng thả nuôi từ 2-2 tháng rưỡi đạt kích cỡ thu hoạch. Tính đến thời điểm này, ông Tiền đã thu hoạch được 5 vụ tôm. Vụ thu hoạch gần đây nhất, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 30 triệu đồng.
Ông Tiền cho biết, do tôm rớt giá liên tục nên lãi không nhiều. Vụ thu hoạch trước đó, tôm cỡ 100 con/kg, giá 148.000 đồng/kg, ông thu lãi 135 triệu đồng. Đây cũng là vụ thu hoạch lợi nhuận cao nhất. Ông Tiền nói: Từ khi nuôi tôm thẻ chân trắng đến nay, thu hoạch chưa vụ nào lỗ, trung bình mỗi vụ đều lãi vài chục triệu đồng.
Ông Phạm Văn Cược ở xã An Hiệp, có cái ao diện tích 700m2 dùng để nuôi cá và nuôi vịt cho đẻ trứng. Từ tháng 10-2013, ông cải tạo để nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài vùng quy hoạch. Tôm nuôi 2 tháng rưỡi thu hoạch, kích cỡ 75 con/kg, bán giá 160.000 đồng/kg. Ông thu lãi được 60 triệu đồng.
Vụ thu hoạch mới đây, tôm loại 75 con/kg, giá rớt xuống còn 113.000 đồng/kg, ông còn lãi 35 triệu đồng. Hiện tôm nuôi trong ao được 2 tháng, phát triển rất tốt, khoảng 15-20 ngày nữa là thu hoạch. Ông Cược nói: Chắc chắn là có lãi. Nếu con tôm tăng giá trở lại thì lãi cao.
Theo thống kê của UBND xã An Hiệp, toàn xã có 19,5ha, với 116 hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, tức là nuôi trong vùng ngọt hóa. Xã đã triển khai chủ trương của tỉnh, huyện và buộc các hộ dân phải cam kết đến ngày 30-6-2014 là chấm dứt việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch.
Xã đã kiểm tra phát hiện và buộc lấp 29 giếng khoan lấy nước mặn để nuôi tôm. Khi đề cập vấn đề này, ông Phan Văn Tiền cho rằng, chủ trương của Nhà nước nếu không chấp hành thì không được, mà chấp hành thì khổ. Ông lý giải: Nhiều hộ dân trồng lúa cho rằng nước trong kênh nội đồng do các hộ nuôi tôm xả ra.
Cá nhân ông chưa một lần bơm nước mặn từ ao nuôi ra kênh nội đồng, bởi nước mặn nhưng tốn tiền mới có. Vào vụ nuôi, ông dùng điện bơm nước mặn vào ao, tốn kém chi phí nên pha vào đủ độ mặn là ngưng bơm. Con tôm giống trước khi thả nuôi đã thỏa thuận nơi bán thuần độ mặn thích nghi từ 4-5%o. Tôm nuôi tiếp tục được thuần nước ngọt, đến thu hoạch độ mặn trong ao nuôi còn 0%o, ngọt như nước ở ngoài kênh.
Mỗi khi xử lý ao để thả nuôi vụ mới, ông bơm bùn đáy ao lên 5 công đất lúa. Lúa gieo sạ 3 vụ/năm vẫn phát triển tốt, vụ thu hoạch thấp nhất 29 giạ/công, riêng vụ Đông - Xuân được 36 giạ/công. Ông Phạm Văn Cược cũng tương tự, bùn đáy ao bơm trực tiếp vào 4 công đất trồng dừa và cỏ. Dừa và cỏ vẫn phát triển tươi tốt.
Ông Cược cho rằng, nếu chuyển sang nuôi cá thì chỉ đáp ứng nguồn thức ăn cho gia đình là chính, không có lãi. Ao đã đào sẵn không thể lấp lại. Giá con tôm thẻ chân trắng có tăng, có giảm nhưng mỗi vụ thu hoạch tiền lãi mua được từ 500-600 giạ lúa, vụ lãi thấp nhất cũng mua được 100 giạ lúa.
Ông Phan Văn Tiền cho rằng, đến ngày 30-6-2014, nếu Nhà nước kiên quyết không cho nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa thì ông chấp hành việc lấp giếng khoan nước mặn nhưng vẫn nuôi.
Ông sẽ thỏa thuận nơi bán tôm giống thuần ở độ mặn thấp, chi phí chắc chắn là tăng, tôm giống thả nuôi tăng số lượng khoảng 15% để trừ hao hụt. Theo ông Tiền, con tôm thẻ chân trắng không đòi hỏi độ mặn cao, với phương án này, tôm nuôi có hao hụt, lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm nhưng vẫn còn cao hơn so với nuôi cá phi.
Các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch cho biết, nhiều vụ tôm thu hoạch đều có lợi nhuận. Năm 2013, tôm thu hoạch bán giá cao, thu được lãi cao. Từ năm 2014 đến nay, giá tôm lên xuống thất thường, có thời điểm tôm thu hoạch kích cỡ 100 con/kg, giá 85.000 đồng xem như hòa vốn. Nhưng khi đề cập đến chuyển đổi đối tượng nuôi thích nghi với vùng ngọt hóa, phần lớn người nuôi còn do dự.
Ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: Các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch gặp sự phản ứng từ hộ trồng lúa, bởi ít nhiều hộ nuôi tôm vẫn thải nước mặn ra kênh nội đồng. Năm 2014, giá tôm giảm mạnh, hộ nuôi tôm trong vùng ngọt hóa thu lợi nhuận không cao, có hộ hòa vốn và lỗ.
Xã vẫn phải tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động hộ dân tìm đối tượng nuôi mới thay thế tôm thẻ chân trắng. Đây cũng là hướng phát triển ổn định, bền vững cho cả vùng ngọt hóa của An Hiệp nói riêng và huyện Ba Tri nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ