Triển vọng mới cho cây dừa Hoài Nhơn
HTX trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực đầu tư trang thiết bị sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm từ dừa, từng bước góp phần phát triển “kinh tế dừa” Hoài Nhơn.
Ðặc biệt, mới đây với sự ra đời của Hội Dừa Hoài Nhơn, hứa hẹn mang đến triển vọng mới cho cây dừa nơi đây.
Các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất, chế biến từ dừa của HTXNN Ngọc An (xã Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn) đã dần chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiệu quả kinh tế chưa cao
Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, trong vòng 10 năm, từ 2004 đến 2014, diện tích trồng dừa trên địa bàn huyện giảm trên 600 ha, chủ yếu do quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, xây dựng các cụm công nghiệp, khu dân cư và các công trình phục vụ lợi ích dân sinh khác.
Hiện toàn huyện có gần 3.000 ha diện tích dừa, chiếm khoảng 60% diện tích trồng dừa cả tỉnh, sản lượng thu hoạch trên 30.000 tấn/năm, năng suất bình quân 10,4 tấn/ha/năm.
Trên thực tế, trong một thời gian khá dài, giá dừa khô liên tục giảm, khiến người trồng dừa chán nản, không đầu tư chăm sóc dẫn đến hàng chục hecta dừa bị bỏ hoang, mặc sức cho bọ cánh cứng phá hại. Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa trên địa bàn còn nhỏ lẻ, phương tiện máy móc lạc hậu, nên hơn 70% dừa quả của địa phương hầu như phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ phía Bắc và Trung Quốc.
Để từng bước khai thác tiềm năng, các chuỗi giá trị từ dừa, từ năm 2008 đến nay, cùng với những chương trình dự án hỗ trợ của tỉnh, HTXNN Ngọc An cùng HTXNN Hoài Mỹ và một số cơ sở, DN trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất bánh tráng nước dừa.
Công nghệ chế biến dầu dừa tinh khiết và các sản phẩm tiêu dùng khác, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm từ dừa và nâng dần giá dừa nguyên liệu ở địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An, chia sẻ:
“Hiện nay 6 sản phẩm của HTX, như bánh tráng nước dừa, dầu dừa tinh khiết, than hoạt tính, các loại hóa mỹ phẩm sản xuất chế biến từ dừa đạt các tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đã và đang tiếp cận thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, như:
Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh..., bước đầu thu hút đông đảo người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là “hàng gửi”, bên cạnh việc tốn kém nhiều chi phí quảng bá, còn ẩn chứa nhiều rủi ro không thể lường trước”.
Cũng theo Phòng Kinh tế huyện, hiện toàn huyện có 150 DN, cơ sở chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, nhưng phần lớn chưa được chú trọng đầu tư phát triển nên phương thức sản xuất, chế biến còn lạc hậu; hình thức tổ chức sản xuất còn riêng lẻ, manh mún, dẫn đến thiếu năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Các sản phẩm từ dừa ở Hoài Nhơn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng dừa và các cơ sở, doanh nghiệp.
Triển vọng mới
Để khai thác và phát huy tiềm năng, nâng cao giá trị cây dừa Hoài Nhơn, đưa ngành kinh tế từ cây dừa trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương, mới đây, được sự nhất trí của UBND tỉnh, sự giúp đỡ của Hiệp hội Dừa Việt Nam, Hội Dừa Hoài Nhơn chính thức được thành lập.
Hội gồm 7 chi hội theo chức năng ngành nghề riêng biệt
: Chi hội chế biến dầu dừa tinh khiết; chi hội trồng dừa; chi hội sản xuất cước xơ dừa; chi hội thu mua dừa; chi hội sản xuất phân bón vi sinh từ mụn dừa; chi hội sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chi hội sản xuất thực phẩm các loại từ dừa.
Động thái này đã mở ra triển vọng mới cho người trồng dừa, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa ở Hoài Nhơn có cơ hội nâng cao thu nhập từ loại cây truyền thống của huyện nhà.
Ông Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội Dừa Hoài Nhơn nhiệm kỳ 2015-2020, cho biết: “Hội Dừa Hoài Nhơn ra đời là nguyện vọng nung nấu hàng chục năm qua của đông đảo người dân trên địa bàn.
Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để chúng tôi có đủ điều kiện đảm nhận tốt vai trò định hướng, kêu gọi các nguồn lực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mới có chất lượng, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, đồng thời ổn định giá nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất và người trồng dừa.
Hội sẽ chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị, DN trong và ngoài nước quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ một cách căn cơ và bài bản hơn”.
Ông Bá cho biết thêm một tin vui, mới đây Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu BATRIVINA (tại TP Hồ Chí Minh) cam kết sẽ thu mua toàn bộ phân bón vi sinh chế biến từ mụn dừa để sản xuất viên nén ươm cây xuất khẩu, và hợp tác tiêu thụ các sản phẩm mỹ nghệ từ dừa của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Hội Dừa Hoài Nhơn, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, tin tưởng rằng sau sự kiện này, các cơ sở, DN hiện đang kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ dừa trên địa bàn huyện Hoài Nhơn sẽ liên kết chặt chẽ, cùng hỗ trợ nhau nâng cao năng lực, trình độ trong sản xuất, chế biến; tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao; góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Đồng thời, Hội Dừa Hoài Nhơn cần chủ động phối hợp, liên kết với ngành Dừa Việt Nam để quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm dừa địa phương ra thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ