Mô hình kinh tế Trị Bệnh Cho Cây Chuối

Trị Bệnh Cho Cây Chuối

Ngày đăng 07/08/2014

Trị Bệnh Cho Cây Chuối

Thời gian qua, chuối trồng ở các xã An Lĩnh, An Xuân, An Thọ (huyện Tuy An) bị bệnh rũ lá, sau đó chết khô mà không biết nguyên nhân. Xung quanh vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên.

* Tại các xã An Lĩnh, An Xuân, An Thọ, cả vườn chuối ngả màu vàng, vậy chuối bị bệnh gì, có lây lan nhanh không, thưa ông?

- Kết quả giám định bệnh tại phòng thí nghiệm bằng phương pháp quan sát triệu chứng điển hình so với các mẫu bệnh chuẩn, bước đầu đã xác định đây là bệnh héo rũ Panama, do nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense gây ra. Đây là loại bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh, khó phòng trừ, khiến chuối chết từng bụi hoặc cả vườn nếu không được phòng trừ kịp thời.

Bệnh héo rũ Panama là một trong những bệnh rất phổ biến và gây hại nghiêm trọng đến năng suất chuối. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây chuối.

Ở các nước nhiệt đới, bệnh héo rũ Panama phát sinh trong đầu những năm 1990 tại Malaysia và Indonesia, sau đó lan rộng khắp Đông Nam Á và Úc chỉ trong gần một thập kỷ, gây thiệt hại đáng kể và ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều nông dân ở các nước.

* Chuối bị bệnh vào mùa khô nên nhiều người cứ nghĩ do nắng hạn, tuy nhiên nhiều vườn chuối trồng cạnh suối cũng bị héo lá. Vậy giải pháp nào phân biệt chuối bị bệnh và chuối héo lá do thiếu nước?

- Bệnh héo rũ Panama trên cây chuối thể hiện 2 triệu chứng trên lá, đó là héo vàng và héo xanh lá. Đối với triệu chứng héo vàng lá, đặc trưng của nó là mép lá già có màu vàng (dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng thiếu hụt kali, đặc biệt là trong giai đoạn hạn hán và lạnh).

Màu vàng phát triển từ lá già đến lá non, từ bìa lá lan vào gân lá. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả (thân chuối thực chất là do các bẹ lá chuối tạo thành), đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Trên cây, các lá già bị héo khô quanh thân giả, chỉ còn một số lá đọt xanh và mọc thẳng, các lá đọt này có màu xanh nhạt hay hơi vàng, bị méo mó, nhăn nheo, cuối cùng héo úa.

Còn triệu chứng héo xanh lá: lá của cây bị bệnh đến giai đoạn cuối, lá xanh cho đến khi cuống lá uốn cong và gãy.

Khi cây chuối bị bệnh làm cho cây sinh trưởng chậm lại, lá mới ra có màu sắc nhợt nhạt, phiến lá mới ra nhỏ lại và nhăn nheo. Chuối mắc bệnh và chết nhưng thân không đổ, các bẹ ngoài bị nứt dọc. Cắt ngang thân giả sẽ thấy các bó mạch dẫn có màu nâu vàng.

Cắt ngang củ chuối có các đốm vàng hoặc đỏ nâu và bốc mùi hôi. Triệu chứng ban đầu, rễ có màu vàng sau chuyển sang màu vàng đỏ, các mạch dẫn trong thân chuối có màu nâu. Đây là triệu chứng rất đặc trưng của bệnh.

Đối với cây chuối bị hạn, lá cũng bị héo khô, ban đầu những lá già héo vàng và tiếp đến là các lá ngọn, nhưng cuống lá không bị gãy và treo trên thân giả.

Khi gặp hạn nặng, cây chuối sẽ bị héo lá, thân tóp lại. Điểm đặc trưng là khi cắt ngang thân giả sẽ không thấy các bó mạch màu nâu, củ không có các đốm đỏ nâu và rễ cũng không bị chuyển màu vàng đỏ.

* Vậy, chi cục có khuyến cáo gì để nông dân phòng ngừa, ngăn chặn loại bệnh này?

- Bệnh héo rũ Panama do nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense gây ra. Loài nấm này tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh. Nấm có thể sống trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con, dụng cụ làm vườn và đất có mang mầm bệnh.

Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong mạch dẫn, làm cho cây bị héo; bào tử nấm có thể tồn tại trong đất khoảng 20 năm.

Nấm bệnh có thể được phát tán thông qua các tàn dư cây bị bệnh, nhờ đất, nước và côn trùng. Vì vậy để quản lý, ngăn chặn bệnh héo rũ Panama, bà con nông dân nên chọn giống chuối kháng với nấm bệnh (nên tham khảo ý kiến các cán bộ bảo vệ thực vật) là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Bên cạnh đó, nên chọn đất trồng chuối có độ pH trung tính và hơi kiềm (đất không bị chua phèn).

Không dùng chuối con ở các vườn bị bệnh làm giống. Nên sử dụng giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh để trồng. Đồng thời luân canh cây chuối với cây trồng khác (chuối-mía; chuối- sắn) từ 1 đến 3 năm.

Trong quá trình chăm sóc, cần sử dụng phân chuồng đã hoai mục, bón đầy đủ, cân đối NPK trong bón lót và bón thúc, hạn chế bón phân đạm amon (NH4+), thay bằng phân đạm nitrate (NO3). Nên bón vôi bột khử trùng trước khi trồng, bổ sung vôi bột trong quá trình canh tác để cải thiện pH đất.

Người trồng chuối cần lưu ý làm rãnh thoát nước tốt cho vườn chuối, nhất là vào mùa mưa, không nên để độ ẩm trong đất quá cao. Những vườn hay bị bệnh và những vườn chuối thường ẩm ướt thì không nên trồng những giống dễ bị nhiễm bệnh.

Hạn chế sự xâm nhiễm của nấm bệnh qua vết thương cơ giới, trong quá trình chăm sóc cần hạn chế làm đứt rễ chuối. Thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện và xử lý sâu đục thân và tuyến trùng hại chuối. Khi phát hiện bệnh, phải đào bỏ các gốc chuối bị bệnh đem tiêu hủy và dùng vôi bột rải vào các gốc cây để khử trùng đất.

* Xin cảm ơn ông!


Thu Tiền Tỉ Từ Trồng Tiêu Thu Tiền Tỉ Từ Trồng Tiêu Sản Xuất Nông Nghiệp Sạch Đường Dài Còn Lắm Truân Chuyên Sản Xuất Nông Nghiệp Sạch Đường Dài Còn…