Cà phê Trị Bệnh Nấm Hồng Gây Hại Trên Cây Cà Phê

Trị Bệnh Nấm Hồng Gây Hại Trên Cây Cà Phê

Ngày đăng 25/10/2012

Trị Bệnh Nấm Hồng Gây Hại Trên Cây Cà Phê

Ban Biên tập Y5Cafe nhận được ý kiến phản hồi của bạn Vũ Quang Lãng ở báo Nông nghiệp Việt Nam góp ý về bệnh nấm hồng gây hại. Nhận thấy ý kiến của bạn Vũ Quang Lãng rất đầy đủ và hữu dụng nên BBT đã chuyển thành bài viết để bà con trồng cà phê tham khảo.

Cây cà phê và nhiều loại cây đa niên khác vào mùa mưa thường bị bệnh nấm hồng gây hại. Bệnh do nấm Corticium salmonicolor và thường lây lan nhanh gây thiệt hại rất lớn cho vườn cây, thậm chí có một số trường hợp phải hủy bỏ cả vườn cây.

Triệu chứng tác hại:

Bệnh thường phát sinh trên cành, gần nơi phân cành giáp với thân hoặc những cành mọc ngang. Ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm màu phớt hồng, nhẵn. Về sau vết bệnh dày lên và chuyển dần sang màu hồng, trên mặt vết bệnh có một lớp bào tử nấm màu hồng nhạt rất mịn. Khi vết bệnh cũ màu hồng sẽ chuyển dần sang màu trắng xám.

Nếu thời tiết thuận lợi, vết bệnh sẽ phát triển rộng dần (chạy dọc theo cành, có khi dài tới vài tấc và dần dần bao bọc hết chu vi của cành). Đồng thời với quá trình lan rộng của vết bệnh, nấm ký sinh còn xâm nhập vào bên dưới lớp vỏ phá hại mạch dẫn và tượng tầng làm chết vỏ cây, khiến nước và dinh dưỡng không được vận chuyển lên phía trên, làm toàn bộ lá phía trên chỗ bị bệnh bị úa vàng và rụng, trái bị rụng non, cuối cùng cành sẽ bị chết khô (phần vỏ chỗ bị bệnh có thể bị nứt và chảy nhựa), ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây cà phê.

Do yêu cầu của nấm là phải có nhiệt độ và ẩm độ cao để sinh sản và phát triển, nên bệnh thường gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm của mùa mưa.

Ngoài cà phê, bệnh còn gây hại cả cây cao su và nhiều loại cây lâu năm khác như xoài, sầu riêng, mãng cầu, nhãn, cam quýt, chanh, bưởi… vì thế nguồn bệnh có rất sẵn trong tự nhiên, nên việc phòng ngừa bệnh cho cây cà phê đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.

Biện pháp phòng trị:

Muốn phòng trị bệnh có hiệu quả, cần phải áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây:

- Không nên trồng cà phê quá dày, phải thường xuyên cắt tỉa những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá không có khả năng cho trái… để vườn thông thoáng, tăng cường ánh nắng và giảm bớt ẩm độ trong tán lá.

- Trong vườn nên bố trí hệ thống thoát nước, để giảm bớt ẩm ướt trong mùa mưa, hạn chế nấm bệnh sinh sản, phát triển.

- Thường xuyên cắt bỏ những cành đã bị bệnh chết đưa ra khỏi vườn tiêu hủy để hạn chế bệnh lây lan.

- Phải kiểm tra vườn cà phê thường xuyên (nhất là các tháng trong mùa mưa) để phát hiệm sớm và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời.

Nếu thấy vết bệnh mới phát sinh trên các cành lớn gần thân thì có thể dùng một trong những loại thuốc như: Bordeaux, Vanicide 5SL, Saizole 5SC, Validacin 3DD, Anvil 5SC… pha nồng độ 5% quét lên cành (2 lần cách nhau 7-10 ngày).

Nếu bệnh phát sinh nhiều trên cả các cành nhỏ, có thể sử dụng một trong những loại thuốc trên phun lên cây để phòng trị bệnh (về liều lượng và cách sử dụng có thể tham khảo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc). Nhớ phun ướt đẫm chỗ bị bệnh và các vùng xung quanh.

Muốn thuốc có hiệu quả cao và kéo dài, tăng bám dính và loang trải, nên pha thêm 2% dầu khoáng SK Enspray 99EC. Phun định kỳ khoảng 10-14 ngày/lần cho đến khi bệnh ngừng phát triển.

Để việc phòng trị mang lại hiệu quả cao, nên vận động nhiều chủ vườn cùng tiến hành sử dụng thuốc trên diện rộng, để hạn chế bệnh lây lan sang nhau.

Những vườn đã bị bệnh gây hại nặng, cùng với việc sử dụng thuốc nên bón thêm phân để cây cà phê nhanh hồi phục.


Ảnh Hưởng Của Việc Thừa Và Thiếu Phân Đạm, Lân Và Kali Đối Với Cây Cà Phê? Ảnh Hưởng Của Việc Thừa Và Thiếu Phân… Kinh Nghiệm Tái Canh Cà Phê Đạt Hiệu Quả Kinh Nghiệm Tái Canh Cà Phê Đạt Hiệu…