Triển Vọng Nghề Nuôi Thủy Đặc Sản
Những năm gần đây, bên cạnh các đối tượng truyền thống như cá lóc, rô phi, chép, mè, trắm cỏ..., người dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước đưa vào nuôi trồng các đối tượng thủy đặc sản như cá chình, vược, lăng chấm, bống bớp... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công của các mô hình trên không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh nhà trong việc phát triển nuôi những đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao...
Đối với người nuôi thủy sản tỉnh, thành công của mô hình nuôi cá chình do Công ty TNHH Hưng Biển thực hiện từ tháng 7-2011 đến tháng 11-2012 trên vùng cát Bảo Ninh đã giúp họ có cái nhìn mới đối với việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, trong đó có việc tìm đến những đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Nói về mô hình, ông Trần Vĩnh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Biển cho biết, mặc dù là lần đầu tiên nuôi thử nghiệm, nhưng cá chình thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương nên sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt đến 80 - 90%. Khi đưa vào nuôi, công ty thả 1.500 con, kích cỡ giống 8-10cm, sau 16 tháng nuôi trọng lượng đạt 0,6kg/con, cá biệt có con đạt 1kg.
Với sản lượng thu hoạch khoảng 1 tấn, giá bán bình quân 400.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 160 triệu đồng, cao hơn hẳn các đối tượng nuôi truyền thống khác. Ông Dũng cho biết thêm, sau khi thu hoạch hết lứa cá nuôi thử nghiệm đó, ông đã tiếp tục đầu tư nuôi cá chình, bởi dù là đối tượng nuôi mới nhưng cá chình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Còn ở Sơn Trạch (Bố Trạch), người dân lại có cách nuôi cá chình theo đặc thù địa phương là nuôi trong... lồng bè. Ông Hoàng Văn Thái, một trong 2 hộ nuôi cá chình cho biết, sau khi được UBND xã cho đi tham quan mô hình nuôi cá chình ở Hải Lăng (Quảng Trị) và Huế, từ tháng 9-2011, ông bắt tay vào làm lồng bè và mua con giống để thả nuôi. Gom góp từ từ trong vài tháng, lồng cá của ông đã có được 150 con với kích cỡ con giống từ 300 - 500gr/con.
Sau hơn 2 năm chăm sóc, bây giờ cá chình của ông Thái đã có trọng lượng từ 3 - 4kg/con. Với giá thị trường từ 500 - 600.000 đồng/kg, lồng cá chình của ông Thái sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình. Không chỉ thế, việc ông Thái thực hiện thành công mô hình cá chình lồng sẽ mở ra hướng đi mới cho việc phát triển đối tượng nuôi này trên sông Son, nơi có điều kiện khá lý tưởng cho việc nuôi cá chình lồng.
Một đối tượng thủy đặc sản khác là cá lăng chấm, vốn được xem là đặc sản nước ngọt hàng đầu của miền Bắc cũng đã được nuôi thử nghiệm thành công ở tỉnh ta, mở ra hướng đi mới cho việc đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Theo ông Bùi Viết Phương, chủ trang trại thực hiện mô hình (thị trấn nông trường Việt Trung, Bố Trạch) mặc dù có xuất xứ từ miền Bắc, nhưng cá lăng chấm lại thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương, đặc biệt là chịu đựng rất tốt với môi trường lạnh, ít bị dịch bệnh, không tốn công chăm sóc.
Chỉ sau 17 tháng nuôi (từ tháng 5-2011 đến tháng 10-2012) số lượng cá đạt trọng lượng từ 1,3-2kg chiếm khoảng 60%, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 900kg. Với giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi gần 50 triệu đồng. Sau thành công của mô hình, hiện tại ông Phương vẫn tiếp tục đầu tư nuôi cá lăng chấm, bởi đây là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao đang được thị trường ưa chuộng.
Và mới đây nhất, mô hình nuôi cá bống bớp trong ao cát được Trung tâm KN-KN thử nghiệm tại hộ anh Hồ Long ở vùng nuôi tôm xã Đại Trạch (Bố Trạch) cũng được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Chị Hồ Thị Thủy, cán bộ chỉ đạo mô hình cho biết, năm 2011, 2012, Trung tâm KN-KN đã thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm trong ao đất ở Đồng Hới và Bố Trạch, bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế.
Năm 2013, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp trong ao cát nhằm đa dạng hóa phương thức nuôi đối tượng thủy đặc sản mặn lợ này. Mô hình có quy mô 1.100m2, lượng giống thả nuôi 24.000 con với trọng lượng ban đầu 900 con/kg. Quá trình theo dõi cho thấy, cá bống bớp phát triển nhanh, sau tháng nuôi thứ nhất đạt 740 con/kg, tháng thứ 3 đạt 500 con/kg, tháng thứ 4 đạt 250 con/kg; sau 7 tháng nuôi (từ tháng 5-12) đạt trọng lượng trung bình 40 - 50 gam/con (tương đương 25 con/kg), tỷ lệ sống ước đạt trên 70%. Về hiệu quả kinh tế, dự ước sản lượng thu hoạch 800 - 900kg, với giá thị trường 250.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi trên 70 triệu đồng. Ngoài cá bống bớp, anh Hồ Long cũng đang nuôi thử nghiệm cá dìa xen tôm sú, theo đánh giá cá phát triển tốt, phù hợp với điều kiện địa phương.
Theo khảo sát, ngoài những mô hình thử nghiệm đối tượng nuôi mới như cá chình, lăng chấm, bống bớp... mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số người dân còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi trồng một số đối tượng thủy đặc sản như cá bớp (cá giò), chẽm, dìa, vược... và bước đầu đánh giá có triển vọng không chỉ về giá trị kinh tế mà còn góp phần cải tạo môi trường ao nuôi sau khi nuôi tôm thâm canh nhiều vụ bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, theo các hộ nuôi, do các loại thủy đặc sản là đối tượng nuôi mới, nguồn giống chủ yếu lấy từ tự nhiên dẫn đến độ rủi ro cao; hoặc phải đặt mua từ các tỉnh miền Bắc, miền Nam nên chi phí vận chuyển cao, cá giống bị mất sức dẫn đến tỷ lệ sống thấp nên ảnh hưởng đến sản lượng.
Theo tìm hiểu, được biết hiện tỉnh ta đã có thể chủ động sản xuất được một số đối tượng như Công ty TNHH Thanh Hương ở Lệ Thủy sản xuất thành công giống cá đối mục, Trung tâm Giống thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp - PTNT) sản xuất thành công giống cá lăng chấm... để cung cấp cho người nuôi. Tuy nhiên, đối với những đối tượng rất có triển vọng để nhân rộng như cá chình, bống bớp... cũng rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như nguồn vốn từ phía các cấp chính quyền địa phương; đặc biệt là cần tiếp nhận quy trình sản xuất giống tại chỗ để bảo đảm được nguồn cung cấp giống cho bà con có nhu cầu.
Bên cạnh đó, một số đối tượng như cá chình, lăng chấm, chẽm, vược... thời gian nuôi dài trên 2 năm mới đạt kích cỡ thương phẩm và chi phí đầu tư cao, nên hộ nuôi phải có tiềm lực kinh tế mới có điều kiện để nuôi. Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng khiến không ít người nuôi trăn trở, đó là thị trường đầu ra cho các đối tượng này nếu triển khai nuôi trồng rộng rãi.
Về vấn đề này, ông Hoàng Quang Trung, Phó phòng Kỹ thuật NTTS của Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, nhu cầu của thị trường đối với các đối tượng thủy đặc sản như cá bống bớp, cá chình, vược... rất cao, do đó nếu bà con triển khai nhân rộng mô hình thì càng dễ dàng hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi sẽ thu hút thương lái từ các địa phương khác đến thu mua với số lượng lớn để chế biến xuất khẩu.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng thành công của những mô hình nuôi cá chình, lăng chấm, bống bớp, cá chẽm... được triển khai thời gian qua không chỉ góp phần đa dạng hóa hình thức, đối tượng thủy sản nuôi mà còn mở ra triển vọng cho việc phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ