Trăn Trở Với Bước Đầu Thực Hiện
Các cơ quan quản lý lẫn người nuôi cá tra vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang đang hết sức kỳ vọng vào sự đổi thay mạnh mẽ từ Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện bước đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là định hướng người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đầu ra gặp khó
Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Đại Thắng, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy được xem là đơn vị đầu tiên của tỉnh được ngành nông nghiệp Hậu Giang hỗ trợ kinh phí thả nuôi cá tra theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và đang được các cơ quan chuyên môn thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trưởng trạm Thủy sản thị xã Ngã Bảy Đặng Thanh Cường thông tin: HTX Đại Thắng đã có 15 trong tổng số 18 thành viên, với tổng số khoảng 5ha đăng ký tham gia thực hiện quy trình nuôi cá tra thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, tất cả 8ha mặt nước của HTX đều nằm trong vùng quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Đây là tiền đề cần thiết để HTX tiến tới xây dựng hợp đồng làm vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, đảm bảo yêu cầu Nghị định 36 của Chính phủ.
Tuy nhiên, công sức cùng sự kỳ vọng của người nuôi cá tra theo quy trình VietGAP trong HTX Thủy sản Đại Thắng vẫn chưa được đền đáp xứng đáng.
Khi mà giá cả, đầu ra sản phẩm mang tính quyết định đến thành quả sản xuất vẫn còn nhiều bất ổn. Theo ông Lê Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng, khâu ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp bước đầu chưa đảm bảo, chỉ là những bản hợp đồng với hình thức ký biên bản ghi nhớ làm vùng nguyên liệu cho nhà máy nên chẳng mang tính ràng buộc gì hết.
Chưa kể là thời gian qua, mặc dù sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng doanh nghiệp thu mua chẳng quan tâm đến chất lượng sản phẩm cá tra nguyên liệu của các thành viên HTX. Vì vậy, giá cả, khâu giải quyết đầu ra vẫn đang bị cào bằng như các hộ nuôi thông thường khác.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang Đặng Ngọc Giao cho biết: Ngành nông nghiệp rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm cá tra cho người dân. Song, các doanh nghiệp đều không mặn mà. Thứ nhất, họ cho rằng gắn kết thì phải ràng buộc; thứ hai, quá trình bao tiêu thường dễ xảy ra trường hợp “bẻ kèo”, thậm chí là dẫn đến thưa kiện.
Hy vọng rằng sau khi Nghị định 36 đi vào thực tiễn và khuôn khổ sẽ ràng buộc nhà doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì phải chứng minh vùng nguyên liệu theo hình thức tự nuôi hoặc liên kết. Mặt khác, cùng với sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm thông qua hiệp hội, hay cơ quan quản lý thủy sản địa phương sẽ giải quyết đầu ra sản phẩm cá tra cho người dân được chặt chẽ hơn.
Giải pháp tất yếu
Theo quy định của Nghị định 36, đến cuối năm 2015 mà không thực hiện VietGAP thì nhà máy chế biến không được mua đối với những cơ sở đó để xuất khẩu. Ngặt nỗi, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với người nuôi cá tra trong tỉnh là thiếu kinh phí thực hiện VietGAP. Trên thực tế, diện tích thả nuôi cá tra của người dân trên địa bàn Hậu Giang còn manh mún, nhỏ lẻ, nhất là chịu cảnh thua lỗ triền miên nên chỉ có những cơ sở nuôi với quy mô lớn do các doanh nghiệp đầu tư mới thực sự mạnh tay áp dụng quy trình VietGAP.
“Nếu ai ý thức được chuyện này thì người ta chấp nhận bỏ tiền ra làm. Còn hộ không ý thức thực hiện thì chỉ còn cách loại họ ra khỏi quy hoạch. Chứ ngành không thể sử dụng bất cứ biện pháp hành chính nào để chế tài, xử lý các trường hợp đó được” - ông Giao băn khoăn.
Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) Trần Công Khôi cho rằng: Bước đầu, việc định hướng người dân thả nuôi theo quy trình VietGAP sẽ gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Bởi, vấn đề ở đây là mang tính tự nguyện nên không được ép buộc theo kiểu hành chính. Vì vậy, các cơ quan quản lý từng địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để “đả thông” suy nghĩ của người dân là làm VietGAP không nâng giá lên nhưng có thể hạ giá thành sản xuất xuống.
Ông Khôi khẳng định: “Thực ra, VietGAP chính là cách quản lý tiên tiến mà ngành nông nghiệp đã áp dụng từ lâu. Bây giờ, chúng ta lại tiếp tục định hướng người nuôi thực hiện một cách bài bản hơn, đúng khuôn khổ của nó, trong đó có việc ghi chép đầy đủ”.
Cũng theo ông Khôi, thời gian qua, việc áp thuế bán phá giá đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu đã khiến người nuôi và doanh nghiệp “sống dở chết dở”, nếu để đối tác nước ngoài tiếp tục tạm dừng nhập khẩu do sản phẩm kém chất lượng nữa thì cực kỳ bất lợi cho nghề nuôi cá tra.
Do đó, một mặt trên tầm vĩ mô, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết vấn đề đầu ra; mặt khác các cơ sở, ngành, địa phương phải lo liệu vấn đề nguyên liệu đầu vào bằng cách xúc tiến giải pháp thả nuôi theo quy chuẩn VietGAP. “Khó đến đâu thì từng bước tháo gỡ đến đó. Trên thực tế là các điều kiện xuất khẩu ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt hơn. Trong khi sản phẩm quá nhiều nhưng tiêu chuẩn không đáp ứng được thì đến lúc đó khó khăn lại càng chồng chất lên đôi vai người nuôi” - ông Khôi đặt vấn đề.
Hiện giá cá tra đang có chiều hướng gia tăng trở lại, trên 23.000 đồng/kg. Hy vọng, hiệu ứng tích cực này sẽ góp phần tạo thêm động lực, đồng thời tạo ra cơ hội thuận lợi để người dân mạnh dạn đầu tư kinh phí cải tạo ao nuôi và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP một cách bài bản theo khuôn khổ Nghị định 36 của Chính phủ.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1831E0/Tran_tro_voi_buoc_dau_thuc_hien.aspx
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ