Triển vọng từ mô hình trồng nấm bào ngư xám
Tuy mới phát triển mấy năm trở lại đây, nhưng mô hình trồng nấm bào ngư xám ở xã Long Đức (Long Phú) đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ. Đây đang là hướng đi mới trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương.
Chủ tịch Hội LHPN xã Long Đức Nguyễn Thị Bích Trăm phấn khởi cho biết: “Trong tổng số 1.268 hội viên phụ nữ của xã hiện chỉ còn 40 hội viên nghèo. Có được kết quả này cũng nhờ các chị chịu khó làm ăn, tiết kiệm trong chi tiêu và học hỏi, tìm tòi nhiều mô hình mới để phát triển kinh tế. Ngoài các mô hình như: chăn nuôi heo, trồng trọt và một số chị buôn bán nhỏ… thì thời gian gần đây, mô hình trồng nấm bào ngư xám đã và đang khẳng định tính hiệu quả, giúp hội viên ổn định đời sống, yên tâm tham gia công tác hội”.
Qua giới thiệu của chị Trăm, chúng tôi đến gia đình chị Lê Thị Cẩm Loan, ở ấp Thạnh Đức - đây là một trong những hội viên phụ nữ rất thành công từ mô hình trồng nấm bào ngư xám. Đưa chúng tôi đi thăm mô hình, chị Loan chân tình chia sẻ: “Thấy người em mua phôi nấm bào ngư xám về trồng nhưng bị thất bại do không nắm được kỹ thuật nên tôi quyết tâm tìm hiểu kinh nghiệm qua báo, đài, mạng internet rồi dựng trại và mua 500 phôi nấm về trồng thử. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và thấy mô hình có rất nhiều cái lợi, không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn phù hợp với phụ nữ nông thôn. Ngoài ra, vừa tận dụng thời gian rảnh rỗi làm vừa có thời gian chăm sóc con cái, ở nhà không cần đi làm mướn, có thu nhập ổn định”.
Nhờ trồng nấm bào ngư xám mà mỗi năm chị Lê Thị Cẩm Loan ở ấp Thạnh Đức, xã Long Đức (Long Phú) thu về trên 40 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Sau khi thấy mô hình trồng nấm bào ngư xám của chị Loan hiệu quả, Hội LHPN xã tạo điều kiện cho chị vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, từ đó, chị Loan có vốn để đầu tư mở rộng mô hình, với 4.000 phôi nấm. Theo chị Loan, trồng nấm bào ngư xám không khó, chỉ cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Cụ thể là phôi nấm khi mới mua về, ủ tơ nấm khoảng 25 ngày đến 30 ngày. Sau đó, thường xuyên kiểm tra để phát hiện những bịch nhiễm mốc xanh để hủy bỏ. Lưu ý, trong thời gian nuôi ủ tơ nấm, không cần tưới thường xuyên mà chỉ tưới ở nền, xung quanh vách sao cho đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm.
Theo kinh nghiệm chị Loan chia sẻ, sau giai đoạn ủ tơ nấm, chỉ cần tưới nước dạng phun sương xung quanh lớp vỏ bịch, không được tưới nước trực tiếp vào bên trong bịch vì có nguy cơ làm ngập úng phôi nấm gây nhiễm bệnh, nổi mốc. Muốn cho phôi tăng trưởng tốt, cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm đủ độ ẩm và môi trường không bị nhiễm bệnh. “Khi thu hoạch thì khâu hái nấm và vệ sinh cổ nấm cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nấm. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, khoảng hơn 1 tháng là cho thu hoạch; 1 phôi nấm có thể thu hoạch 8 đợt trong thời gian 4 tháng” - chị Loan “bật mí”.
Hiện tại, nấm bào ngư xám trên thị trường có giá bán lẻ 40.000 đồng/kg, còn bán sỉ 35.000 đồng/kg, với 4.000 phôi nấm, mỗi năm chị Loan thu về trên 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Theo chị Loan, hiện đầu ra nấm bào ngư xám rất ổn định, chị bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn ở TP. Sóc Trăng, Cần Thơ và bán lẻ cho bà con lối xóm. Nấm bào ngư xám trồng rất an toàn nên nhu cầu thị trường ngày càng nhiều. Hiện có nhiều khách hàng hỏi nhưng không đủ nấm bán. Dự định thời gian tới chị sẽ mở rộng thêm trại và mua thêm phôi nấm về trồng.
Nhận thấy đây là mô hình hấp dẫn nên chị Đồng Thị Thúy, ở ấp An Hưng đã đi tham quan thực tế mô hình trồng nấm bào ngư xám của chị Loan. Sau thời gian học hỏi, tích lũy được kinh nghiệm, chị Thúy quyết định đầu tư phát triển mô hình. Tuy nấm mới cho thu hoạch đợt đầu nhưng chị Thúy tự tin khẳng định: “Hiện tôi trồng 1.000 phôi nấm bào ngư xám, đang cho thu hoạch đợt đầu. Trồng nấm không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng nước sạch để tưới nên rất an toàn. Từ đó, khách hàng yên tâm nên đầu ra ổn định, tôi thấy mô hình này rất khả quan. Trồng nấm rất dễ lại mau cho thu hoạch, nhẹ công chăm sóc nên phù hợp với phụ nữ nông thôn như chúng tôi, nếu có vốn, tôi tiếp tục mua thêm phôi về trồng”.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Trăm cho biết thêm: “Hiện nay, phong trào trồng nấm bào ngư xám đang phát triển tốt ở địa phương và là mô hình có nhiều triển vọng nên chúng tôi đang đề xuất UBND xã tạo điều kiện cho chị em được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nhân rộng. Để duy trì phát triển mô hình bền vững, về lâu dài sẽ thành lập tổ hợp tác để liên kết tạo đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống chị em hội viên”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ